Viêm tinh hoàn - Nỗi lo của quý ông

lenhi |

Từ năm ngoái em bị đi tiểu nhiều và đau dữ dội vùng hạ bộ.

Bác sĩ chẩn đoán là viêm niệu đạo và cho thuốc trong đó có Rutin C nhưng em đã quên uống. Đi xét nghiệm lại thì thấy vẫn còn liên cầu khuẩn. Em đã uống nhiều kháng sinh nhưng bệnh không bớt, bác sĩ bảo nếu dùng nữa sẽ bị nấm và khuyên em cắt bao quy đầu.

Có phải bệnh đã mạn tính rồi không, em phải làm gì bây giờ?

Trả lời:

Trường hợp của em có thể là viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn do tạp khuẩn ngược dòng từ viêm niệu đạo. Viêm tinh hoàn thường phối hợp với viêm mào tinh hoàn nên gọi là viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn. 


Mầm bệnh gây viêm có thể là tạp khuẩn (viêm không đặc hiệu, rất hay gặp hoặc viêm đặc hiệu như lậu, giang mai, lao). Vi khuẩn gây viêm có thể vào qua đường dịch thể (máu, bạch huyết) hoặc ngược dòng từ niệu đạo.

Mới đầu, từ niệu đạo, các vi khuẩn này theo ống dẫn tinh gây viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn. Bệnh gồm 2 thể. Thể cấp tính với biểu hiện sưng, nóng đỏ, đau tại tinh hoàn, mào tinh hoàn, đau lan lên vùng bẹn (dọc thừng tinh). Thể mãn tính với biểu hiện đau nhức và có nhân cứng ở vùng tinh hoàn và mào tinh hoàn.

Viêm niệu đạo cũng gồm viêm đặc hiệu và viêm không đặc hiệu. Đối với viêm niệu đạo không đặc hiệu, ở miệng sáo thường có một số chủng vi khuẩn chung sống. Nếu có điều kiện thuận lợi, những vi khuẩn này phát triển rất mạnh, lan sâu vào niệu đạo, ống dẫn tinh gây viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn.

Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn (như E.coli) có khả năng bám dính niêm mạc biểu mô đường niệu và đường sinh dục gây viêm niệu đạo, viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn ngược dòng.

Điều kiện thuận lợi để vi khuẩn ở miệng sáo phát triển thành viêm niệu đạo, viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn là không giữ vệ sinh vùng miệng sáo, hẹp bao quy đầu, uống ít nước...

Nếu bao quy đầu của bạn không lộn lên được (không tụt để lộ quy đầu) chứng tỏ bạn bị hẹp bao quy đầu. Bao quy đầu có mùi hôi là do nhiễm khuẩn. Đó là một trong những nguyên nhân gây viêm niệu đạo.

Em nên bảo đảm vệ sinh bộ phận sinh dục, đến khoa tiết niệu của bệnh viện khám và cắt bao quy đầu mới điều trị khỏi bệnh viêm niệu đạo. Trong trường hợp viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn mạn có nhân cứng, điều trị nội khoa không kết quả, gây đau nhiều, ảnh hưởng tới sinh hoạt thì cần phẫu thuật cắt bỏ nhân cứng.

Theo Gia đình

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại