Tôi đã thực sự nghĩ về đứa con của mình từ rất sớm. Nó tên là Hoài An. Tôi nghĩ về bé Hoài An năm tôi 20 tuổi, khi đang có mối tình đầu. Đến nỗi, nhân vật trong phim điện ảnh đầu tay của tôi, cô giáo Hoài An (do Hồ Ngọc Hà thủ vai- phim Chiến dịch Trái tim bên phải) chính là từ thẳm sâu của tôi về một đứa con như thế. Thậm chí, những ngày 20 tuổi ấy tôi vẫn thường đi vào một con hẻm gần trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh ở Mai Dịch, ngắm những đứa trẻ trong một nhà trẻ gần đó và ước.
Hoài An càng lúc càng thành hình một cách rõ nét hơn khi tôi 22 tuổi, đó là năm 2000 - khi tôi chính thức trở thành anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò. Khi vào vai anh Chánh Văn, mỗi lá thư của học trò gửi tôi tâm sự về chuyện gia đình, bố mẹ đối xử với con cái thế nào thì tôi lại vào vai "một ông bố của Hoài An" để tư vấn. Tôi bắt đầu thành hình việc mình sẽ làm một ông bố thế nào. Tôi bắt đầu nghĩ về tâm lý của những Hoài An đang gửi thư cho mình. Loạt phóng sự gia đình ký tên Hoài An của tôi trên báo Hoa Học Trò ngày đó như "Bố mẹ ơi, con không phải là cái thớt" hay "Sinh ra trong một gia đình khuyết"… cũng là từ chính những lá thư bạn đọc gửi đến anh Chánh Văn.
Năm 2005 tôi cưới vợ, tất nhiên, không phải với cô gái mối tình đầu hẹn ước với nhau sinh con ra sẽ đặt tên là Hoài An. Nhưng đứa con đầu của tôi lại là con trai. Thú thực, rất xin lỗi con trai của bố, khi biết con là con trai bố đã hơi buồn một chút. Bố vẫn thích có con gái đầu vì đã trót mộng ước suốt bao năm về cô bé tên là Hoàng Hoài An rồi. Nhưng cái tiếc đó đã trôi qua khi bố đón con trai Gia Bách đến với thế giới đầy chật tình yêu này.
Có một điều phải làm cha rồi mới hiểu. Đó là việc bạn có bao nhiêu đứa con thì bạn phải vào vai bấy nhiêu ông bố. Là bởi mỗi đứa con sẽ có một tính khí khác nhau, mỗi giới tính lại có một cách yêu thương khác nhau và mỗi độ tuổi lại có một lựa chọn giáo dục khác nhau.
Tôi phải vào vai 3 ông bố cùng lúc và tất nhiên, mẹ chúng cũng vậy. Ông bố của Gia Bách - cậu cả, 14 tuổi khác với ông bố của Trà My, cô con gái lớn 13 tuổi và cực khác với ông bố của Phương Nguyên, cô con gái út 8 tuổi. Hôm nào xấu trời, 3 ông bố đó sẽ nện nhau một trận đã đời vì ông bố của Bách sẽ cau mày với ông bố của My vì ông bố của My chiều My quá. Ông bố của Nguyên cũng sẽ thở dài với sự vô tâm nơi ông bố của Bách. Đại loại thế. 3 ông bố sẽ cãi nhau chí choé bởi 3 đứa con nó đang cãi nhau chí choé. Thằng anh dỗi vì "Sao bố không nhắc nhở em My mà toàn nhắc nhở con?". Con út thì cũng chẳng vừa "Bố cho anh chị đi chơi mà không cho con đi cùng" mà biết đâu chúng lớn rồi, cái xe máy đâu thể chở cả 4 bố con đi.
Làm bố của 3 đứa con, riêng chuyện nghe chúng chí choé cũng đủ hết ngày. Nhưng tôi lại thích nghe chúng nó chí choé. Tôi tạo môi trường dân chủ - công bằng giữa 3 đứa. Tôi chấp nhận chuyện chúng chia phe với nhau, 2 đứa lớn một phe, đứa út ít một phe. Cãi nhau thoải mái nhưng cấm động tay động chân, cấm nói hỗn, cấm chơi xấu. Chưa bao giờ 3 đứa nó giơ tay đánh nhau hay nói hỗn với nhau cả. Tệ nhất chỉ là ông anh dỗi bỏ vào phòng không chơi cùng 2 đứa em hoặc cô em út khóc hu hu. Nhưng có hề gì. Tôi sợ cảm giác bất cứ đứa nào trong 3 đứa cảm thấy mình bị bố thiên vị với 2 đứa còn lại. Để không thiên vị, đứa nào cũng đúng và đứa nào cũng… sai. Tôi sẽ làm nạn nhân và kẻ địch của cả 3 đứa. Okie, bố chịu phạt thay 3 đứa hoặc bố sẽ phạt cả 3 đứa.
Tôi vẫn nghĩ rằng với lũ trẻ, sự công bằng mới là thứ chúng quan tâm. Bởi tôi đã thấy nhiều bậc cha mẹ ưu ái con út hơn con lớn hay như chính nhà tôi, bố tôi quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho tôi thay vì em gái tôi. Vì với bố, tôi là con trai trưởng, người sẽ hương khói bố sau này chứ em gái tôi rồi cũng đi lấy chồng, sống theo nhà chồng. Là bố tôi vẫn hay nghĩ thế, nói thế với tôi, dù tình yêu của bố tôi dành cho 2 anh em như nhau đi chăng nữa. Điều đó khiến tôi giận bố mình suốt mấy năm trời. Bởi em gái tôi, vì không được đầu tư nhiều như tôi, nó đã lớn lên một cách khá vất vả và cô độc.
Có lẽ điều đó đã tác động vào cách tôi chọn sự công bằng làm cốt lõi trong giáo dục con cái. Sự công bằng mà đã từng khiến vợ tôi tức điên lên, cãi nhau một trận long trời lở đất vì "Cái Nguyên bé xíu như thế anh không quan tâm, anh chỉ suốt ngày quan tâm đến 2 đứa lớn. Cứ như thể nó không phải con ruột của anh vậy. Anh cư xử với nó lạnh lùng". Lần đó, tôi đã quát Nguyên một trận vì đã có đồ của mình rồi nhưng vẫn đòi đồ của anh chị. Sự công bằng tôi đeo đuổi bằng việc quân phiệt với đứa trẻ hồi đó mới lên 3. Nói thật, nó cũng khiến tôi day dứt khá lâu.
Tôi không thích, cực kỳ không thích phong trào dạy con tự lập kiểu con ngã để con tự đứng dậy, con khóc thì quát con: Có gì mà phải khóc? Tự ngã tự đứng dậy chứ! Đặc biệt là với con trai. Cái cách nhiều cha mẹ tôn sùng sự tự lập vẫn hay áp đặt con trai ngã tí sứt sẹo cho nó cứng cỏi và cấm con không được khóc khiến tôi lạnh người. Nếu cha mẹ biết, nhiều khi đứa con nó khóc không hẳn vì nó đau mà là vì nó tủi thân. Như cái Nguyên nhà tôi, cô nàng Song Ngư bé bỏng và mong manh, nước mắt rơi không bao giờ là vì đau mà rơi. Kể cả khi nhổ răng hay khi bị tiêm lệch ven, cô nàng cũng không khóc. Nhưng chỉ cần bố không để tâm, mắng oan hay chưa hiểu ý cô nàng mà đã mắng là cô nàng sẽ khóc. Vậy nên, tôi không thích việc cha mẹ bỏ mặc con rơi nước mắt vì chỉ nghĩ chúng khóc mè nheo. Là sự tủi thân, nhiều cha mẹ chỉ để ý, để mắt đến nước mắt mà không để tâm vào giọt nước mắt ấy là từ đâu vậy.
Tôi cũng không thích tự do. Cho lũ trẻ tự do được làm gì chúng thích với tôi giống như bỏ bê chúng hơn. Nhiều đứa trẻ được tự do nói xen ngang khi người lớn nói, được tự do theo kiểu mặc kệ việc tự do ấy của chúng xâm phạm đến sự riêng tư của người khác.
Lũ trẻ được dạy tự lập, tự do, tự chủ mà không đúng cách sẽ thành những đứa trẻ tự… ti. Tôi nghĩ thế. Tự ti vì làm gì cũng chỉ một mình. Tự ti vì không được cha mẹ hỗ trợ. Tự ti vì không biết phải làm sao, làm thế nào. Là nhiều cha mẹ nghĩ dạy con tự lập, tự do, tự chủ chỉ để mình được… lười. Cha mẹ tự hào vì con tự lập giống một tấm huân chương mà cha mẹ nào cũng muốn có. Nhưng đứa trẻ tự lập ấy sẽ đủ tự tin chứ?
Có một ngày khai giảng nọ, gần đây, tôi chọn buông tay con ra để con tự đi khai giảng một mình. Không phải tôi muốn con mình tự lập mà là tôi muốn con mình ĐỘC LẬP. Độc lập khác tự lập. Là tôi chiết tự ra và cho rằng thế. Tôi dạy con độc lập trong mọi tình huống xảy ra với chúng. Độc lập trong cảm xúc. Độc lập trong quan điểm. Độc lập trong cách phản ứng. Độc lập trong cả cách nó đưa ra quyết định. Tôi đã hỏi con: Có muốn bố đi dự khai giảng cùng không? Chúng đáp: Không cần đâu bố. Con tự đi một mình được. Độc lập với tôi là quyết định của con chứ không phải ý định của bố mẹ.
Độc lập cả một khoản tiền cấp theo tuần. Các con được quyền sử dụng nó theo cách của các con. Hết tiền vẫn có thể vay và trừ vào tuần sau, tuần sau nữa. Tôi chưa dạy con về tiết kiệm, thú thực là vậy. Mặc dù tôi hiểu việc dạy con tiết kiệm là điều rất nên. Nhưng có lẽ vì tôi không phải là kẻ giỏi giang gì trong chuyện tiết kiệm nên tôi không biết phải dạy con ra sao. Thật đấy, nếu chúng ta chưa biết hoặc chúng ta không làm được thì đừng dạy con. Đó cũng là triết lý dạy con của vợ tôi.
Hồi đầu tôi cũng cú điên lên với vợ và bảo: Thế nếu chúng nó học kém như bố mẹ chúng thì chúng ta cũng mặc kệ chúng à? Vợ tôi đáp: Làm sao anh có thể cấm con anh hút thuốc khi mà anh mãi không bỏ được thuốc lá? Anh sẽ dạy con anh điều gì về tác hại thuốc lá khi mà chính anh vẫn đang phì phèo thuốc lá? Hãy làm được thì hẵng nói con. Tôi phải chịu vợ! Vì đúng là chúng ta chẳng dạy được con mình tử tế nếu như chính chúng ta không phải là những người tử tế. Thật tiếc là nhiều cha mẹ chạy điểm cho con rồi rao giảng với con về sự trung thực. Đó cũng là lý do tôi chọn dạy con ĐỘC LẬP.
Chúng tôi dạy rằng các con không cần phải giống bố hay giống mẹ. Các con độc lập phát triển theo cách các con muốn trở thành. Ví dụ như cậu Bách có thể muốn trở thành một người đàn ông không hút thuốc như bố. Tốt! Ví dụ như cô My có thể muốn trở thành một nhà kinh doanh giống mẹ nhưng không cần phải nhất nhất học theo mẹ. Độc lập phát triển theo cách mà các con muốn trở thành. Và việc của tôi lúc này là "Bố có thể không làm được nhưng các con có thể làm được". Chúng tôi có thể nói chuyện được với nhau hàng giờ về người mà các con muốn trở thành sau này. Tôi muốn gieo cho chúng những ước mơ và thay vì để chúng tự mò mẫm trở thành người như chúng muốn, tôi sẽ trở thành "ông cố vấn" với việc tham gia cùng chúng nó. Vào hùa cùng chúng nó. Xuýt xoa nể phục cùng chúng nó. Bĩu môi chê bai những thứ chúng nó không thích.
Vốn chẳng có sự trưởng thành nào không phải trải qua đôi ba phen đau đớn. Tôi nghĩ vậy. Nên tôi muốn trưởng thành cùng con mình, chịu đau đớn cùng chúng chứ không phải chịu thay chúng.
Những ngày làm anh Chánh Văn, đọc thư những đứa trẻ trưởng thành trong cô độc vì không thể chia sẻ cùng bố mẹ, thầy cô, tôi đã nuôi ý nghĩ: Sau này mình sẽ trưởng thành cùng con mình. Thế nên, bất cứ một thương tổn nào xảy ra trong quá trình trưởng thành của con, tôi đều muốn có mặt. Không phải chỉ để chứng kiến mà là để cùng chúng giảm bớt thương đau. Như khi chúng nhận ra chúng không phải là một đứa trẻ xuất sắc như bố mẹ vẫn truyền cảm hứng khen ngợi chúng; Như khi chúng trải qua sự hiểu lầm của bạn bè; Như khi chúng gặp những oan ức trước thầy cô hay bạn thân; Như khi chúng bị bạn nói xấu sau lưng, một người bạn rất thân…
Tôi chọn cách ra quán café với cậu Bách. Nói chuyện như 2 người đàn ông với nhau. Tôi chọn cách lang thang trên đường với cô My, chia sẻ góc nhìn của một thằng bạn khác giới. Tôi cũng chọn cách tỏ vẻ tò mò khi trò chuyện với Nguyên Ít để khơi gợi cô nàng chia sẻ. Nhiều cách khác nhau cho nhiều tình huống khác nhau với mỗi từng đứa.
Tôi cố gắng không trở thành một ông bố tâm lý mà chỉ muốn trở thành một kẻ ngoài cuộc. Chỉ có kẻ ngoài cuộc mới nhìn thấu được tâm can lũ trẻ. Chứ làm một ông bố, tôi sẽ tức điên lên khi cậu bạn thân của Bách hèn nhát bỏ rơi Bách lúc bị bạn bè tẩy chay. Chứ làm một ông bố, tôi sẽ tức lộn ruột khi cô gái nhỏ Trà My của mình thích mê mệt cậu bạn cùng lớp mà cậu ta chả thèm ngó ngàng gì đến con tôi. Chứ làm một ông bố, tôi sẽ muốn mắng cho cô Nguyên nhà tôi một trận vì đã không chơi với bạn A vì bạn B doạ nếu chơi với bạn A, bạn B sẽ nghỉ chơi với Nguyên Ít. Những rắc rối ấy, nếu bạn là một ông bố, bạn sẽ không ngồi im, không nghe hết, không thấu hiểu được những gì đang diễn ra trong tâm can chúng đâu. Tôi chọn làm một người ngoài cuộc như thế. Kiểu như anh Chánh Văn của riêng chúng vậy.
Tôi từng theo đuổi triết lý "Làm Bạn Với Con" bằng cách suốt nhiều mùa Hè, khi chúng được nghỉ học, 4 bố con lang thang khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. Chúng tôi chơi game cùng nhau. Như cái trò Pokemon Go ấy, lang thang đi bắt Pokemon. Nhiều "dân chơi" Pokemon Go ở Hà Nội hẳn sẽ luôn nhớ tới một ông bố đi cùng 3 đứa con lang thang đánh gym đánh boss suốt mùa hè. Hay nhiều quán café vỉa hè của Hà Nội, luôn có mặt bố con tôi. Từng ngõ ngách, phố lạ phố quen, chúng tôi mỗi ngày lại tự vẽ ra những cung đường khám phá. Tôi vừa đi vừa kể cho 3 đứa về tuổi thơ của mình qua mỗi nơi mà tôi từng trải qua. Lũ trẻ vô cùng thích thú với những tour ký ức bố như thế. Rồi ăn thử tất thảy những món quà vặt. Mùa Hè luôn trở nên dài rộng và hết mình như thế.
Nhưng. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi về việc làm bạn với con ngày một trở nên… bất khả thi. Vì bạn bè vốn không phải chỉ là đi chơi cùng nhau như thế. Tôi làm đủ mọi cách nhưng lũ trẻ vẫn chỉ coi tôi là ông bố ham chơi cùng chúng nó. Chứ không phải là bạn. Bằng chứng là chúng vẫn có những bí mật với tôi. Chúng vẫn giấu tôi những điều mà chúng chỉ có thể nói với bạn. Bởi cuối cùng, dù chúng ta có tự nhận mình là bạn của chúng đi nữa thì chúng ta vẫn chỉ là những ông bố, bà mẹ. Chúng ta sẵn sàng quát con khi con gặp nguy hiểm từ những sơ ý của con. Có bạn bè nào lại quát bạn mình bằng thứ thót tim ấy?
Chúng ta vẫn nhăn mặt, nhíu mày khi con kể chuyện dại dột của chúng với giọng điệu hân hoan như một chiến tích. Bởi chúng ta, trái tim của chúng ta, thuộc về chúng nó. Bởi chúng ta càng yêu con bao nhiêu càng sợ con bị tổn thương, bị lọc lừa, bị sai lầm, bị tai nạn. Bạn bè thì không có trái tim ông bố bà mẹ. Bạn bè có thể điên cùng nhau. Bạn bè có thể ngây thơ cùng nhau. Bạn bè có thể sai cùng nhau. Nên tôi, sau hơn 10 năm, từ lúc 3 đứa có thể lê la cùng bố, tôi thừa nhận mình thua cuộc. Tôi không thể là bạn của chúng dù muốn thế nào đi nữa. Cùng lắm chỉ là một người bạn lớn nhưng sẽ không thể là một người bạn thân có thể chia sẻ đủ mọi chuyện. Thôi thì thế, tôi chỉ nỗ lực làm một ông bố không khiến con phải xấu hổ khi nhắc tới đã là hạnh phúc lắm rồi. Có càng nhiều kỷ niệm với nhau để mai sau nhắc lại với con cái mình là vui lắm rồi. Kiểu "ngày xưa ông nội với bố đã chơi trò này" hay "ông ngoại ngày xưa toàn đèo mẹ, lúc mẹ bằng tuổi các con, đi ra đây chơi". Nghĩ thế thôi đã thấy vui lắm rồi.
Tôi rất phản đối nếu ai đó nói là họ hy sinh cả đời cho con. Tôi không thích từ hy sinh ấy. Chúng ta sinh con ra là một hạnh phúc. Đừng nói lời hy sinh nghe thảm lắm. Vì thứ chúng ta được luôn nhiều hơn thứ chúng ta mất.
Nhưng tôi cũng không thích coi con cái là khoản đầu tư. Thậm ghét nếu phải nghe cha mẹ nào nói câu: Tốn bao nhiêu nuôi nó đến chừng này, không biết sau này có nên cơm nên cháo gì không, có nuôi lại được bố mẹ ngày nào không?. Nhiều cha mẹ nói câu đó ra vốn chả nghĩ gì đâu, là lời cửa miệng nghe thế nào lặp lại thế. Nhưng nó khiến nhiều đứa trẻ như tôi hồi bé, cảm thấy mình nặng nợ, là cục nợ của bố mẹ.
Tôi luôn coi con cái với mình như một đoạn duyên dài. Hẳn kiếp trước bố con mình từng nợ nần nhau rất nhiều tình nghĩa nên kiếp này chúng ta mới thành cha con. Nghĩ vậy để trân quý mối quan hệ này. Anh chị em với nhau cũng thế. Không phải là đối xử tốt với nhau để sau này còn giúp đỡ nhau. Mà là lẽ đời tự nhiên là vậy, làm anh chị em với nhau là đương nhiên phải vậy. Mỗi chúng ta khi gặp nhau, kết thành cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em và kể cả bạn bè, đồng nghiệp, đối tác đều là có duyên hết. Nên chúng ta trân quý lấy mối quan hệ này. Nếu nó chưa được tốt, hãy làm cho nó tốt lên.
Tôi luôn chia sẻ với con cái về triết lý nhà Phật như thế. Là tôi cứ suy ra từ tôi, hồi bé theo bà nội lên chùa, nghe bà nội nói về nhân quả mà làm điều xấu là hay sợ. Tôi dạy các con mình biết sợ như thế. Chứ không phải đi xin thần phật may mắn hay lộc lá gì cả. Chừng nào chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ thành những người tử tế. Tôi tin vậy. Lũ trẻ nhà tôi không có bài học chính thức nào về việc "Anh em như thể tay chân- Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần". Tôi tin vào sợi dây liên kết vô hình của anh chị em ruột với nhau. Chẳng có gì cắt đứt nổi nó. Chỉ là nó sẽ trở nên xa cách nếu như chúng ta thiên vị đứa này, bất công với đứa kia, nuôi dưỡng mầm ích kỷ trong mỗi đứa. Và với cha mẹ- con cái cũng vậy. Đừng kỳ vọng chúng phải thế này hay thế nọ, cứ yêu thương nhau đi rồi quả sẽ ngọt.
Tôi không định huấn luyện con trai mình bằng những câu đại loại như "đàn ông chỉ đổ máu chứ quyết không đổ lệ". Tôi cũng không bao giờ trách con mình rằng "đàn ông đàn ang sao lại khóc nhè". Tôi cho quyền anh chàng này được khóc. Nhưng khóc là khóc chứ không phải khóc để được cái gì. Nước mắt cậu cứ việc tuôn nếu như cậu thấy cảm xúc của cậu lúc đó là muốn khóc. Có thể đó là một bộ phim quá hay về tình cảm gia đình hay sự tiếc thương khi một chú chó cưng tai nạn, mất đi. Có thể uất ức vì thấy bất công mà bật khóc vì chưa biết phải làm sao để giải quyết vấn đề bất công đó.
Tốt thôi! Khóc đi rồi tự lau nước mắt mà đứng dậy chiến đấu. Tôi tin những chàng trai giàu cảm xúc sẽ biết yêu thương người phụ nữ của anh ta hơn hẳn những gã cao to lạnh lùng. Và thật chẳng thấy thú vị gì một gã đàn ông giấu giếm cảm xúc của mình như mèo giấu... Thật đấy, yêu vợ thì nói yêu sao phải xấu hổ giấu đi? Rơi nước mắt vì những gì vợ mình làm cho mình vẫn tốt hơn kiểu mặt câng câng coi như đó là việc vợ phải làm. Các mẹ thấy đúng không???
Nhiều người cho rằng dạy con trai phải tôn trọng phụ nữ, nhường nhịn phụ nữ, tôn vinh phụ nữ. Thôi, thế cũng được đi. Dù nói thật việc tôn trọng, nhường nhịn và tôn vinh là với bất cứ ai chứ có đâu chỉ là phụ nữ? Kẻ tôn trọng phụ nữ nhưng đối xử chả ra gì với thằng bạn thân thì đàn ông kiểu đó cũng vứt. Kẻ nhường nhịn phụ nữ nhưng mắt trước mắt sau đạp thằng bên, dìm thằng dưới, tranh thủ hạ bệ thằng đằng sau cũng là loại đàn ông chán chết. Tôi vẫn cho rằng là đàn ông thì phải biết kính trên nhường dưới, tôn vinh kẻ giỏi và đừng bao giờ coi thường kẻ khác. Với phụ nữ luôn ưu tiên nhưng đó là vì bản thân mình muốn thế chứ chẳng phải vì đó là phụ nữ mà mình mới thế.
Tôi dạy chàng trai của mình về "Luật im lặng". Đừng có cái gì cũng nhảy cồ cồ lên đấu khẩu ngay lập tức. Càng không nên cự cãi với phụ nữ. Luật im lặng phải được học bằng sự bình tĩnh, lòng bao dung và cả sự kiên nhẫn nữa. Bình tĩnh để không động tí là cãi. Bao dung để lắng nghe nhiều hơn, tha thứ, bỏ qua, không chấp nhất. Kiên nhẫn để chờ đợi bão đi qua chứ đừng giương buồm lên giữa cơn bão vì mình là đàn ông ăn to nói lớn. Hãy học cách đếm trong đầu đến 10, 20, 30, 50 tuỳ từng tình huống. Hãy học cách nghe hết rồi mới đáp. Hãy học cách nghĩ đến giải pháp chứ đừng chỉ thấy những lý do. Hãy học cách bước qua chứ đừng sấn tới. Hãy học cách buông xuống chứ đừng giữ rịt. Hãy học cách chờ thêm vài chút nữa, chậm lại vài nhịp nữa trước khi ra quyết định có thể khiến người khác tổn thương.
Tôi dạy chàng trai của mình yêu mẹ nhưng vẫn phải thương vợ, nghe mẹ nhưng phải làm theo chỉ dẫn của tim mình. Tôi không cần cậu phải tỉnh táo phân biệt mẹ với vợ rõ ràng, nhưng đừng bao giờ có ý nghĩ mẹ không thể thay thế còn vợ có thể thay mới. Không! Mẹ và vợ đều là những thứ không thể thay thế vì mẹ là mẹ mình còn vợ là mẹ của con mình kia mà? Thứ đàn ông coi vợ như y phục đều chết hết cả rồi. Chúng chỉ sống ở thế kỷ 18 thôi. Bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi mà.
Trong mọi cuộc tranh cãi giữa mẹ và vợ thì đừng nói chuyện ai đúng ai sai. Mẹ có thương con thì đừng trách vợ con. Vợ có thương chồng thì đừng trách mẹ chồng. Đàn ông hãy trở thành nạn nhân chứ đừng làm đồng phạm, dù có thể mẹ đúng hay vợ đúng. Bởi bất cứ việc nghiêng bên nào cũng khiến bên còn lại rơi vào hố đen vời vợi. Nhớ đấy!
Đàn ông thương mẹ thì ai cũng thấy nhiều. Đàn ông thương vợ thì nhiều người đã thấy. Một người đàn ông cân bằng được vợ và mẹ mới là thứ đàn ông cần hướng tới. Đừng nói là khó! Nó chỉ khó nếu mẹ anh không thương anh, vợ anh không thương anh mà thôi. Và nếu như cả 2 người phụ nữ đó chỉ coi anh là thứ bỏ đi thì tốt nhất mặc họ xử nhau đi. Với những mẹ chồng ưa quyền lực hay vợ đành hanh vậy thì số anh nhọ rồi. Tôi nghĩ trường hợp đó có nhưng rất hiếm.
Cậu con trai của tôi năm nay 14 tuổi. Cậu có 2 cô em gái và một gia đình hạnh phúc. Tôi tin cậu ấy đã đủ để trở thành một người đàn ông tử tế. Và 5 năm nữa thôi, khi cậu có mối tình đầu hay 10 năm- 15 năm nữa cậu có một đám cưới, tôi tin chắc cậu ấy sẽ biết cách mang đến hạnh phúc cho người phụ nữ của cậu. Bài viết này thay giấy cam kết bảo hành từ chính nhà sản xuất, là tôi, bố cậu!
Tôi vẫn luôn tin rằng cái cách chúng ta thể hiện việc chúng ta yêu con thế nào chính là nguồn nhiên liệu tích cực giúp con bạn hạnh phúc. Những đứa trẻ có tuổi thơ hạnh phúc sẽ vững vàng hơn nhiều với những đứa trẻ ít hạnh phúc. Sức đề kháng của chúng với xã hội tương lai tuỳ thuộc vào việc hồi bé chúng được bố mẹ yêu thương thế nào chứ không phải bố mẹ chúng dạy chúng nhìn đời cẩn thận. Tôi sợ những cha mẹ đem tiêu cực ngoài kia về dạy con để sau này con biết mà tránh. Đừng đem kinh nghiệm ra dạy con. Hãy dạy con bằng trải nghiệm hạnh phúc. Chúng ta, nhiều lắm cũng chỉ có 10 năm -15 năm giữ được con trong vòng tay mình. Đến khi lũ trẻ đủ lớn, việc giữ chúng trong vòng tay mình chỉ khiến chúng nghẹt thở và muốn vùng vẫy ra thôi. Hôm nay, bạn đã trở về nhà sớm và hôn con mình chưa?