img
Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 1.

Hai không gian sống của Đỗ Xuân Hoàng nằm trên một con phố yên tĩnh của Hà Nội, chỉ cách nhau chừng mười mét. Gần nhau như vậy nhưng hai không gian sống rất khác biệt. Một đậm chất Đông Dương và đầy ắp nét hoài cổ. Một mang hơi hướm cottage, nơi vừa bước vào người ta dễ tưởng mình đang ngắm nhìn một bức tranh đồng quê ở trời Âu.

Không gian sống đầu tiên của Hoàng tên là Lung Linh, chỉ rộng khoảng 26m² và là một phần của một căn biệt thự Pháp cổ. Để tới đây, phải đi sâu vào trong con ngõ nhỏ thiếu sáng, kế đó lại phải leo tiếp lên tận tầng 4 trên chiếc cầu thang đôi khi phát ra tiếng cọt kẹt như thể nhắc nhở người đi về tuổi tác của mình.

Trong hơn 1000 bức ảnh trên Instagram của Hoàng có tới hơn 1/10 chụp tại căn nhà này. Không gian nhuốm màu xưa cũ và sự ưu ái đặc biệt ấy khiến không ít người nghĩ rằng đây là mái nhà đã gắn bó nhiều thế hệ của gia đình. Nhưng thực ra căn nhà chỉ mới được gia đình anh mua năm 2018 cho một dự định của gia đình.

Lung Linh vốn được mua và gộp lại từ 2 hộ liền kề nhau. Là những người yêu nét xưa của Hà Nội, bố mẹ Hoàng đã đập thông tường 2 căn, bóc hết nền gỗ công nghiệp, dỡ phần gác xép chủ cũ cơi nới để trả lại không gian nguyên trạng nhất có thể cho biệt thự. Tuy nhiên căn nhà chỉ thực sự hồi sinh khi Hoàng trở về Việt Nam và tiếp quản vào cuối năm 2020.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 2.

Sống trong không gian nhà cổ từ nhỏ nên Hoàng bắt nhịp rất nhanh trong việc mang hồn xưa về cho căn nhà. Anh tỉ mẩn dùng chổi sơn quét từng chút để tạo những vết xước giả cổ cho bức tường và bày trí lại toàn bộ không gian. Ưa phong cách hoài cổ, Hoàng đã ngụp lặn trong các hội nhóm, các trang thương mại điện tử, đi các chợ đồ cũ để “đãi cát tìm vàng”, tìm mua những món đồ đúng ý.

Sau hơn 2 năm không ngừng tìm kiếm, sắp xếp Hoàng có có một không gian sống - làm việc - sáng tác đầy cảm hứng. Hoàng bảo bước vào căn nhà này là thấy 100% chủ nghĩa cá nhân. Hoàng thích ánh sáng rọi qua lớp rèm voan trắng rực rỡ, mềm mại, thích cả những thứ món đồ trang trí không hoàn hảo. Ở đó, Hoàng có thể vẽ, có thể thiết kế, có thể chơi đàn, có thể đọc sách. Dù là gì, trong không gian 26m² ấy, Hoàng được là chính mình.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 3.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 4.

Ngôi nhà thứ hai là căn nhà chung của cả gia đình, nơi gắn bó với Hoàng từ khi Hoàng là cậu bé, chứng kiến anh em Hoàng lớn lên, đồng hành với từng thành viên trong những dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Khác với phong cách hoài cổ ở căn nhà nằm trong biệt thự cổ, ngôi nhà thứ 2 - tổ ấm của gia đình Hoàng lại dễ khiến người ta nghĩ đến những ngôi nhà phong cách đồng quê của châu Âu.

Dù xây đã từ lâu, nhưng hệ tủ vừa vặn với những chi tiết phào tinh tế cùng những món nội thất cổ điển trong nhà tỏa ra sự dễ chịu, ấm áp khó diễn tả thành lời. “Không ít bạn bè nước ngoài của mình khi đến chơi nói rằng “Giống nhà bà tao”, Hoàng kể.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 5.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 6.

Tuy khác biệt về phong cách nhưng hai căn nhà của Hoàng cũng có nhiều điểm chung. Cả hai đều được gộp lại từ hai căn riêng biệt. Chỉ khác là nếu Lung Linh được đập thông ngay từ đầu thì việc mở rộng ngôi nhà chung mới hoàn thiện cách đây vài năm khi người hàng xóm bán nhà chuyển đi.

Một điểm thú vị khác trong nhà của Hoàng chính những màu sắc "cọc cạch" một cách "hữu ý". Lung Linh có hai phòng, một phòng màu vàng, một phòng màu xanh.Tuy nhiên tone xanh - vàng đặc trưng ngày xưa ơi lại hòa hợp với không gian hoài cổ nên không bị cảm giác chênh - phô.

Căn nhà chung cũng giữ nguyên phong cách này với bếp - khách màu lam nhạt, phòng khách màu kem, phòng cầm màu xanh lá, phòng kỳ màu đỏ và phòng họa màu vàng nhạt. Mỗi phòng một màu nhưng sắc độ vừa phải và cách chuyển màu khéo léo mang đến cho không gian sự tươi sáng và rất "nghệ".

Đồ trang trí và tranh thứ không thể thiếu trong hai căn nhà của Hoàng. Tuy nhiên nếu căn nhà chung là nơi lưu trữ những món đồ cổ có giá trị cao, độc đáo của gia đình thì đồ tại Lung Linh đa dạng hơn nhiều, trong đó có nhiều món ở trong tình trạng "bệnh binh" sứt chỗ nọ, mẻ chỗ kia.


Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 7.
Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 8.
Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 9.


Như có chiếc tủ chè sau khi mua phải gửi đến xưởng gia cố lại rồi mới có thể mang về hay bức tượng chim phượng thời Lý, tượng rồng thời Lê vốn đã vỡ và được phục chế lại.

Để bảo quản đồ đạc, Hoàng gần như bật điều hoà 24/7, anh cũng chủ động lau dọn để giữ gìn nhất tốt nhất những món đồ vốn đã "liêu xiêu" nhưng rất đỗi giá trị với bản thân.

Về tranh, Lung Linh hiện tại có thể xem như một triển lãm thu nhỏ với những bức tranh treo gần kín 5 mặt tường. Ở đó có tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, có tranh sơn dầu của thầy giáo Hoàng vẽ tặng, có nhiều bức tranh Hoàng vẽ, nhưng cũng có bộ tranh từ Trung Quốc đại hạ giá chỉ 120 ngàn, thậm chí có cả bức được nhặt về từ xe rác, đóng khung treo lên.

Còn với ngôi nhà chung, lượng tranh dù tiết giảm hơn nhiều nhưng cũng lên tới con số hàng chục. Trong số tranh ở nhà chung này nổi bật là bức tranh về bà Hoàng tự tay vẽ bằng sơn dầu khổ lớn.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 10.

Những bình hoa tươi sống động, tinh tế chính là điểm nhấn ấn tượng trong loạt ảnh nhà của Hoàng. Trong quan điểm của chàng kiến trúc sư mê cái đẹp thì hoa và tranh là 2 nguồn đem lại nhiều sinh khí nhất cho căn nhà vì thế khi tiếp nối nhiệm vụ chăm sóc nhà, Hoàng chẳng bao giờ quên hoa.

Bắt đầu từ những bình hoa truyền thống, mỗi bình chỉ 1 loại hoa, dáng toả tròn cân đối học từ mẹ, Hoàng dần tự học cắm những bình hoa lạ và đẹp hơn qua Instagram, Pinterest và những cuốn sách về nghệ thuật Ikebana.

Hoàng cho hay anh thích chọn các giống hoa truyền thống của địa phương, ưu tiên tiêu chí bền-đẹp-dễ cắm, nhưng thiên vị hơn cả với các loài hoa thơm. Đó cũng là lý do hoa náng, loa kèn, hồng thơm xuất hiện nhiều trong các bức ảnh của Hoàng.

Với Hoàng, việc cắm hoa còn bổ trợ cho công việc thiết kế, vẽ tranh hiệu quả bởi với đặc trưng mỗi phòng một màu sơn, mỗi lần cắm hoa Hoàng lại luyện thêm được về tư duy màu sắc và bố cục.

Bảo tàng của những hoài niệm- Ảnh 11.

Hà Trần
Quý Nguyễn, NVCC