Bầu Tú là tác giả hay nạn nhân?

Long Khang |

Ông Trần Anh Tú là Chủ tịch Công ty Thái Sơn Nam, gần như chỉ là 1 công ty gia đình. 11 năm hoạt động bóng đá của ông cũng chỉ liên quan đến futsal, phong trào, giải trẻ và nữ.

Liệt kê một cách đầy đủ, ông Tú hiện đảm nhiệm đến 13 chức vụ trong và ngoài bóng đá. Tóm lại, ít cơ sở nào để ông có thể đảm nhiệm các vai trò ở VPF, đừng nói gì đến 3 chức vụ quyền lực nhất.

Phần nổi của tảng băng

Chính vì những điểm yếu "rất căn bản" nói trên đã giúp bầu Đức "tố" rất thoải mải, dùng từ ngữ khá nặng nề và thậm chí cảm tính nhưng nhận được sự tán thành của dư luận mà ông Tú chẳng thể nào cải chính hay nói được.

Bởi thực ra, bầu Đức chỉ nói những thứ mà ai cũng thấy, lại "điểm trúng" sự bức xúc của xã hội về tình trạng chức quyền tràn lan nên khi thông qua miệng của 1 ông bầu quyền lực, bỗng dưng ông Tú biến thành "kẻ xấu".

Là 1 trí thức, lại thành đạt trong kinh doanh, đương nhiên ông Tú không thể không biết các điểm yếu quá dễ thấy. Bản thân các cổ đông và HĐQT công ty VPF cũng chẳng kém cỏi mà không nhìn ra.

Vậy thì tại sao họ lại chấp nhận mọi sự bất hợp lý ấy và vẫn bảo vệ ông Tú trước các công kích của dự luận thông qua sự "dẫn dắt" của bầu Đức? Họ chọn "người của VFF" có lẽ cũng vì "cực chẳng đã", có lý do.

Có 1 con số để tham khảo: Năm 2017, VFF thu đến 150 tỉ đồng, trong đó chỉ có khoảng 20 tỉ đồng là tiền hổ trợ từ ngân sách nhà nước và FIFA. Trong 130 tỉ đồng "tự thân vận động" của VFF thì chỉ có 10 tỉ đồng đến từ V.League, do VPF "đưa một cục" bấy lâu nay.

Con số 10 tỉ đồng nghe thì lớn nhưng nếu so với khoảng 170 tỉ đồng (năm 2016) mà VPF thu được thì chẳng là bao. Tính đúng, tính đủ thì số tiền VFF nhận được còn kém 1 đội hạng trung tại V.League.

Các con số nói trên nói ra nhiều vấn đề: Thứ nhất, năng lực kiếm tiền của VFF đâu kém gì VPF, dù họ bất lợi hơn nhiều do không còn quản lý giải VĐQG, nguồn thu chủ lực của mọi nền bóng đá.

Thứ hai, VFF thực ra chỉ là 1 tổ chức xã hội nghề nghiệp, các CLB chỉ chịu trách nhiệm trong nội bộ của mình trong khi tiền của VFF kiếm được phải chi thường xuyên cho vô số mảng khác nhau nên về lý thuyết, VFF cần có sự đóng góp càng nhiều càng tốt từ các thành viên mà họ quản lý.

Để VFF phải rơi vào trạng thái âm đến 7 tỉ đồng như năm 2017, rồi chỉ thu cố định 10 tỉ/năm, thì VPF cũng có phần trách nhiệm vì đại diện cho 24/67 thành viên của VFF.

Bầu Đức "giả mù sa mưa"?

Đúng là bầu Đức không sai khi ép bầu Tú phải bỏ chức vụ tại VPF, nhưng ông lại không nói rõ hơn bản chất sự việc. Đó chính là phần chìm của tảng băng mâu thuẫn giữa VFF và VPF.

Ông Tú hoàn toàn "ngoại đạo" với bóng đá sân cỏ, không có quan hệ với các CLB chuyên nghiệp nhưng vẫn được tín nhiệm cũng có nghĩa là các cổ đông VPF dường như không tin vào bộ máy lãnh đạo cũ. Họ buộc phải chọn 1 người "trung lập" như bầu Tú để giải quyết các bất cập hiện nay của VPF.

VFF giao cho VPF quyền điều hành V.League theo thời hạn từng 3 năm, đến hết năm 2018 sẽ kết thúc chu kỳ thứ 2. Trong 6 năm qua, điểm sáng lớn nhất của VPF chủ yếu đến từ việc tăng doanh thu của V-League lên gấp 3 lần so với trước. Phần còn lại, hầu như không thấy "nhúc nhích".

Sự ổn định của hệ thống thi đấu chẳng hạn. Từ 2012 đến 2017, có 9 đội bóng đã giải thể, từ V.League đến hạng Nhất. Trong khi V.League duy trì 14 CLB thì hạng Nhất trung bình chỉ có 8 đội.

Chất lượng lại càng đáng buồn hơn khi chuyên môn không cao, quan tâm ít và đình đám nhất lại là những vụ án tiêu cực ở Ninh Bình và Đồng Nai, 3 đội bóng khác bỏ giải là Sài Gòn Xuân Thành, Vissai Ninh Bình và Kiên Giang. Ngay thành công có tính chất đặc biệt của U23 Việt Nam vừa qua, cũng không phải là sản phẩm của thời kỳ VPF quản lý.

Xét đến khía cạnh kinh doanh, mảng được kỳ vọng từ VPF nhiều nhất, cũng có không ít bất cập. Trong báo cáo tài chính 3 năm (2015-2017), có đến 137,5 tỉ là tiền "Chi phí trao đổi sóng truyền hình", chiếm đến 30% tổng chi (400 tỉ). Đây là 1 hạng mục rất khó hiểu, dù ai cũng cho rằng, VPF phải thu tiền bản quyền truyền hình. Vấn đề là nhiều hay ít chứ tại sao lại phải chi?

Sự thật là, VPF không bán được bản quyền, ngược lại, họ phải trả quyền lợi cho nhà tài trợ bằng sóng quảng cáo trên các đài theo kiểu ‘hàng đổi hàng". Theo thống kê, 70% thời lượng quảng cáo suốt 3 mùa 2015-2017 đều thuộc về các nhà tài trợ chứ không thu được tiền từ quảng cáo đơn thuần ngoài bóng đá.

Đó là chưa kể, VPF còn phải tốn tiền để cho đối tác sản xuất hình ảnh và phát triển hạ tầng internet. Việc này chưa biết có giúp cho VPF thu tiền quảng cáo hay không, nhưng trước mắt là sẽ gây cản trở việc bán bản quyền truyền hình.

Bởi nếu ai cũng xem được V.League miễn phí thì các đài truyền hình chẳng dại gì trả tiền để mua sóng nhằm thu hút thuê bao. Như vậy, chỉ riêng chuyện bản quyền truyền hình, đã thấy VPF thâm hụt 1 khoản lợi nhuận do yếu tố chi phí này.

Đây chính là lý do mà ngay khi nhậm chức, bầu Tú đã tiến hành đàm phán lại với Next Media cũng như các đài yêu cầu: "làm gì thì làm, VPF phải thu được tiền chứ không chi nữa". Ngay sau đó, ông Tú cho ngưng việc phát miễn phí trên Youtube và chỉ chọn các kênh VTV6, VCTV để đàm phán việc trực tiếp các trận đấu V.League.

Bầu Tú là nạn nhân?

Không phủ nhận sự cần thiết của công ty VPF trong đời sống BĐVN, nhưng có vẻ như quá trình phát triển của VPF đang đi chệch hướng, chưa tạo ra hiệu quả tích cực như mong đợi và đặc biệt là VFF đang bị thiệt thòi quá nhiều.

Bầu Đức đang là đương kim PCT tài chính của VFF, ít nhiều thì ông cũng đã biết qua chủ trương sẽ phải đưa người sang VPF để "tiếm quyền". Bản thân các cổ đông VPF có lẽ cũng nhận ra việc kinh doanh của ban lãnh đạo cũ "có vấn đề" nên mới chấp nhận để VFF kiểm soát mọi việc.

Trong dàn lãnh đạo VFF khóa 7, ngoài chủ tịch Lê Hùng Dũng và bầu Đức thì chỉ còn mỗi bầu Tú là dân kinh doanh nên chuyện cử ông sang để cải tổ chuyện làm ăn ở VPF là đương nhiên.

Xem ra, bầu Tú cũng chỉ là "người được chọn", vậy thì tại sao lại trở thành "nạn nhân" của màn chỉ trích mãnh liệt từ bầu Đức suốt thời gian qua?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại