Giai đoạn bùng nổ của thị trường chuyển nhượng Việt Nam phải kể tới thời điểm những năm 2007-2012, khi các ông bầu đua nhau đổ tiền vào bóng đá. V.League nóng hừng hực trước mỗi mùa giải, với liên tục những bản hợp đồng "bom tấn" được công bố.
Lê Công Vinh có lẽ là nhân vật "mở màn" cho trào lưu đổ tiền mua sắm cầu thủ, vừa để phục vụ tranh đoạt thành tích, và phần lớn hơn, để "đánh bóng" thương hiệu cho các ông bầu và những doanh nghiệp phía sau.
Năm 2008, Công Vinh chia tay Sông Lam Nghệ An để chuyển sang thi đấu cho T&T Hà Nội (tiền thân CLB Hà Nội hiện nay) của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Số tiền bầu Hiển phải chi cho thương vụ này lên tới 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một điểm khác biệt căn bản trong thương vụ bạc tỉ nói trên của Công Vinh, và cả những hợp đồng sau này của chân sút xứ Nghệ, là toàn bộ số tiền "chảy" vào túi riêng của anh. Đơn cử như vào cuối năm 2012 khi đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên, số tiền Công Vinh được nhận cũng lên tới gần 14 tỉ đồng.
Điều gì khiến Lê Công Vinh nhận được số tiền lớn đến vậy? Lý do chính như giới trong cuộc biết, với độ sành sỏi trong nghề, Công Vinh thường trực tiếp đàm phán với các ông chủ để tự định giá bản thân. Cho đến sau này khi từ Sông Lam Nghệ An chuyển tới B.Bình Dương, chân sút số 1 của bóng đá Việt Nam cũng "chơi" theo đúng cách trên.
Công Vinh là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, bởi với phần lớn các hợp đồng khác ở V-League, khâu đàm phán đều thông qua môi giới, hay như cách gọi quen thuộc là "cò". Số tiền thực nhận của cầu thủ ở mỗi bản hợp đồng, vì vậy đôi khi chỉ được 1/2 hoặc thậm chí là 1/3 so với con số công bố.
Giai đoạn bùng nổ của bóng đá Việt Nam phải kể tới thời điểm từ năm 2008-2012, khi các ông bầu còn "rủng rỉnh" hầu bao, đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng để cạnh tranh nhau.
Trong số các đội bóng bạo chi nhất, thì The Vissai Ninh Bình của ông bầu Hoàng Mạnh Trường được xếp vào diện "đỉnh". Ninh Bình một dạo trở thành trạm trung chuyển cầu thủ, với hàng loạt bản hợp đồng "bom tấn" được thực hiện.
Trong số này, có thể kể tới hợp đồng mua tiền đạo Việt Thắng (CLB B.Bình Dương) với giá 9 tỉ đồng. Một bản hợp đồng khác của Ninh Bình cũng đình đám không kém là trung vệ Vũ Như Thành, được báo giá 12 tỉ đồng.
Làng bóng biết rằng toàn bộ những bản hợp đồng trên của Ninh Bình đều được tiến hành qua bàn tay của một người: Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại ("cò" Đại). Hàng loạt cầu thủ đến rồi đi, với số tiền bầu Trường phải chi lên tới cả trăm tỉ đồng.
Vì sao Ninh Bình tích cực mua sắm rồi "đẩy" cầu thủ đi như vậy? Câu trả lời duy nhất là với mỗi bản hợp đồng trên, số tiền những người liên quan được hưởng có thể lên tới quá nửa. Dân trong nghề gọi là "phế".
Tiền "phế" nhiều hay ít phụ thuộc vào độ "quái" cũng như vị thế cầu thủ. Một "cò" bóng đá quen mặt tại V.League từng hé lộ, % phải chi cho những người tham gia một thương vụ chuyển nhượng, có thể là HLV, Giám đốc điều hành hoặc "cò", hoặc tất cả, chiếm tới 60% giá trị hợp đồng.
Một thương vụ điển hình cho chuyện "cắt phế" ở V-League là trường hợp trung vệ Đình Luật (Quân Khu 4 cũ) khi đầu quân cho Hải Phòng năm 2011, theo bản hợp đồng cho mượn giữa đôi bên. Thời điểm trên, số tiền Hải Phòng phải chi cho Đình Luật được thông báo là 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên về sau, những người thân cận với trung vệ này cho biết, anh từng chia sẻ số tiền được nhận chỉ là….500 triệu đồng, tức bằng 1/6. Tới khi đó, người ta mới nhớ lại khi chuyển tới Hải Phòng, Đình Luật đang bị chấn thương, chỉ đá được vài trận.
Có khá nhiều những ví dụ khác về các thương vụ chuyển nhượng "khủng" ở V-League. Kịch bản quen thuộc là giá cầu thủ được đẩy lên cao ngút nhằm móc túi các ông bầu.
Mãi về sau khi "ngộ" ra, ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã lên báo chỉ trích ông Trần Tiến Đại, và tuyên bố cạch mặt tay "cò" này. Tuy nhiên, khi đấy thì "cò" Đại đã chuyển qua đầu quân cho Xuân Thành Sài Gòn của ông bầu trẻ Nguyễn Đức Thuỵ.
Vẫn kịch bản cũ, đội bóng này lập tức trở thành tâm điểm trên thị trường chuyển nhượng. Bản hợp đồng lớn nhất tại Xuân Thành Sài Gòn thời ông Đại chính là trung vệ tuyển Việt Nam Lê Phước Tứ. Năm 2010, Phước Tứ đã tới đội bóng của bầu Thuỵ với số tiền công bố lên tới 14 tỉ đồng.
Sau cơn sốt ảo, V-League hiện đã dần trở lại với giá trị thực. Các bản hợp đồng được kiểm soát chặt hơn. Sau nhiều kinh nghiệm đau thương, các ông bầu cũng trở nên sành sỏi, khó bị "chặt chém" như trước. Tuy nhiên, "phế" vẫn là quy luật bất thành văn trong mỗi bản hợp đồng chuyển nhượng.