Đêm nay tại Wembley, ĐT Anh sẽ tiếp đón Hy Lạp trong khuôn khổ UEFA Nations League B. Bên cạnh mục tiêu phải thắng để sớm trở lại UEFA Nations League A, đây còn là dịp để người hâm mộ Tam sư hoài niệm về một trong những trận đấu đáng nhớ và giàu cảm xúc bậc nhất, khi họ kinh qua đủ các cung bậc, từ hy vọng đến tuyệt vọng, rồi lại hy vọng nhưng tuyệt vọng một lần nữa, sau đó vỡ òa sung sướng. Cũng trong buổi chiều đầy nắng hôm ấy, một khoảnh khắc mang tính biểu tượng của một cầu thủ biểu tượng được tạo ra.
Đó là ngày 6/10/2001 tại Old Trafford, Anh cần đánh bại Hy Lạp để giành vé chính thức tới World Cup 2002 . Họ có thể hòa, nhưng điều kiện bắt buộc là Đức cũng không thể thắng Phần Lan, điều rất ít khả năng. Nhiệm vụ này nghe có vẻ đơn giản bởi trước đó vài tháng Anh đã thắng Hy Lạp 2-0 ngay tại Athens.
Không ai ngờ tuyển Anh lại chơi tệ đến thế trong một ngày họ cần chơi tốt. Liên tục là những đường chuyền cẩu thả và cặp đôi Steven Gerrard, Paul Scholes đánh mất mình khiến Tam sư bị áp đảo ở hàng tiền vệ. Trong khi đó, Hy Lạp ở buổi bình minh triều đại Otto Rehhagel đã chơi với sự dũng cảm và táo bạo hiếm có, để rồi có bàn dẫn trước vào phút 38.
Tuyển Anh đã có trận đấu chật vật trước khi Beckham trở thành vị cứu tinh.
Sven-Goran Eriksson , người luôn gắn bó với hệ thống 4-4-2, cố gắng xoay chuyển tình hình bằng cách tung Andy Cole vào thay Nick Barmby và đá cặp tiền đạo với Robbie Fowler, trong khi Emile Heskey dạt trái. Tuy nhiên yếu tố làm nên khác biệt thực sự đến từ David Beckham . Khi nhận thấy hệ thống hiện hành không hiệu quả và Hy Lạp đánh chặn khá tốt ở cánh phải, tiền vệ lúc ấy đang chơi cho MU quyết định từ bỏ khu vực yêu thích và di chuyển vào khu trung tâm.
Hành động tự phát này, cùng với nỗ lực giành lại bóng của Beckham giúp ngăn chặn Hy Lạp tiến lên, đồng thời cung cấp rất nhiều bóng cho tuyến đầu. Chứng kiến sự xông xáo cùng ý chí quyết tâm của người đội trưởng, những đồng đội cũng lên tinh thần và không ngừng tìm kiếm bàn thắng.
Cuối cùng Tam sư cũng có được mành lưới Hy Lạp. Ghi bàn là người vừa được tung vào sân Teddy Sheringham, nhưng cầu thủ được ngợi ca là Beckham. Anh dạt trái, đi bóng rồi kiếm được quả phạt, sau đó thực hiện quả tạt trứ danh hướng thẳng đến cái đầu của đồng đội cũ (Sheringham chuyển đến Tottenham mùa hè 2001).
Người hâm mộ không có nhiều thời gian để tận hưởng chiến quả. Chỉ 1 phút sau Hy Lạp đã ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 sau tình huống phòng ngự bối rối của tuyển Anh. Bên ngoài, Eriksson lắc đầu chán nản và bất lực để đưa ra giải pháp, chỉ hy vọng vào những ngôi sao trong sân. May cho ông, Beckham vẫn đang chiến đấu.
Kể từ khi được HLV tạm quyền Peter Taylor trao băng đội trưởng, Beckham hoàn toàn thay đổi. Từ kẻ tội đồ (vì thẻ đỏ ở trận thua Argentina ở World Cup 1998), một thanh niên hư hỏng (giơ ngón tay giữa với người hâm mộ ở Euro 2000), anh trở thành quý ông lịch lãm, một thủ quân đầy trách nhiệm và luôn biết cách đưa đội bóng khỏi khó khăn.
Phút 90+3, Anh hưởng quả phạt ngay trước khu cấm địa, cách cầu môn khoảng 23m. Là người bị phạm lỗi, Sheringham ngỏ ý muốn đá quả phạt này nhưng Beckham từ chối, đồng thời yêu cầu đồng đội chắn tầm mắt của thủ môn Antonis Nikopolidis. Rồi anh vung chân, uốn cong đường bóng thẳng tới góc cao bên trái khung thành làm nổ tung Old Trafford . Trong niềm vui sướng, Beckham chạy về phía khán đài Stretford End, nhảy lên và dang rộng hai tay, hoàn tất khoảnh khắc biểu tượng của bóng đá Anh.
Bây giờ nhìn lại, tuyệt tác vào lưới Hy Lạp không chỉ hoàn hảo về mặt kỹ thuật mà còn cho thấy bản lĩnh cũng như nghệ thuật đá phạt của Beckham. Trước đó, anh đã thực hiện 7 quả phạt và thất bại cả 7. Tuy nhiên chàng trai vàng của xứ sương mù không nản lòng, vẫn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân.
Cũng cần lưu ý, ở trận thắng 2-0 tại Athens, Beckham cũng từng đánh bại Nikopolidis với quả phạt gần tương tự, nhưng vị trí đá phạt chếch nhiều sang phải. Thủ môn Hy Lạp suy nghĩ theo lẽ thường, Beckham sẽ hướng đến cột xa. Nhưng không, đó là quả phạt nhắm đến cột gần và Nikopolidis đứng chôn chân.
Ở lần tái ngộ này, phần lớn các quả đá phạt của Beckham đều hướng đến góc tương tự, mang đến ấn tượng cho Nikopolidis rằng quả thứ 8 cũng không khác. Cách Beckham đặt chân, lấy đà càng củng cố ý nghĩ đó, nhưng bóng lại cuộn về phía cột xa. Nikopolidis đã bị lừa, và chôn chân thêm lần nữa.
Vấn đề là Anh vẫn chưa thắng. Beckham tiếp tục thúc giục các đồng đội tiến lên phía trước. Cho đến khi anh hỏi trợ lý Steve McClaren ngoài đường biên về tình hình trận Đức. “0-0”, McClaren hét. Beckham lại chạy đi hỏi Gary Neville, rằng như vậy có giúp tuyển Anh đi tiếp không. Khi người bạn thân xác nhận “có”, đội trưởng Tam sư mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó anh đá quả bóng lên không trung và gầm lên sung sướng lúc trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu.
Trên truyền hình, BLV Alan Green của đài BBC phấn khích kêu gọi trao tước Hiệp sỹ cho Beckham ngay lập tức. Nhưng với bản thân tiền vệ khi ấy mới 26 tuổi, đó là thời khắc cứu chuộc. “Bàn thắng mang đến sự cứu rỗi cho những sai lầm trước đây, và tôi cảm nhận người hâm mộ nước Anh chính thức tha thứ cho tôi”, Beckham nhớ lại.
Trong cả sự nghiệp, Beckham có 115 lần khoác áo Tam sư và ghi 17 bàn thắng. Phần lớn đều là những pha lập công đẹp mắt mang thương hiệu Beckham, song khá chắc không bàn nào được nhắc nhiều như cú đá phạt phút bù giờ vào lưới Hy Lạp. Điều này cũng tương tự việc Beckham không có trận đấu chia tay tuyển Anh, nhưng cũng không cần thiết, bởi trận đấu năm 2001 tại Old Trafford sẽ luôn được nhớ đến với sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn.