1. Có hai cách để phá tiqui-taka. Một là đá tiqui-taka ngược lại. Với Atletico Madrid, điều này là không thể bởi họ không đủ yếu tố con người, cũng như lối chơi để "đem sở đoản ra đấu sở trường" với Barca.
Cách thứ hai là nhường cho đối phương cầm bóng, phòng ngự sâu và chặt theo khu vực. Về bản chất, tiqui-taka là lối đá cực tốt để... phòng ngự.
Chả có gì ngạc nhiên cả, cầm bóng nhiều, thì đối phương không có bóng, mà không có bóng thì chẳng thể tấn công. Đối phương ít có cơ hội tấn công, thì về bản chất, đội bóng chơi tiqui-taka đã làm tốt việc phòng ngự, chứ còn gì nữa.
Đá thấp, nên Atletico dể dàng dùng số đông để "quây" các cầu thủ tấn công của Barca.
Rõ ràng là Atletico đã chọn cách thứ hai, và họ thành công vì chẳng thèm quan tâm đến việc "sấn sổ" cướp bóng trong chân của Barca để tổ chức phản công. Kiểu gì rồi bóng cũng phải đi vào vòng 16m50, thế thì không cần phải dâng cao để tranh cướp.
Cái tai hại của Barca là họ thắng quá nhiều, với cùng một "bài" duy nhất, nên chưa từng nghĩ đến việc dùng "chiêu" khác để đối phó với đối thủ, càng không thể có cơ hội để áp dụng. Khổ nỗi, Atletico thì nào có lạ gì Barca.
Vấn đề còn lại duy nhất là họ có thực hiện thành công được lối chơi của Diego Simeone để khắc chế Barca hay không. Họ đã làm được, và còn tốt hơn cả tưởng tượng.
Barca cầm bóng đến 77% để làm gì, khi chỉ có vỏn vẹn 4 cú sút trúng khung thành trong suốt 90 phút bóng lăn. Barca "chết" vì họ quá hoàn hảo.
2. Chẳng cứ phải đến sau trận lượt đi tứ kết Champions League mùa này, đối thủ của Barca mới phàn nàn về trọng tài. Barcelona đã hưởng lợi quá nhiều từ trọng tài. Và với những pha đá người thô thiển của Suarez ở trận lượt đi, điều này gây tác dụng ngược.
Đêm qua, trên sân Vicente Calderon, trọng tài đã bỏ qua một quả penalty rõ ràng, mà nếu có nó, rất có thể Barcelona đã làm nên chuyện.
Gabi để bóng chạm tay
Khi biết Barca đòi hưởng penalty, một CĐV đã nhắc lại nỗi đau mất phạt đền của Chelsea trước Barca năm 2009 và nói rất đanh thép: "Barca mà cũng có tư cách đòi penalty ư?".
Bỏ qua quả phạt đền, trọng tài người Ý Nicola Rizzoli biết thừa rằng sẽ bị "ăn chửi" từ Barca. Nhưng nếu tình huống "nhạy cảm" đấy được xử lý ngược lại, thì phần còn lại của thế giới sẽ "chĩa mũi dùi" về phía ông.
"Bớt miếng cơm của nhà giàu" cũng chẳng sao cả. Barca nếu đã là "ông lớn" thì chẳng cần đến quả pen đấy cũng có thể thắng được.
Và bây giờ, dù Barcelona có lồng lộn lên đến mấy, thì cũng chỉ nhận được thái độ mà họ đã từng thể hiện mỗi khi bị tố được trọng tài thiên vị. Thôi thì "ngậm bồ hòn làm ngọt" là hơn.
3. Trận lượt đi, Luis Suarez cực "điên". "Điên" khi một mình ghi đến 2 bàn, kéo ngược Barcelona phải nhận bàn thua trước lên chiếm lợi thế trước trận lượt về.
Có một Luis Suarez khác "điên" không kém khi chỉ chực chờ cơ hội để đá bẩn, "cắn lén" đối phương. Kẻ ghét Barca, thích bóng đá đẹp thì chê rằng Suarez chơi "bẩn", người yêu Barca thì hả hê vì vừa thắng, lại vừa "ăn thịt" được đối phương.
Suarez giật cùi chỏ Godin
Đêm qua, chỉ có một trong hai "cơn điên" mang tên Luis Suarez xuất hiện. Không may cho những người yêu Barca, đấy không phải là Suarez gánh trên mình đội bóng chạy băng băng khi Messi vĩ đại "sổ mũi hắt hơi".
Godin kết thúc trận đấu với mắt phải bầm tím, là "quà tặng" từ cái cùi chỏ của Suarez trong pha tranh chấp bóng bổng. Đánh người đang trở thành... thú vui của cầu thủ người Uruguay này, và hình như Barca cũng ủng hộ điều đó.
Cả Barcelona lẫn Luis Suarez đều quên rằng mỗi trận đấu, người ta sẽ sử dụng một ekip trọng tài khác nhau, cũng như đội chiến thắng là đội ghi được nhiều bàn thắng hơn, chứ không phải là đánh người được nhiều hơn.