Đó là một ngày đầu tháng 3 năm 2020, một nữ hành khách bay từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines trở thành bệnh nhân số 17. Thông báo kết luận cuộc họp đóng dấu "KHẨN" mực đỏ của hãng vừa được ban hành.
Phạm Mạnh Hùng đứng trước chiếc tàu bay số 864, hít một hơi sâu. Trên lưng anh là chiếc bình đựng đầy 20 lít dung dịch khử khuẩn, bộ quần áo bảo hộ trùm kín toàn thân cùng găng tay và ủng.
Hành khách và toàn bộ phi hành đoàn đã rời đi, tàu bay khi này trống không. Hùng là người đầu tiên và duy nhất bước vào trong để phun dung dịch khử trùng, trước khi những người còn lại trong kíp vệ sinh vào làm các bước tiếp theo. "Mình chưa xong, không ai được bước lên tàu", anh tóm tắt.
Khi được giao thêm nhiệm vụ mới này, Hùng không phân công cho ai, nói luôn một câu chắc nịch: "Mình sẽ làm". Nhưng bên trong, Hùng thú thật, "Đâu phải siêu nhân gì, mình cũng sợ hãi lắm". Chỉ có trách nhiệm của người kíp trưởng đẩy anh đi.
Điểm chung dễ nhận ra ở các nhân viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, là dù ở bất cứ bộ phận nào, họ đều không làm tròn thời gian. Không có mốc 5-10-15-20 phút như thói quen giao tiếp thông thường. "Một máy bay chuyến nội địa sẽ dừng ở phi trường 42 phút", "Mỗi tai nghe sẽ đi qua máy khử khuẩn tia cực tím ba phút"…
Điều này không chỉ do thói quen. Trong mùa cao điểm dịch chuyển, mỗi ngày Vietnam Airlines có thể khai thác tới 500 chuyến bay cả quốc tế và nội địa. Sự chậm trễ của bất cứ cá nhân nào trong dây chuyền vận hành khổng lồ ấy, dù chỉ một phút, đều có nguy cơ làm chậm trễ cả chuyến bay hiện tại và tiếp theo.
Anh Phạm Mạnh Hùng cũng có ba deadtime không thể làm tròn: 7 phút, 14 phút và 19 phút, ứng với thời gian hoàn tất việc vệ sinh các tàu bay giữa 2 chuyến nội địa liên tiếp, theo kích cỡ tăng dần của máy bay.
Kíp trưởng 31 tuổi của kíp vệ sinh, thuộc Trung tâm phục vụ sân đỗ (VIAGS) là một thanh niên hay cười tủm tỉm, ít nói. Chín năm đeo tấm thẻ nhân viên Vietnam Airlines trước ngực cũng chỉ được Hùng gói vào chín chữ: "Mình làm vệ sinh, chẳng có gì để kể".
Trong mùa bay cao điểm, anh sẽ ra khỏi nhà rất khẽ khi vợ con còn đang ngủ. Ngày làm việc của anh và 12 đồng nghiệp sẽ chia ra làm nhiều lần 19 phút, 14 phút hoặc 7 phút, tuỳ theo đó là tàu bay lớn như Airbus 350, tàu nhỡ như Airbus 321 hay những chiếc máy bay 68 chỗ ngồi như ATR- 72. Mùa du lịch, kíp của Hùng có thể được giao vệ sinh tới 20 chiếc máy bay.
Họ hút bụi cho toàn bộ sàn và các ghế ngồi, lau khử trùng các bàn ăn, tay vịn ghế. Nếu bạn thắc mắc tại sao các ấn phẩm sách báo cài trên hàng trăm túi sau ghế hành khách đều sắp xếp theo thứ tự giống hệt, thì đó chính là nhờ bàn tay những người dọn dẹp như Hùng. Họ cũng sẽ mở một số trang để cân nhắc việc thay thế các tạp chí đã quăn góc, cũ hỏng hoặc bị lấy đi, và dọn sạch số rác bị cài vào trong túi sau ghế và dưới sàn.
Kíp trưởng Hùng vừa là người làm cùng tất cả các phần việc ấy, cũng là người ở lại sau cùng để "nghiệm thu" toàn bộ để chắc chắn mọi thứ đã "sạch sẽ, thơm tho và dễ chịu", như tiêu chuẩn cá nhân anh tự đặt ra.
So với nhân viên xếp lịch bay hay kỹ thuật, bảo dưỡng, họ tự nhận công việc ngày thường của mình bình lặng. "Tức là, tuy không nhàn nhã, nhưng ít phức tạp và nguy hiểm", Hùng giải thích. Nhưng dịch bệnh thay đổi sứ mệnh của những người lau dọn vệ sinh.
Chiến lược hành động ứng phó dịch bệnh của Vietnam Airlines có bốn cấp độ khác nhau, tương ứng bốn mức nguy cơ từ thấp đến cao. Song ở cả 4 phương án này đều có việc phun khử khuẩn, được thêm vào nhiệm vụ của kíp vệ sinh từ những ngày đầu tháng 2, khi những ca bệnh đầu tiên nhen nhóm. Nhưng việc bệnh nhân Covid lần này trực tiếp liên quan đến máy bay của Vietnam Airlines, khiến những bước chân của Hùng như thêm nặng.
Lần đầu khoác bộ đồ bảo hộ bước lên chiếc tàu 864, Hùng không nghĩ trong suốt một năm tiếp theo, cuộc đời mình sẽ hầu như không tách rời nó. Bóng anh đơn độc trên những bậc thang leo lên khoang hành khách, đồng nghiệp đứng phía dưới trông theo, im lặng. Họ không biết chiếc máy bay mình sắp bước lên, vài ngày sau, liệu có ai sẽ trở thành "F0", hay chính người trưởng kíp mình cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành "F" tiếp theo.
Nhu cầu đi lại gần như chạm đáy, lượng chuyến bay tụt đi rõ rệt trong dịch bệnh. Công việc của các nhân viên hàng không như Hùng giảm đi, nhưng sự nguy hiểm lại tăng lên. Song một khi bước vào trong, tâm trí của Hùng dồn vào chiếc bình xịt mình đang đeo trên lưng và "nhiệm vụ 9 phút".
Trong vòng 9 phút ấy, Hùng sẽ đi từ đầu đến cuối hai khoang khách để đảm bảo mọi bề mặt các đồ vật trong máy bay đều được phủ một lớp dung dịch pha sẵn, từ ghế ngồi, khoang hành lý đến sàn nhà, dưới gầm ghế và bên trong các buồng vệ sinh.
Hùng không nhớ bộ tài liệu hướng dẫn quy cách vệ sinh sau chuyến bay dày bao nhiêu trang giấy, nhưng có một gạch đầu dòng anh thuộc lòng "đặc biệt lưu ý các khu vực tiếp xúc nhiều với hành khách như ghế ngồi, bàn ăn, toilet". Anh phun kỹ các khu vực này.
Bước ra cửa máy bay khi kết thúc "nhiệm vụ 9 phút", các đồng nghiệp vẫn ở nguyên vị trí đợi anh. Với những chuyến bay được báo trước có người nghi nhiễm hoặc xuất phát từ vùng dịch, máy bay sẽ được đóng kín trong 30 phút tiếp theo để "ủ" thuốc trước khi kíp vệ sinh tiếp tục "nhiệm vụ 9 phút" của mình.
Khi này, dưới chân thang lên xuống máy bay, một đồng nghiệp khác cũng đang đứng đợi họ với bình xịt khử khuẩn toàn thân sẵn sàng trong tay. Khi kíp vệ sinh hoàn thành nhiệm vụ, ở bậc cuối cùng của cầu thang, họ sẽ được người đồng nghiệp này phun "khử trùng" từ đầu đến chân trong khoảng 20 giây, sau đó mới tháo đồ bảo hộ.
Từ tháng 2/2020, Vietnam Airlines có 6 lần điều chỉnh văn bản hướng dẫn phòng chống dịch cho các nhân viên tuyến đầu như kíp của Hùng, ứng với các tình huống thực tế của dịch bệnh. Song ở bất cứ lần thay đổi, bổ sung nào, có những nội dung luôn được nhắc lại, ví dụ như ở mục số 4, sẽ là "Quy trình tháo bỏ bảo hộ cá nhân": Khử trùng tay- tháo kính bảo hộ- cởi lớp giày thứ hai- cởi quần áo bảo hộ (lớp găng tay thứ hai)- khử trùng tay- cởi mặt nạ- cởi mũ- cởi lớp đầu tiên bao giày- cởi lớp găng tay đầu tiên- khử trùng tay.
Nhân viên Vietnam Airlines, đặc biệt là người trong tổ của Hùng, thuộc mười bước này như thuộc "câu thần chú". Bộ đồ bảo hộ của cả kíp sau đó sẽ được tập trung lại một túi, đánh dấu số hiệu chuyến bay và khử trùng một lần cuối cùng để bộ phận thu gom rác vận chuyển ra khu vực tiêu huỷ.
Lần "ra trận" đầu tiên của họ đã diễn ra đúng như thế và lặp lại đến tận hôm nay. Nỗi sợ hãi ban đầu nhanh chóng biến mất, ngay cả trong những ngày căng thẳng của dịch bệnh. Những nam đồng nghiệp của Hùng sau đó xung phong thay anh làm nhiệm vụ "tiền phương", nhưng anh không đồng ý.
Cưới vợ bảy năm, cũng là từng đó thời gian làm việc trong những chiếc máy bay, nhưng chưa lần nào anh đưa chị đi chơi được lâu quá 3 ngày, cũng chưa từng đi máy bay cùng nhau. Như hàng nghìn nhân viên khác của tổng công ty, Hùng đánh đổi tự hào nghề nghiệp và thu nhập ổn định bằng những khoảng thời gian thường xuyên vắng mặt ở nhà.
Vợ anh cũng là nhân viên trực theo ca của một bưu điện. Có những đợt hai người lệch giờ, hoặc Hùng phải tăng ca, vợ chồng không gặp nhau liền một tuần, hoặc chỉ thấy mặt nhau khi người kia đang say ngủ .
Trở về nhà lúc 12h đêm, nhiều khi mở lồng bàn, Hùng vẫn thấy vợ để cơm phần mình. Vợ anh biết cơ quan chồng chẳng khi nào để nhân viên phải đói, nhưng chị vẫn để phần vì biết món này anh thích. Hoặc đơn giản chỉ vì đã lâu, chị không được nấu cơm cho chồng.
Anh kíp trưởng 31 tuổi tự nhận mình, ngày thường là ông bố quấn con. Thời gian rảnh chơi cùng con vốn ít, anh tranh thủ về nhà là sà ngay vào ôm hôn cô con gái 7 tuổi, đọc truyện cho nó nghe, nghe nó đọc truyện và dắt nó đi chơi. Nhưng từ ngày có dịch, anh cũng phải hạn chế tiếp xúc, phải "bớt yêu" nó đi một chút. Dạo vợ mới sinh con trai, đi làm về, Hùng cũng chỉ dám thập thò hé cửa nhìn vào.
Nhiều lần bỏ lỡ sự kiện của gia đình, nhưng Hùng vẫn mừng vì cả hai lần các con ra đời, mình đều được ở bên cạnh vợ. Tám tháng trước, giữa những ngày cao điểm của đợt bùng dịch thứ hai tại tâm dịch Đà Nẵng, con trai anh ra đời. Trong vai trò của một người chồng, Hùng muốn túc trực chăm sóc vợ con. Song cũng trong vai trò của một người chồng có trách nhiệm, Hùng ý thức được công việc của mình chứa nhiều rủi ro.
Anh đứng giữa hai ngã rẽ không dễ lựa chọn, cách ly hoàn toàn với vợ, hay vẫn tiếp tục trở về nhà. Phân vân này nảy sinh nhiều tháng trước đó, khi kíp của anh bắt đầu nhận nhiệm vụ khử trùng tàu bay. Vợ anh lần này, cũng như trong hầu hết các vấn đề khác, luôn là người tạo động lực giúp anh đưa ra quyết định phù hợp: chị muốn có anh đồng hành.
Mỗi lần khoác vào người bộ đồ bảo hộ và khoác bình xịt lên vai, từ đó, Hùng luôn tự nhủ "Giữ an toàn cho hành khách, cũng là giữ an toàn cho mình, cho vợ con mình. Không được để xảy ra sai sót gì".
Mùa dịch này, niềm hạnh phúc với Hùng đơn giản là không có hành khách nào trở thành những ca dương tính bị đánh số sau mỗi chuyến bay. Mỗi chuyến bay an toàn diễn ra suôn sẻ, hơn cả trách nhiệm, hay niềm tự hào, còn là một kỳ tích có bàn tay đóng góp của những người như anh, những người làm vệ sinh "không có gì nhiều để kể".