Xuất thân là một công nhân may có mang đến bất lợi nào cho Hà Bùi khi bắt đầu với công việc kinh doanh thời trang?
Chắc chắn chỉ toàn lợi thế, vì nó giúp Hà nắm bắt được rất nhiều thứ khi quản trị một hệ thống. Ví như Hà biết nếu may một sản phẩm thì sẽ mất bao nhiêu thời gian để giao chỉ tiêu cho nhân viên cho hợp lý. Hay việc từng là một cô nhân viên bán hàng cũng giúp Hà nắm được các chi tiết để có thể quản lý cửa hàng hiệu quả.
Nhiều người vẫn hỏi Hà: Tại sao Sohee có thể đi lên vào thời điểm rất khó khăn mà Hà chỉ có 2 bàn tay trắng? Là bởi Hà truyền cho cả công ty sự cần cù, chăm chỉ của một công nhân. Khi công ty này thành lập, Hà vừa làm chủ, vừa làm nhân viên ở nhiều bộ phận.
Nhưng với một công ty thời trang, việc mở nhanh nhiều showroom lúc khai trương đòi hỏi đầu tư lớn, số lượng mẫu mới ra cũng tăng rất mạnh, làm sao chị giải quyết được điều đó?
Mình tự làm nhiều việc thì chi phí cũng bớt đi nhiều rồi. Lúc mới khởi nghiệp, cứ buổi sáng Hà đến công ty sắp xếp công việc cho mọi người, trưa đi mua vải, rồi về ghép mẫu lên thấy ổn thì đi đặt hàng. Buổi chiều tối thì Hà sẽ đi tỉnh, vừa kiểm tra showroom, vừa đi tìm mặt bằng. Lúc ấy phải gõ cửa từng nhà để dò hỏi người chủ khi thấy vị trí đẹp, mặt bằng trống.
Bình thường, chủ nhà sẽ yêu cầu đặt cọc 1 tháng, thanh toán trước 6 tháng hoặc 1 năm nhưng Sohee chưa đủ tiền nên chỉ có thể thanh toán 3 tháng/lần trong năm đầu tiên. Nhờ việc Hà đi gặp trực tiếp và cũng trao đổi, thuyết phục nên các chủ nhà đều đồng ý. Nếu như qua môi giới thì ngoài việc khó được trả theo kỳ hạn 3 tháng, việc thuê mặt bằng làm showroom cũng sẽ rất lâu.
Trước khi mở công ty, Hà vừa bị dính một cú lừa, mất mấy tỷ - số tiền rất lớn với Hà thời điểm đó. Để làm Sohee, Hà phải bán hết, cả bông tai, dây chuyền… bởi không thể vay ai được tiền. Chiếc xe ô tô Altis dùng để đi công tác được Hà xem là phương án cuối cùng.
Công việc lúc đó của Hà cũng chẳng giống ai, đi công tác tỉnh xong về cũng phải 2-3 giờ sáng và sau đó vài giờ lại đến công ty làm việc tiếp. Tìm mặt bằng thì thiết kế cũng phải đi theo Hà để chủ nhà đồng ý cho đặt cọc là lên phương án thiết kế luôn…. Như vậy mới có thể tiết kiệm nhiều chi phí và làm mọi thứ nhanh được.
Từ đó cho đến giờ, Hà luôn đặt cho mình các mục tiêu và phải hoàn thành bằng được, nếu chưa làm xong thì cứ trăn trở không ngủ được. Như ngày trước khi nhân viên về rồi, để kịp đưa hàng đi các tỉnh, Hà lại tự vào kho để xuất hàng đến tận khuya nhưng sáng hôm sau vẫn đến công ty sớm để làm việc.
Làm một công ty thời trang như Sohee không hề đơn giản. Hầu hết mọi người thường nhìn thấy Hà lúc đã thành công nên trông mọi thứ lung linh, nhưng khi vất vả thì ít ai chứng kiến.
Đến bây giờ chị còn phải đi công tác tỉnh tới 2-3 giờ sáng như trước kia nữa không?
Bây giờ Hà vẫn có những chuyến đi như vậy vì muốn Sohee phát triển tiếp thì phải làm thôi. Mỗi lần đi công tác, Hà thường đi 4-5 tỉnh, trên cùng một cung đường. Những lúc đi như vậy Hà hay để một cái ngô luộc ở trên xe để tranh thủ ăn luôn trên đường, đến lúc xuống showroom rồi là vào đào tạo cho nhân viên ở địa bàn.
Đến bữa trưa thì Hà nói lái xe và nhân viên đi cùng vào nhà hàng ăn, còn mình tranh thủ làm thêm một số việc để tiết kiệm thời gian. Thực ra, khi Hà đi công tác ở tỉnh, đào tạo cho nhân viên, làm việc nhìn thấy kết quả thì tinh thần hăng lắm, thường không thấy mệt và cũng không thấy đói.
Với cường độ làm việc kiểu đó, làm thế nào để chị có thể trụ được để phát triển Sohee cho tới tận bây giờ?
Khi mới thành lập, những chuyến đi như thế khiến Hà bị lao lực, nhưng ban đầu lại không thấy mệt vì quá hăng. Có một lần đi 3 ngày thâu đêm suốt sáng, ở trên xe chỉ có 1 cái chăn, Hà nằm ở ghế sau ho suốt không dứt mà vẫn cứ làm tiếp. Đi khám các bệnh viện đều không tìm ra nguyên nhân, Hà đã nghĩ có khi mình bị ung thư rồi…
Lúc mới khởi nghiệp thì chắc là ai cũng vậy thôi, vì mình đã đặt ra kế hoạch, mục tiêu và deadline rồi thì phải hoàn thành chứ. Nhưng sau một thời gian thì Hà có điều chỉnh lại thì mới có thể tiếp tục được.
Nhưng điều chỉnh rồi mà như chị nói là vẫn còn nhiều chuyến công tác đến 2-3h sáng mới về và chỉ vài tiếng sau thì lại đến công ty làm tiếp. Điều gì đã khiến chị làm vậy?
Có lẽ là vì đam mê, trách nhiệm với công ty của mình chứ không phải vì tiền, bởi Hà không còn khó khăn đến mức phải lao tâm khổ tứ như xưa nữa.
Trong những chuyến "bão đêm" như vậy, kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
Chuyện "bão đêm" thì nhiều lắm, nhưng một lần khiến Hà rất nhớ là cùng 3 bạn nhân viên đi khai trương cửa hàng ở Cẩm Phả (Quảng Ninh). Cửa hàng rất bé, chỉ có 40m2 thôi. Hôm đó, Hà đứng bán hàng cùng nhân viên cả ngày.
Tối rất muộn, khách vẫn tiếp tục đến mua hàng và lúc nói chuyện với Hà còn hỏi thăm: "Em quê ở Thanh Hóa à?", "Em đến đây xin việc bán hàng à?"… (cười). Để chuẩn bị cho ngày hôm sau, Hà ngồi bệt xuống đất để cùng nhân viên gắn chip cho sản phẩm đến tận 3h sáng.
Thời điểm khó khăn nhất của chị kể từ khi thành lập Sohee là lúc nào?
Khó khăn thì nhiều lắm, bởi kinh doanh luôn có xáo trộn. Tuy nhiên, đầu năm 2017 là dấu ấn khó quên trong cuộc đời. Lúc đó, sau một chuyến công tác nước ngoài về thì các nhân sự chủ chốt của công ty nộp đơn nghỉ việc hết từ thiết kế, marketing, may mẫu… Ở trụ sở công ty còn mỗi trợ lý và một kế toán vừa mới vào làm.
Khi tìm hiểu thì Hà mới biết là toàn bộ nhân sự bị một thương hiệu thời trang mới thành lập "câu" sang. Họ mời chào để nhân sự nghỉ ngay lập tức khiến cho Sohee không kịp trở tay. Chủ thương hiệu đó là một nhân viên cũ của Sohee. Lần đó, Hà rất sốc nhưng rồi cũng tìm ra giải pháp cho việc đưa nhân sự trở lại và ổn định hoạt động của công ty.
Thời điểm đó, Hà bị ốm, một tuần sút 7-8 kg nhưng vẫn nói nhân viên mang mẫu sang nhà để duyệt, rồi điều hành việc nhập nguyên vật liệu, sản xuất, bán hàng… Bất kể có khó khăn đến đâu thì Hà cũng không thể gục ngã được vì bao nhiêu con người trông đợi vào mình, không thể để công ty đổ được.
Dù công ty ở Hà Nội nhưng Sohee bắt đầu và phát triển mảng thời trang công sở cao cấp ở các tỉnh rất mạnh trước khi mở showroom ở Hà Nội. Cách làm này của Sohee giống như chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" mà Tập đoàn Viettel từng thực hiện thành công trong lĩnh vực viễn thông. Chị có học hỏi gì từ chiến lược của Viettel không?
(Cười) Hà không biết gì về chiến lược đó của Viettel cho đến khi có người nói là Sohee làm giống như vậy. Lúc bắt đầu khởi nghiệp, Hà là một cô công nhân nhặt chỉ mới học cách làm kinh doanh thời trang, mọi việc đều làm theo bản năng và học hỏi từ thực tế trong ngành của mình thôi.
Việc đánh mạnh ở các tỉnh trước khi mở cửa hàng tại Hà Nội là bởi hơn 6 năm trước ở tỉnh chưa có cạnh tranh nhiều và chi phí thấp. Hà nghĩ là chị em ở tỉnh có nhu cầu mua hàng thời trang công sở cao cấp cứ phải lên tận Hà Nội, tốn kém chi phí, mất thời gian và không thuận tiện thì đây là cơ hội lớn nếu mình có sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu.
Mà đúng là Sohee thành công những năm đầu tiên là nhờ chọn đúng thị trường và có sản phẩm tốt: kiểu dáng đẹp, phù hợp với những người bình thường và chất liệu vải tốt, được chính Hà lựa chọn cẩn thận.
Nhưng chọn đúng thị trường và có sản phẩm tốt đâu phải riêng Sohee làm được, phải có điều gì khác biệt nữa chứ?
Thực ra thì không phải thương hiệu thời trang nào cũng chọn đúng được thị trường và làm sản phẩm tốt đâu. Nhưng ngoài 2 điều đó, một điểm mạnh của Sohee là Hà làm mọi thứ rất nhanh.
Ví dụ như làm showroom thì các công ty khác có khi mất 2 tháng, Sohee có thể chỉ làm trong 2 tuần. Khi may mẫu xong một sản phẩm và Hà mặc thử, có lần post chơi lên facebook thì chỉ sau 1 tuần, những khách hàng thích sản phẩm đó đã có thể mua ở các showroom.
Ngoài ra việc hàng hóa sản xuất xong được kiểm tra chất lượng và xuất ngay tới các showroom cũng là một thế mạnh của Sohee. Hà quan niệm là sản phẩm chỉ cần tồn trong kho một ngày không xuống được showroom là doanh thu bị giảm một ngày nên quá trình này không bao giờ được chậm trễ.
Có thể nói không để lại hàng tồn đọng là một trong điểm rất mạnh của Sohee. Trong ngành này, tất cả lợi nhuận đều nằm trong hàng tồn, bởi lợi nhuận biên, giá sản phẩm các hãng khá giống nhau, Sohee cũng không thể bán đắt hơn đối thủ được.
Nhiều người vẫn thắc mắc là chị đã chủ một công ty thời trang với hàng chục showroom mà vẫn tự mình livestream bán hàng online và làm người mẫu cho các sản phẩm của mình. Chị có thấy điều này khiến mình không giống với bà chủ của Sohee?
Thực ra, việc livestream giới thiệu sản phẩm sẽ giúp Hà hiểu thêm thị hiếu, cũng là kênh tương tác với khách hàng của mình. Đó là một niềm vui và Hà cũng không làm thường xuyên nên thu xếp được thời gian.
Việc làm người mẫu cho các sản phẩm của Sohee cũng tương tự, nó là một cách quảng bá rất tốt cho thương hiệu. Hà là một bà mẹ 2 con, không phải là người mẫu gì cả nhưng mặc đồ Sohee đẹp thì các chị em công sở bình thường mặc cũng sẽ giống như vậy. Còn hoa hậu và người mẫu thì mặc đồ gì chả đẹp (cười).
Khi khách hàng yêu thích việc Hà làm mẫu cho Sohee mà bằng chứng là các bộ đồ Hà mặc mẫu thường bán chạy nhất, thì Hà sẽ cố gắng thu xếp thời gian để tiếp tục làm điều đó. Khách hàng là "bà chủ" của Sohee mà, mình nên làm điều "bà chủ" thích (cười).
Hà có học khóa đào tạo người mẫu nào không khi trở thành người mẫu cho Sohee?
Sohee by Habui (bộ sưu tập do chính Hà Bùi thiết kế) ra mắt vào năm 2017. Lúc đó Hà thiết kế xong bộ sưu tập thì đưa Á hậu Tú Anh đi chụp (từ trước đến nay Hà đều đích thân đưa người mẫu đi chụp, kiêm nhiệm vụ làm stylist) Hôm đó vui vui nên Hà chụp cùng rồi đăng Facebook của cả 2 chị em. Từ đó khách hàng hỏi nhiều quá…
Trước bộ sưu tập ấy, Hà không biết diễn mẫu là gì cả, nhưng đi theo các bạn chụp ảnh nên mình học thôi. Hà cũng chia sẻ với nhân viên là đừng chờ ai cầm tay chỉ việc cho mình, tất cả phải tự học tự làm thôi. Quan điểm của Hà là kiến thức có thể dạy được nhưng cách tư duy thì phải tự mình cố gắng.
Trở thành người mẫu "bán chuyên" của Sohee, hình ảnh luôn đi cùng với hoa hậu, á hậu, diễn viên nổi tiếng… điều này có khiến chị cảm giác mình bước một chân vào showbiz không?
Có thể mọi người nhìn thì thấy Hà giống như đặt chân vào showbiz nhưng Hà lại thấy là không. Làm người mẫu cho Sohee thì Hà chỉ nghĩ bản thân đang làm điều tốt nhất cho thương hiệu, tốt cho khách hàng.
Thực ra, việc làm người mẫu cho Sohee cũng xuất phát từ niềm vui của Hà nữa. Có những lúc Hà xuống showroom, khách hàng nhận ra liền ôm chầm lấy, rồi hỏi chuyện, rất vui.
Hà thích chơi với các bạn trong showbiz thôi, bởi ngành thời trang phải gắn liền người đẹp và giới giải trí, nhất là về hình ảnh. Nếu Sohee chìm xuống trong giới này thì bản bản thân thương hiệu cũng khó mà cạnh tranh được. Còn lại thì Hà không có ý định vào showbiz (cười).