Thích thì… bỏ giải thôi!
Lịch sử giải V-League vừa trải qua một vết thơ rất khó gột rửa khi Long An thực hiện màn "tấu hài", đứng im cho TP.HCM ghi 3 bàn trong 3 phút, trong đó có một pha cố tình… quay lưng né bóng của thủ thành Nguyễn Minh Nhựt khi bắt penalty.
Sau bê bối, ông Võ Thành Nhiệm - Chủ tịch CLB Long An còn mạnh miệng hù dọa: "Chúng tôi thi đấu trên sân nhà cũng bị ép, thi đấu trên sân khách càng bị ép trắng trợn hơn. Nếu tình hình này tái diễn, CLB Long An sẽ rút lui khỏi bóng đá".
Như vậy, mới chỉ 6 vòng đấu của V-League 2017, đã có 2 trường hợp đội bóng dọa bỏ giải, sau lùm xùm của FLC Thanh Hóa khi phản đối án kỷ luật của Omar.
Thực ra, vụ bê bối của Long An chỉ là một cao trào giữa căn bệnh đang vô phương cứu chữa vốn tồn tại từ những năm gần đây, mang tên "bỏ đá và bỏ giải" vì ức chế trọng tài.
Còn nhớ năm 2014, căn bệnh này từng khiến V-League trải qua những phen chao đảo. Ở mùa bóng năm đó, V.Ninh Bình bỏ giải để điều tra vụ bê bối làm độ. Động thái này được gọi là màn chống tiêu cực bằng một phản ứng rất… tiêu cực.
Không lâu sau khi Ninh Bình "dính chàm", giải đấu lớn nhất Việt Nam đã trải qua một phen "dậy sóng" khi có 2 đội bóng dọa bỏ giải. Đầu tiên là An Giang đòi bỏ vì không thích V-League 2014 có đội… rớt hạng. Ít lâu sau, đến lượt Hải Phòng đòi bỏ vì ức ở chỗ tại sao VFF xử nặng họ mà không xử nặng Hà Nội T&T sau màn loạn đả trên sân Lạch Tray.
Các đội bóng đang đua nhau dọa "bỏ giải" vì bức xúc với trọng tài (ảnh: Zing.vn).
Trước đó, tại V-League 2013, XMXT. Sài Gòn cũng chính thức bỏ giải với tuyên bố: "Ban kỷ luật VFF vô cớ đưa ra án kỷ luật với CLB. Phải chăng đây chỉ là động thái nhằm che giấu công tác tổ chức yếu kém suốt mùa giải của VPF…".
Sau những tranh cãi, cuối cùng Sài Gòn bị phạt 100 triệu đồng và phải xuống chơi ở hạng 3 từ mùa giải 2014.
Nhưng đó chưa phải là tất cả! Bởi lùi tiếp thời gian đến năm 2011, sự cố bi hài chưa từng có đã xảy đến khi có tới 7 đội bóng dọa bỏ V-League, lập giải…Super Liga!
Lý do cho vụ scandal này là vì nhóm "G7" đã quá ngao ngán với cách làm việc của VFF, sẵn sàng đứng ra tổ chức một giải đấu mới thay cho V-League với tên gọi Super Liga để được… chơi đẹp!
Danh tính của 7 đội bóng không được nêu tên, chỉ biết 1 trong số đó là Hà Nội ACB. Bởi trong một cuộc hội nghị tổng kết của VFF, bầu Kiên của Hà Nội ACB khẳng định: "VFF làm ăn không hiệu quả, chúng tôi đã quá chán. Xin nói thẳng là đã có tới 6 CLB gọi điện cho tôi nói muốn bỏ V-League để lập ra một giải mới. Thử hỏi 7 đội bỏ giải thì VFF tổ chức giải với ai?".
Cọp chết để da, người ta chết để tiếng...
Khoan hãy nói về lý do, căn nguyên dẫn tới căn bệnh "bỏ đá, bỏ giải". Điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất đó là văn hóa - thứ cần có ở một giải đấu chuyên nghiệp đang thực sự cạn đáy ở giải V-League.
Vừa mới cách đây vài ngày, bóng đá Việt trải qua một phen "bão táp". Đó là vụ bê bối cũng liên quan tới các vị vua áo đen, khi nhóm CĐV Hải Phòng đã xông vào khu vực họp báo, dùng mọi lời lẽ thô tục nhất để chửi rủa trọng tài Hiền Triết và đối thủ Hà Nội ở trận đấu sớm vòng 6.
Hành vi đáng lên án của các cầu thủ Long An.
Như ở trận đấu của Long An hôm qua, bất luận trọng tài đúng hay sai nhưng rõ ràng cách hành xử của đội bóng này là điều không thể chấp nhận nổi. Nhưng đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên các cầu thủ có những hành vi thiếu văn hóa đến thế.
Còn nhớ cách đây 8 năm ở giải hạng Nhất 2009, CLB Quảng Ngãi bỏ dở trận đấu với Sài Gòn United để phản đối các phán quyết của trọng tài.
Đó là trận đấu trên sân Thống Nhất tại vòng 22 (ngày 25/7/2009), Sài Gòn United được hưởng penalty tranh cãi. Bức xúc trước quyết định này, các cầu thủ Quảng Ngãi đã tự ý bỏ trận đấu lên xe ra về.
Sau vụ bê bối, STN Quảng Ngãi phải chịu một án phạt nặng nề: Bị đánh tụt xuống hạng Nhì và bị phạt 70 triệu đồng.
Trong lịch sử giải V-League, những vụ việc rùm beng liên quan tới trọng tài thì có lẽ đếm không xuể. Mới đây nhất ở mùa giải năm ngoái, có tới 4 ông vua áo đen bị hạ cấp gồm ông Hà Anh Chiến, Phùng Đình Dũng, Đinh Văn Dũng và Ngô Mạnh Cường do những sai lầm tai hại.
Công tác trọng tài là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự bức xúc và những cuộc chiến liên miên không hồi kết. Tất nhiên, đằng sau đó là câu chuyện của ban tổ chức, những người vẫn đang bất lực trong việc xây dựng V-League trở thành một giải đấu thực sự sạch và chuyên nghiệp.
Những đội bóng như Long An cần phải loại khỏi giải V-League!.
Rõ ràng đằng sau căn bệnh "bỏ đá, bỏ giải" là trách nhiệm của rất nhiều phía, từ các trọng tài đến ban tổ chức, các cầu thủ và cả người hâm mộ. V-League đang dần trở thành một thứ hỗn tạp mà ở đó tất cả đều đang bị hoen ố. Họ thoải mái hành xử theo ý mình mà không hề sợ sẽ... mang tiếng suốt đời.
Tuy nhiên, xấu xí đến độ như Long An ngày hôm qua thì cũng nên loại khỏi giải đấu V-League.
Đầu mùa, FLC Thanh Hóa "dọa bỏ giải" nhưng cuối cùng đã rút lại quyết định của mình. Hôm qua, đến lượt Long An tung lời dọa dẫm. Và đây chính là lúc mà dù CLB này có bị VFF xử phạt xuống hạng hay không, thì họ cũng xin đừng "nuốt lời" như đội bóng xứ Thanh.
Có lẽ, người hâm mộ không cần những đội bóng như Long An bởi tình yêu không thể chấp nhận sự ích kỷ đến thế. Thôi thì, chưa biết đội bóng có bị xuống hạng hay không, chỉ hy vọng những tuyên bố bỏ giải của lãnh đạo Long An hãy là "nói lời thì giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay!".