20 năm sau cú ăn 3 vĩ đại của MU: Sir Alex Ferguson, cuộc chiến với ông chủ keo kiệt và 2 lần xin từ chức

GN |

Vào thời gian này, MU đang sống trong ký ức tươi đẹp về cú ăn 3 vĩ đại họ giành được 20 năm trước, mùa 1998/99. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chiến tích suýt không được tạo ra. Chỉ vài tuần trước khi bước vào mùa giải phi thường ấy, Sir Alex Ferguson đã 2 lần định từ chức.

Trong bộ phim tài liệu "Bóng đá - Địa ngục đẫm máu" sắp phát sóng, nhằm kỷ niệm 20 năm cú ăn 3 vĩ đại của MU, Chủ tịch Martin Edwards tiết lộ rằng Sir Alex Ferguson đã mất tập trung trước khi mùa giải 1998/99 bắt đầu.

"Tôi cảm giác như đội bóng đang chệch khỏi đường ray, bằng chứng là MU đã về nhì trong mùa giải 1997/98. Có một chút xao lãng, mất tập trung ở đây. Và với Ferguson, ông ấy có mối quan tâm ngày càng lớn với trò đua ngựa", Edwards nói.

Đó là lý do Chủ tịch của MU đã gửi một lá thư tới Sir Alex vào ngày 07/07, khi Fergie đang trong kỳ nghỉ cùng gia đình ở Pháp, nhằm triệu tập một cuộc họp tại London, qua đó giúp đội bóng trở lại lộ trình đúng.

Chi tiết này thực sự gây sốc, làm dấy lên sự hoài nghi về tính chuyên nghiệp của Sir Alex. Thật khó tin khi chiến lược gia người Scotland lại yêu đua ngựa hơn cả MU, đội bóng mà ông sẽ gắn bó suốt 1/4 cuộc đời.

Thực tế là không phải. Sir Alex có niềm đam mê lớn với đua ngựa, nhưng không vì thế mà đặt nó lên trên công việc ở MU. Nói cách khác, nó chỉ là phương tiện giải trí sau khi đã dành quá nhiều giờ ở Old Trafford.

Như Sir Alex viết trong cuốn tự truyện Quản lý đời tôi xuất bản năm 1999, Fergie đã quát vào mặt vị Chủ tịch của mình: "Ông có biết 12 năm qua, công việc quản lý MU khó khăn và nhiều áp lực thế nào không? Tôi cũng cần xả stress chứ. Người ta có thú vui này khác, tôi chỉ có mấy con ngựa".

Sự thật là mối bất hòa giữa Sir Alex và Edwards đã bắt đầu từ lâu. Nó lại nóng lên lần nữa, vào tháng 1/1998 khi ông đàm phán gia hạn hợp đồng. Và đó là lúc Sir Alex nhận thấy tham vọng của vị Chủ tịch là có, nhưng ông ta không chịu chi tiền, trong bối cảnh Arsenal đang trỗi dậy mạnh mẽ.

20 năm sau cú ăn 3 vĩ đại của MU: Sir Alex Ferguson, cuộc chiến với ông chủ keo kiệt và 2 lần xin từ chức - Ảnh 2.

Kết thúc mùa giải 1997/98, Sir Alex sang Pháp, kết hợp vừa nghỉ hè vừa làm truyền thông cho World Cup 1998. Trước khi đi, ông có để lại danh sách mua sắm khá dài, với những cái tên như Japp Stam, Jesper Blomqvist và Dwight Yorke.

Vào những ngày này, việc mua bán khá dễ dàng với ngân sách chuyển nhượng dồi dào. Như mới đây, Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward đã khẳng định MU sẽ bạo chi ở phiên chợ mùa hè để cải tổ đội hình. Antoine Griezmann, Paulo Dybala, Matthijs de Ligt, Joao Felix… là những ngôi sao được nhắm đến.

Nhưng cách đây 20 năm, dù đã vươn lên trở thành đội bóng hàng đầu nước Anh, MU không có nhiều tiền đến vậy, hoặc Chủ tịch Edwards rất ngại phải chi. Trước năm 1998, ông ta chưa bao giờ bỏ ra một số tiền lên đến 8 con số cho một cầu thủ dù năm 1996, Blackburn từng chi 15 triệu bảng cho Alan Shearer.

Sau thời gian dài bị Sir Alex thúc giục, cuối cùng Edwards cũng chấp nhận mua về Stam và Blomqvist. Nhưng riêng Yorke thì không. Trong một cuộc điện thoại hỏi xem tình hình mua sắm thế nào của Sir Alex, Edwards nói rằng "chúng tôi cảm thấy cậu ta không phù hợp". "Chúng tôi là những ai?", Fergie hỏi.

"Các Giám đốc và Brian Kidd (trợ lý của Sir Alex)", Edwards đáp. "Brian Kidd? Ở đây ai là quản lý thế?", ông hét lên.

Trong cuộc họp cao cấp ở London, Edwards tránh né vấn đề chuyển nhượng và lái câu chuyện sang hướng cá nhân, khi cáo buộc Sir Alex "thích làm người nổi tiếng" và "không tập trung vào công việc". HLV người Scotland đã rất tức giận. Ông đứng lên, gằn từng tiếng: "Vậy ông có muốn mọi thứ chấm dứt ngay bây giờ không?". Không hề chuẩn bị cho tình huống này, Edwards vội xuống nước. Và cuộc họp lại trở về với chủ đề mà Fergie muốn nghe: mua Yorke.

20 năm sau cú ăn 3 vĩ đại của MU: Sir Alex Ferguson, cuộc chiến với ông chủ keo kiệt và 2 lần xin từ chức - Ảnh 3.

Để thuyết phục, ông đã liệt kê hàng loạt thương vụ thành công trước đó, từ Mark Hughes đến Eric Cantona. Sau cùng, Fergie thủng thẳng: "Nếu ông không nhận thấy tôi là người tốt nhất trong các vụ mua bán, thì tôi cũng có thể rời khỏi MU ngay lập tức".

Một lần nữa, vị Chủ tịch lại bủn rủn chân tay trước lời đe dọa đó. Và vụ mua bán được thông qua. Với mức giá 12,6 triệu bảng, Yorke trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử CLB. Cộng với 15,1 triệu đã chi cho Stam và Blomqvist, MU coi như tiêu lẹm cả vào ngân sách chuyển nhượng trong mùa tới và Edwards tức điên.

Sir Alex thì khỏi phải nói, xoa tay hài lòng và tự tin bước vào mùa giải mới, mùa giải mà đội bóng của ông đã chiến thắng ở 3 đấu trường, Premier League, FA Cup và Champions League. Cho đến nay, không một CLB Anh nào làm được điều tương tự, kể cả Arsenal của Wenger, Chelsea của Mourinho hay Man City của Pep Guardiola. Ngay cả khi một đội nào đó thành công trong tương lai, cú ăn 3 năm 1999 của MU vẫn là chiến tích huy hoàng nhất, chói lọi nhất và không bao giờ bị lãng quên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại