img
Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 1.

Có mặt ở Đà Nẵng, Hội An trong những ngày APEC đã cận kề, mang nhiệm vụ đi tìm hiểu về di tích, ẩm thực và cả những hoạt động văn hoá đặc trưng của mảnh đất miền Trung thú vị, có thể khiến các lãnh đạo thế giới lưu luyến, bất ngờ, tâm trạng của tôi khá hồi hộp.

Một điểm đến quen thuộc và ưa thích nay bỗng trở nên rất đỗi mới lạ khi tìm hiểu nó với tâm thế khác. Nếu di tích, ẩm thực đều là những thứ được chỉ mặt, gọi tên rõ ràng qua hàng trăm ngàn bài báo cả trong nước lẫn quốc tế thì động vào ở mảng hoạt động văn hoá, tôi đã phải khựng lại để kiểm điểm kí ức của tất cả các lần đi Đà Nẵng, Hội An mà tìm kiếm.

Người ta bảo nếu bạn thực tâm muốn gì đó, vũ trụ sẽ giúp sức. Tôi không biết vũ trụ có giúp gì tôi trong việc phục hồi trí nhớ có phần ngắn hạn, nhưng hình ảnh bài chòi, bịt mắt bắt niêu bỗng nhiên hiện ra rất rõ ràng. À, đao to, búa lớn gì đâu, chính là các trò chơi dân gian gắn bó với người dân xứ Quảng ấy bản thân nó đã chính là những điều tuyệt vời mà tôi tin đã chẳng trải nghiệm thì thôi, chứ nếu đã trải nghiệm, thế nào cũng ghi điểm cộng trong lòng các vị khách quý APEC.

Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 3.

Nhắc đến hoạt động văn hoá ở miền Trung nói chung và Hội An nói riêng mà không nhắc đến bài chòi thì chẳng khác nào đi biển mà không ở tịt trong phòng, không nhúng chân xuống biển, chẳng tận hưởng khí trời, phí vô cùng. Tại phố cổ Hội An, bài chòi được diễn xướng hàng đêm. Có điều nếu trước đây hoạt động văn hoá này diễn ra ở khoảng sân gần chùa Cầu thì nay được chuyển hẳn sang khu vực ven sông đường Nguyễn Phúc Chu rộng rãi và quy mô hơn.

Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 4.

Trước hết phải nói ngay, bài chòi sẽ là loại hình văn hoá lạ với những người vùng khác, vốn không có bài chòi như tôi. Nhưng cái hay của bài chòi là dù chưa hiểu lý thuyết về nó, bạn cũng không thể rời tai, rời mắt ra khỏi những cử chỉ tay chân uyển chuyển nhịp nhàng, giọng hát rất tình hay tiếng hô từ "chị hiệu" (là người hô hát)

Người anh đi cùng với tôi bảo rằng hát bài chòi cũng có thể thức giống như chơi lô tô, nhưng trò chơi dân gian bài chòi bằng chữ 3 chữ. Trong hội hát bài chòi sẽ có khoảng 10 chiếc chòi được dựng, mỗi chòi sẽ được phát ba quân bài trên đó ghi những chữ khác nhau. Ở chòi trung tâm có một ống thẻ đựng bài cái. Mỗi lần rút, anh hiệu hay chị hiệu lại hô quân bài... chòi nào có đúng quân bài sẽ nhận được một lá cờ từ anh lính lệ. Khi chòi nào nhận được đủ ba cờ thì sẽ thắng và nhận được quà tặng. Còn tôi thì để ý rằng để phục vụ cho du khách nước ngoài, những hội bài chòi ở phố Hội hiện tại còn có cả hướng dẫn viên giỏi ngoại ngữ giải thích nội dung trò chơi và xướng tên quân bài bằng tiếng Anh.

Món quà từ hội bài chòi chỉ có một, và về tính kinh tế cũng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cái khiến người ta đứng vòng trong vòng ngoài quanh khu bài chòi chính là những giọng ca êm mượt, mà đủ các triết lý dân gian trong từng câu hát của các nghệ sĩ đường phố. Hơn hết, trong một buổi tối phố Hội, được thư thả đắm mình trong gió sông Hoài, mắt ngắm nhìn ánh đèn lồng lung linh từ hai bên sông, tai nghe tiếng câu hát tự tình tâm ý của người miền Trung, đó có lẽ mới là thứ quý giá nhất mà người nghe nhớ mãi.

Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 6.

Bên cạnh bài chòi kinh điển, nhắc đến các trò chơi dân gian ở phố Hội, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một trò chơi thoạt nhìn thì rất đơn giản nhưng cả người chơi lẫn người cổ vũ đều hào hứng, đó chính là bịt mắt đập niêu. Đây cũng là một hoạt động văn hóa mà lần nào tới Hội An, tôi cũng nhất định phải chơi một lần.

Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 7.

Không biết trò bịt mắt đập niêu này có từ bao giờ, nguồn gốc từ đâu, nhưng cách đây chừng 10 năm, khi lần đầu đến phố Hội, tôi đã thấy có trò chơi này. Cái hay của bịt mắt đập niêu là chẳng bày ra thì thôi mà bày ra thế nào cũng đông nghịt người đến tham dự. Để chơi trò này thì đơn giản lắm, trước tiên người chơi sẽ đi thử từ vị trí của mình đến nơi treo niêu để áng bước chân cũng như tầm cao của chiếc niêu, sau đó sẽ được bịt mắt và đi theo trí nhớ và "niềm tin" để đến nơi treo niêu và dùng dùi đập mạnh để làm vỡ niêu.

Đơn giản là thế nhưng thường đến 98% người chơi đều thất bại bởi hoặc đi lệch hướng, hoặc đập hụt vào không khí hay buồn nhất là đập trúng niêu mà nhẹ quá không vỡ nổi. Ngay trong lần đến Hội An lần này, dù bận tác nghiệp là thế nhưng bị hút vào đám đông huyên náo, một người anh trong đoàn chúng tôi cũng chơi thử tới... 3 lần. Tiếc là lần nào, anh cũng đi rất xa chiếc niêu rồi đập vào không khí.

Luật chơi đơn giản, nhưng có lẽ chính cái mộc mạc ấy và những tiếng cổ vũ reo hò của người xung quanh đã góp phần làm nên một trò chơi dân gian hay, một nét văn hóa thú vị mà nhiều người lưu luyến ở Hội An.

Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 9.

Khu vực chùa Cầu hẳn đã quá quen thuộc với mỗi người khi đến Hội An, ngay cả khi đêm về, khu vực này vẫn tấp nập khách đến thả đèn hoa đăng, chụp ảnh. Và trong số đó, dù không chủ đích sẵn, nhưng biết bao người giống như tôi, buổi tối hôm ấy đã bị hút bởi những điệu dân ca trong vắt từ lớp truyền khẩu dân ca nằm khiêm tốn ở số 106 đường Bạch Đằng.

Bài chòi, bịt mắt đập niêu ở Hội An có gì độc đáo để ghi dấu với lãnh đạo APEC? - Ảnh 10.

Lớp học đặc biệt này không có bàn, không có ghế, chỉ có chiếc chiếu và khoảng hơn 10 em nhỏ ở đủ các lứa tuổi, mắt nhìn chăm chút vào cuốn vở, tai lắng nghe thật kĩ tiếng đàn nguyệt ngân vang và cùng hòa giọng vào những giai điệu dân ca ngọt ngào.

Lớp truyền khẩu dân ca được Hội An duy trì hàng đêm từ năm 2009 đến nay với mục đích truyền đạt lại cho thế hệ trẻ về loại hình văn hóa dân gian Nam Trung Bộ và dân ca Quảng Nam để góp phần bảo tồn văn hóa Hội An sau này. 

Lớp dạy hát dân ca miễn phí của Hội An

Đồng thời lớp học còn nên một địa điểm du lịch, một hoạt động văn hóa đặc sắc cho phố cổ. Bất cứ ai, dù là người Hội An hay khách du lịch, ở bất cứ độ tuổi nào, từ những bé 3, 4 tuổi cho đến những người 50, 60 tuổi nếu muốn tham gia học hát dân ca đều được chào đón tại đây.

Giữa một Hội An đang có nhiều thay đổi nhanh để phục vụ lượng du khách viếng thăm, lớp học dân ca này như một khúc trầm để giữ cho bản hòa tấu Hội An giữa được nét truyền thống của mình. Đêm Hội An gió lộng, ánh đèn mờ ảo, những giọng ca cao vút "Chim bay lượn bay khắp trời quê nhà, chim líu lo líu lo rộn ràng hoà tiếng ca trong veo..." theo gió vang đi thật xa. Thế mới hiểu tại sao người ta nói những điều gây thương nhờ đôi khi chỉ là những điều dung dị, như điệu dân ca trong đêm Hội An này.

Hà Trần
Team Photo
Team Video
Mine Linh
Theo Trí Thức Trẻ06/11/2017