1. Trong thời đại toàn cầu hòa bóng đá, việc người hâm mộ ở những đất nước xa xôi được chứng kiến thần tượng "bằng xương bằng thịt" thi đấu trên sân không phải chuyện hiếm.
Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những đội bóng danh tiếng nào đặt chân đến Hà Nội thi đấu? Rất dễ kể ra những cái tên như Arsenal, Manchester City, Olympic Brazil hay Juventus, nhưng thật khó để nhớ đến Olympiakos - đội bóng hùng mạnh của Hy Lạp đến Việt Nam vào năm 2009 trong một thỏa thuận hợp tác ngoại giao giữa hai nước.
Chuyến đi của Olympiakos không để nhiều ấn tượng, ngoài việc họ là khách mời hiếm hoi... thua trận (0-1) trước đội tuyển Việt Nam (Nguyễn Quang Hải ghi bàn phút 88). Tuy nhiên, Olympiakos ngày ấy lại sở hữu một "dị nhân" trên ghế huấn luyện, để đến hôm nay, ông thầy này đang trở thành kiến trúc sư trưởng trong thành công vượt sức tưởng tượng của Barcelona.
Đó là Ernesto Valverde.
2. Tất nhiên, thất bại trong trận đấu vô thưởng vô phạt của Valverde không phản ánh trình độ của Olympiakos, cũng như trình độ huấn luyện của Valverde. Đề cập đến sự kiện này để thấy, rất ít người có ấn tượng về Valverde, dù ông là HLV hiếm hoi (có lẽ là duy nhất) trong lịch sử Barca từng đặt chân tới Việt Nam.
Thậm chí, rất ít người tin Valverde trở thành người cầm quyền trên ghế huấn luyện ở Camp Nou sau sự ra đi của Luis Enrique, khi Carlos Unzue, Ronald Koeman, Juan Antonio Pizzi hay Eduardo Berizzo mới là những ứng viên hàng đầu.
Ngày Valverde chính thức ra mắt Barca, nhiều cổ động viên đặt câu hỏi trên mạng xã hội: Valverde là gã nào, có đủ khả năng tái thiết Barca hay không?
Là học trò của Johan Cruyff, song Valverde không phải tín đồ của bóng đá tấn công hay bóng đá vị nghệ thuật như người thầy huyền thoại của mình. Chiến lược gia người Tây Ban Nha ưa thích sự cân bằng và luôn tìm tòi mọi giải pháp để xây dựng đội bóng cân bằng, hiệu quả trong cả tấn công lẫn phòng ngự.
Olympiakos, Villarreal hay Athletic Bilbao của Valverde đều được "thành hình" với triết lý này. Đó không phải là những điều người Barca mong đợi. Họ muốn một chiến lược gia cá tính, đủ sức hồi sinh hơi thở tiqui - taca hay ít nhất cũng phải tấn công trực diện và hào hoa như Enrique giai đoạn 2014-2016. Vì lí do này, Valverde hiển nhiên không được ưa chuộng.
Trong cuộc so tài giữa Barca và Chelsea rạng sáng nay, máy quay bắt được hình ảnh một cổ động viên Chelsea đứng giữa... rừng cổ động viên Barca. Ngày tới Camp Nou, Valverde cũng trầm lặng và cô đơn như vậy. Cô đơn ở Mỹ Đình 9 năm trước nghe còn hợp lý, chứ cô đơn ở mảnh đất quê hương không bao giờ là trải nghiệm dễ chịu.
Báo chí thế giới ưa thích Pep Guardiola với sự hào hoa, nhã nhặn trên ghế huấn luyện, luôn săn đón Jose Mourinho bởi những phát ngôn không giống ai, theo dõi Jurgen Klopp hay Antonio Conte vì những điệu ăn mừng cuồng nhiệt trên đường pitch,... Zinedine Zidane không quá nổi bật, song ít ra ông còn là một huyền thoại từ khi làm cầu thủ.
Nhìn lại mình, Valverde quả thật... không có gì. Gương mặt khắc khổ, cử chỉ nền nã, thần thái bình thường, nhưng trong giai đoạn hoàng hôn của một thế hệ cầu thủ, Barca chỉ cần người làm được việc. Tám tháng sau ngày đặt bút ký hợp đồng, Valverde đã chứng minh ông chính là người họ cần.
3. Rất khó lí giải thành công của Valverde. Ông không phải người hồi sinh Lionel Messi, vì Messi lúc nào cũng hay. Barca phòng ngự hay, nhưng không mảnh ghép nào trong số ấy được Valverde chọn lựa và mang về.
Lối chơi của đội bóng xứ Catalunya, như đã nói, cũng không mang bản sắc cụ thể, không có màu sắc triết lí nào, không thiên về tấn công, cũng không đặt nặng phòng ngự. Song Barca vẫn thành công khi Valverde đã đạt tới cảnh giới triết lý của Johan Cruyff: "Việc chơi bóng thực chất rất đơn giản, nhưng để có thể chơi được thứ bóng đá tối giản, lại là điều khó khăn nhất".
Thứ bóng đá tối giản của Barca được xây dựng trên nền tảng phòng ngự chắc chắn và tấn công hiệu quả, chỉ có vậy.
Bạn sẽ thắng nếu bạn thủng lưới ít và ghi bàn nhiều, nên chủ trương của Valverde trong những ngày đầu là gia cố lại hàng thủ đội bóng xứ Catalunya, chấn chỉnh lại bộ tứ vệ đã thua đến 4 bàn trước Paris Saint-Germain hay 3 bàn trước Juventus. Sau đó, ông tận dụng sự ra đi của Neymar để xây dựng một Barca cân bằng, toàn diện hơn.
Nếu Manchester United của Jose Mourinho có thể ghi bàn sau 3 pha chạm bóng từ thủ môn đến tiền đạo, thì Barca của Valverde giản đơn không kém. Đôi chân ma thuật của Messi cầm bóng và chọc khe cho Jordi Alba ghi bàn - một công thức kinh điển, nhưng đó là tất cả những gì Valverde yêu cầu.
Hôm qua, Barca có chiến thắng 3-0 trước Chelsea, với cả 3 bàn thắng được ghi từ sai lầm của đối thủ và 2 lần thoát thua nhờ cột dọc. Một chiến thắng mang màu sắc may mắn, có thể nói thế, song Barca của Valverde là vậy: Họ nguy hiểm nhất khi không ai nghĩ họ nguy hiểm.
Những cổ động viên "thủ cựu" ở sân Camp Nou sẽ không chấp nhận Barca lùi về phòng ngự và trân mình chịu đựng sức ép của đối thủ để chờ đợi thời cơ phản công, nhưng để thành công trong thế giới đỉnh cao, sự nhẫn nhịn là điều vô cùng quan trọng.
Valverde thành công, bởi ông biến Barca thành một con thú biết nằm im, rình rập và lùi về phía sau trước khi thực hiện cú bật "vồ mồi".
Valverde giản đơn, như chính phong thái làm việc của ông. Tám tháng ở Camp Nou, cựu HLV Bilbao không có phát ngôn để đời. Ông chỉ biết khen đối thủ, khen Messi và yêu cầu học trò giữ bình tĩnh.
Mọi năng lượng của Valverde đều được dành cho công việc. Muốn trở lại đỉnh cao muôn trượng, Barca cần những người như vậy. Một bại tướng ở Mỹ Đình, một người đàn ông không có gì nổi bật, nhưng đủ sức biến đội bóng của mình thành đối thủ không ai muốn đương đầu.
Vòng 1/8 Champions League: Barcelona 3-0 Chelsea