Ngày 10/5/2015, tròn 5 năm trước, thủ môn Đặng Văn Lâm viết dòng trạng thái "cầu cứu" trên mạng xã hội, với hy vọng được HLV Toshiya Miura để ý và triệu tập lên đội U23 Việt Nam.
"Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc đội tuyển U23 Việt Nam. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Vì năm nay là năm cuối Lâm đủ tuổi để tham dự SEA Games. Miura có biết Lâm không? Nếu không bây giờ thì không bao giờ nữa...
Dù Lâm đẻ ra ở Nga, nhưng bố của Lâm là người Việt Nam. Lâm có hộ chiếu Việt. Lâm biết nói và đọc tiếng Việt. Lâm sống 5 năm ở Việt Nam. Về chuyên môn Lâm không yếu, từng được đào tạo ở các CLB nổi tiếng bên Nga, trường Dinamo và Spartak Moscow. Lý do Lâm đăng status này là Lâm chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có Lâm ở đấy", Văn Lâm chia sẻ bằng thứ tiếng Việt chưa sõi.
Văn Lâm là cầu thủ hiếm, nếu không muốn nói là duy nhất, gieo gửi hy vọng lên tuyển mong manh bằng một tâm thư trên... Facebook. Lời "cầu cứu" của Lâm "Tây" nói lên hai vấn đề khi ấy.
Thứ nhất, bóng đá Việt khi ấy không có đủ hệ thống tuyển trạch để theo dõi, nhận định, đánh giá tài năng của những cầu thủ mang dòng máu Việt trên khắp thế giới . Thứ hai, cách thể hiện của Văn Lâm lại cho thấy khao khát khoác áo tuyển Việt Nam của anh. Đôi chút ngô nghê, nhưng ẩn chứa sự chân thành.
HLV Miura không rõ có biết tới lời "kêu cứu" của Lâm hay không, nhưng đến ngày ông rời Việt Nam, Lâm "Tây" vẫn chưa đoái hoài. Phải đến khi Văn Lâm về Việt Nam, từng bước khẳng định tên tuổi ở Hải Phòng, anh mới được HLV Nguyễn Hữu Thắng trao cho cơ hội đầu tiên.
Dù vậy, hành trình lên tuyển của Văn Lâm đầy rẫy chông gai. Lâm từng ký hợp đồng đào tạo trẻ với HAGL nhưng không được trọng dụng, bị đẩy sang Lào rồi cho mượn đến CLB TPHCM trước khi trở lại Nga năm 2014. Ngày Lâm về nhà, bố anh sắp xếp cho con trai học ngành kế toán, dứt khoát bỏ nghiệp "quần đùi áo số".
Văn Lâm luôn cố gắng hoàn thiện.
Nhưng Văn Lâm không dừng lại, và bóng đá Việt Nam đã tránh được cảnh ngộ mất đi một thủ môn giỏi. "Những người theo dõi tôi cũng biết con đường của Lâm chưa bao giờ dễ cả, nhưng đấy mới là động lực để tôi không ngừng nỗ lực và phấn đấu.
Trong máu Lâm có 'tinh thần người Việt Nam' và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", Văn Lâm nói. Cách thể hiện có khác so với dòng chia sẻ năm nào, nhưng khát khao vẫn nguyên vẹn.
Hình ảnh đấm tay lên ngực áo, ăn mừng kiêu hãnh của "chú gấu Nga" mang trái tim Việt cho thấy tinh thần của Văn Lâm. Từ những ngày mướt mồ hôi đẩy xe ở Lào đến khi trở thành nhà vô địch AFF Cup, Lâm "Tây" đã được trui rèn sức chịu đựng và vượt qua khó khăn bằng ý chí phi thường.
Liệu bao nhiêu cầu thủ Việt Nam từng bỏ tiền đi xe đường dài để được HLV thủ môn đẳng cấp "chỉ giáo", hay tự thuê chuyên gia ngoại để nâng cao thể lực, duy trì phong độ, có chế độ ăn uống khoa học ?
Chỉ bấy nhiêu chi tiết nhỏ cũng lý giải tại sao Văn Lâm vẫn đang là cầu thủ Việt duy nhất thành công khi xuất ngoại.
5 năm sau dòng trạng thái khó quên, Văn Lâm đã khắc tên mình vào lịch sử bóng đá Việt. Dẫu vậy, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ môn sinh năm 1993 mất suất bắt chính ở Muangthong United. Nơi châu Âu xa xôi, Filip Nguyễn sắp hoàn tất thủ tục nhập tịch.
Chỗ đứng của Văn Lâm trên tuyển có thể bị đe dọa, nhưng với những gì đã trải qua, "bỏ cuộc" không phải là khái niệm tồn tại trong từ điển của người gác đền mang hai dòng máu Việt - Nga.