Bác sĩ “không mặc blouse trắng”

Giang Anh |

Khi chia tay bóng đá Việt Nam, một trong số những điều “thầy phù thủy” Henrique Calisto vẫn day dứt nhất, đó là lời xin lỗi với các bác sĩ của ĐT Việt Nam. Giữa vinh quang và sự lấp lánh của chiến công lịch sử với ánh hào quang, không một ai nhớ đến họ, những người hùng thầm lặng góp công rất lớn vào chức vô địch AFF Cup 2008.

“Món nợ” của thầy Tô

Tối 28.11.2010, khán phòng với bầu không khí vô cùng trang trọng tại KS Sheraton, lần lượt từng người hùng được xướng tên, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vinh dự tổ chức lễ đón nhận và trao Huân chương Lao Động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho thành tích của ĐTQG và các cá nhân tại AFF Cup 2008 và gặp mặt toàn đội trước thềm AFF Cup 2010.

Điều đặc biệt ở lễ vinh danh và tưởng thưởng đó, đến phút cuối cùng thì tất cả mới giật mình vì chỉ 16 cầu thủ, thành viên BHL có mặt mà thiếu mất 2 người. Không ai nhớ đến bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền và Bạch Quốc Ngọc, họ không được điền tên và không xuất hiện ở buổi lễ.

Sơ suất đó, HLV Calisto nhận lỗi về mình và sau đó gửi lời xin lỗi đến cộng sự, những người đã lăn lộn suốt hành trình chuẩn bị, với những đóng góp âm thầm, không tên trong chiến công lịch sử.

Và những Thành Lương, Công Vinh, Minh Phương, Tài Em, Hồng Sơn… khi đó cũng cảm thấy ân hận, bởi lỡ quên mất những người đã bao ngày tháng chăm lo, săn sóc cho từng cơn đau, vết thương và những nguy cơ đối diện suốt quá trình luyện tập, thi đấu.

Những lời xin lỗi

“Kính mong Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục TDTT tăng cường các chuyên gia, bác sĩ ngoại chất lượng cho tất cả các bộ môn, không chỉ bóng đá. Như ĐT Việt Nam vừa qua tại AFF Cup 2016 đã không có được đội ngũ y-bác sĩ có chất lượng, có đủ trình độ để chẩn đoán và điều trị các chấn thương cho cầu thủ.

Trường hợp của tiền vệ Tuấn Anh và Hoàng Thịnh, các bác sĩ ĐTQG không đủ trình độ chẩn đoán chính xác về chấn thương của 2 trụ cột quan trọng này đã dẫn đến việc không thể chữa trị dứt điểm, không thể thi đấu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổn thất lực lượng của ĐT Việt Nam”.

Ở buổi gặp mặt các HLV, VĐV tiêu biểu cuối năm 2016, HLV Hữu Thắng đã mạnh dạn đưa ra đề xuất. Không chỉ thuyền trưởng ĐT Việt Nam, cả HLV Hoàng Anh Tuấn của U.19 Việt Nam cũng có đề xuất tương tự, khi chuẩn bị cho VCK U.20 thế giới.

Khi đưa ra lời “cầu cứu” và thẳng thắn về sai lầm, yếu kém của bác sĩ, HLV Hữu Thắng cũng nói rằng không muốn đổ lỗi mà cần phải chỉ ra thực trạng cần phải thay đổi để không còn gặp lại vấn đề ở những giải đấu lớn về sau.

Đổ lỗi hay những lời xin lỗi, suy cho cùng không thể thay đổi được điều cay đắng là ĐT Việt Nam bị ảnh hưởng, suy yếu sức mạnh và khiến kế hoạch chuẩn bị bị xáo trộn. Như trường hợp của Tuấn Anh, bởi cách điều trị sai nên thay vì sắp trở lại, đầu gối của tiền vệ này nặng hơn rồi phải vắng mặt tại AFF Cup 2016, đến thời điểm này vẫn chưa thể trở lại.

Câu chuyện buồn về bác sĩ, hơn ai hết, nguyên HLV trưởng ĐTQG Hoàng Văn Phúc là người thấm thía và cay đắng. Ở SEA Games 2013, cả 3 trụ cột của U.23 Việt Nam đều gặp vấn đề rồi vắng mặt khiến sức mạnh của đội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau khi mất Hoàng Thịnh, do quá tin tưởng bác sĩ nên ông Phúc mạo hiểm chờ tiền vệ Huy Hùng và trung vệ Thanh Hào. Thế nhưng đến phút chót, các bác sĩ mới phát hiện sai lầm, nói lời xin lỗi.

Những lời xin lỗi, đó là thực tế buồn của bóng đá cũng như thể thao Việt Nam nói chung, khi các bác sĩ và công tác chăm sóc y tế là một vấn đề, từ nhiều năm nay.

Những hy sinh thầm lặng

Có một bí mật nhỏ trong giới bóng đá chuyên nghiệp, chỉ người trong cuộc mới biết. Đó là khi được hỏi trong đội bóng ai là người vất vả, chịu áp lực nhất, câu trả lời không phải là các cầu thủ, HLV hay lãnh đạo mà là các bác sĩ.

Đơn giản vì ngoài chăm sóc y tế, chấn thương thì bác sĩ thể thao phải kiêm nhiệm vô vàn những công việc không tên khác. Thế nhưng trong đội bóng, khi thành công thì bảng vinh danh hiếm khi nào có tên họ.

Cùng với các thủ môn, bác sĩ luôn là những người… “tay to khỏe” nhất đội và chứng kiến cảnh toát mồ hôi, kiệt sức khi mát xa cho VĐV thì mới hiểu sự vất vả của nghề này.

Buổi sáng, khi cả đội ăn sáng, rảnh rang cà phê rồi ra sân tập thì họ chuẩn bị đủ thứ để phục vụ. Buổi trưa khi tất cả nghỉ ngơi thì họ phải mát xa rồi chuẩn bị cho buổi tập chiều, trong khi buổi tối, trước khi đi ngủ lại chăm sóc chấn thương rồi mát xa khi được yêu cầu. Và không chỉ y tế, họ còn là bác sĩ tâm lý rồi kiêm luôn nhiệm vụ hậu cần, phục vụ…

Trong các đội bóng chuyên nghiệp thường có 2 nhân sự chăm sóc sức khoẻ cho cả đội là bác sĩ và kỹ thuật viên xoa bóp. Phân định là vậy nhưng có lẽ chỉ khác nhau về bậc lương, còn lại thì vất vả như nhau, bởi họ gần như chịu trách nhiệm làm tất việc hậu cần và không tên.

Các bác sĩ thường sinh hoạt luôn trong đội bóng, di chuyển theo đội đi các sân khách, do vậy thời gian dành cho gia đình gần như không có. Ngay cả những lúc đội bóng ở địa phương thì cũng phải bám trụ lấy đội để lo việc.

Có một thực tế, những người theo nghề y thì thể thao hiếm khi là lựa chọn hàng đầu, thường là do cái duyên.

Ở Việt Nam ít bác sĩ thể thao và những người có chuyên môn tốt thường chọn những lựa chọn tốt hơn thể thao. Đó là lý do ngay cả môn thể thao vua như bóng đá, nhiều lần các ĐTQG tập trung thì việc tìm bác sĩ còn khó hơn lên danh sách cầu thủ và những người đi làm thường là do trách nhiệm, đam mê và có điều kiện hy sinh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại