Tổng quan bảng E EURO 2020
ĐỘI TUYỂN TÂY BAN NHA
Số lần tham dự EURO: 10 (1964, 1980, 1984, 1988, 1996, 2000, 2004, 2008, 2012, 2016)
Thành tích tốt nhất: Vô địch (1964, 2008, 2012)
Kết quả tại vòng loại: 10 trận – Thắng 8, hòa 2 (ghi 31 bàn, thủng lưới 5)
Thống kê: Tây Ban Nha là đội duy nhất bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu.
Mục tiêu: Tứ kết
ĐỘI TUYỂN THỤY ĐIỂN
Số lần tham dự EURO: 6 (1992, 2000, 2004, 2008, 2012, 2016)
Thành tích tốt nhất: Bán kết (1992)
Kết quả tại vòng loại: 10 trận – Thắng 6, hòa 3, thua 1 (ghi 23 bàn, thủng lưới 9)
Thống kê: Ngay trong lần đầu dự EURO năm 1992 trên sân nhà, Thụy Điển đứng đầu bảng có Anh, Pháp, Đan Mạch và sau đó vào bán kết (thua Đức).
Mục tiêu: Qua vòng bảng
ĐỘI TUYỂN BA LAN
Số lần tham dự EURO: 3 (2008, 2012, 2016)
Thành tích tốt nhất: Tứ kết (2016)
Kết quả tại vòng loại: 10 trận – Thắng 8, hòa 1, thua 1 (ghi 18 bàn, thủng lưới 5)
Thống kê: Jakub Błaszczykowski là chân sút tốt nhất của Ba Lan tại các kỳ EURO, với 3 bàn. Robert Lewandowski cần 1 bàn nữa mới đuổi kịp.
Mục tiêu: Tứ kết
ĐỘI TUYỂN SLOVAKIA
Số lần tham dự EURO: 1 (2016)
Thành tích tốt nhất: Vòng 1/8 (2016)
Kết quả tại vòng loại: 8 trận – Thắng 4, hòa 1, thua 3 (ghi 13 bàn, thủng lưới 11)
Thống kê: 8 cầu thủ trong đội hình Tiệp Khắc vô địch năm 1976 là từ Slovakia.
Mục tiêu: Tranh vé qua vị trí thứ 3
Nhận định bảng E EURO 2020
Bảng E với 4 đội mang đến sự kết hợp của những yếu tố tạo nên đội bóng hoàn hảo. Kinh nghiệm của đội có tuổi trung bình cao thứ hai tại giải (Thụy Điển), sức trẻ và tài năng của đội trẻ thứ năm (Tây Ban Nha), có khả năng phòng ngự và tiền đạo chất lượng (Ba Lan) và có khả năng gây bất ngờ (Slovakia).
Việc mỗi đội có điểm mạnh và điểm yếu riêng lại là điều thú vị và giúp cho bảng E được đánh giá là mở về cơ hội. Nói chính xác thì những đánh giá về cơ hội ở bảng đấu này không dựa trên tên tuổi và truyền thống của mỗi đội.
Tây Ban Nha thời điểm này gồm nhiều nhân tố trẻ nhưng kinh nghiệm tại các giải đấu lớn của các học trò huấn luyện viên Luis Enrique chỉ ở mức thấp. Họ cũng không được xây dựng trên nền câu lạc bộ nào cụ thể như Barcelona hay Real Madrid trước đây để yếu tố nhuần nhuyễn khó được như thời đỉnh cao.
Họ cũng không có ngôi sao nào nổi trội trong vai trò thủ lĩnh để lôi kéo, vực dậy đồng đội lúc khó khăn. Chứng kiến những pha bỏ lỡ của Alvaro Morata ở trận giao hữu với Bồ Đào Nha thực sự đáng lo.
Nhưng cũng có thể, gặp các đối thủ không quá mạnh sẽ tạo cơ hội cho họ tích lũy dần kinh nghiệm. Đảm bảo số điểm để có vé đi tiếp, kể cả qua vị trí thứ 3, cũng không có gì phải thất vọng.
Thụy Điển thắng 5 trận gần đây nhưng trước các đối thủ yếu thì mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Không có Zlatan Ibrahimovic sẽ vất vả nhưng biết cách chơi cầm cự, đội bóng Bắc Âu cũng có khả năng đi tiếp.
Trong tình thế này, Ba Lan lại được cho là ứng viên cho vị trí số 1 nhờ sự cân bằng ở nhiều yếu tố, trong đó, Robert Lewandowski có thể giải quyết nhiều điều cho Đại bàng trắng.
Slovakia có đội hình chỉ duy nhất 1 cầu thủ đá trong nước, nghĩa là họ cũng đã trải nghiệm nhiều va chạm ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Trong lần đầu tham dự EURO năm 2016, họ đã có vé vào vòng 1/8 và đó là động lực cho chiến dịch năm nay.
Dự đoán: 1.Ba Lan, 2.Tây Ban Nha, 3.Thụy Điển, 4.Slovakia