Nam giới và chuyện chống bạo lực gia đình

camnhung |

Hơn 60% nạn nhân bạo lực gia đình là nữ giới và đa phần người gây ra bạo lực là người thân trong gia đình: bố, chồng, anh, em...

Vì vậy để công tác phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu quả thì cần phải có sự tham gia của nam giới – đối tượng chính gây ra bạo lực. Mặt khác, khi nam giới hiểu được hành vi bạo lực sẽ còn có tác dùng phòng ngừa BLGĐ xảy ra. Điều này được khẳng định khi CSAGA thí điểm tổ chức các CLB nam giới tham gia phòng chống BLGĐ.

Từ CLB vị thành niên phòng chống BLGĐ

CLB này được CSAGA (TT Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên) thí điểm lần đầu tiên trên cả nước ở trường THPT Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội). Lê Xuân Đồng, phụ trách CLB cho biết, CLB gồm 30 em chia thành 2 nhóm, các em cùng nhau thảo luận về những nội dung liên quan tới cuộc sống hằng ngày như quan hệ bản thân với bố, như thế nào là nam tính, các hành vi đánh đấm có phải thể hiện nam tính hay không, hoặc ứng xử như thế nào khi có mâu thuẫn...

Phạm Văn Đông, lớp 11A3 cho biết: “Trước đây em nghĩ hành vi chửi mắng không phải dùng chân tay thì không phải là bạo lực, nhưng sau khi tham gia CLB em hiểu rằng bạo lực ở tuổi bọn em rất dễ xảy ra, dù nguyên nhân chỉ là một xích mích nhỏ. Bây giờ em đã nhận thức nhiều hơn, biết cách kiềm chế mình hơn và hiểu hành động hay gây gổ trước đây hoàn toàn vô nghĩa. Em đã có bài học cho mình và còn khuyên được bạn bè”. Còn Nguyễn Chiến Công, cùng nhóm với Đông cũng góp thêm: “Bạo lực là gây ra tổn thương cho người khác, dù là bạo lực thể chất hay bạo lực tinh thần. Nhưng còn một loại bạo lực nữa mà giờ em mới hiểu đó là bạo lực tình dục”...

Bắt đầu từ tháng 9.2010, dự án thí điểm tại trường Tô Hiệu kết thúc vào tháng 11.2010, nhưng đã có những tác động vô cùng hiệu quả mà bất kể thầy cô giáo nào của trường cũng nhận ra, đó là hạn chế bạo lực học đường của trường. Bà Nguyên Thị Vinh, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu đánh giá: “Nạn bạo lực học đường đang là vấn nạn của rất nhiều trường học, trong khi đó, giáo dục đạo đức cho học sinh chỉ được dạy lồng ghép vào môn Giáo dục công dân hoặc các buổi sinh hoạt lớp. Khi CLB vị thành niên phòng chống BLGĐ sinh hoạt tại trường, các em nam đã nhận thức được nhiều điều, tuyên truyền cho các bạn của mình. Kết quả là từ đầu năm học tới nay, chưa có trường hợp học sinh nam nào phải xử lý kỷ luật, chỉ rơi vào đối tượng là học sinh nữ, trong khi so với các năm trước thì đã xử lý rất nhiều học sinh nam gây gổ, mâu thuẫn nhau. Các em hạn chế bạo lực học đường bây giờ thì sau này phòng chống BLGĐ sẽ rất hiệu quả”.

Đến CLB Người đàn ông đích thực

Ngoài đối tượng các em học sinh, CSAGA cũng tổ chức nhiều CLB nam giới phòng chống BLGĐ. Hiệu quả rõ rệt nhất là CLB Người đàn ông đích thực tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Quan niệm mình là chồng là cha, vợ con là của mình nên có quyền bạo hành giờ đây đã được xóa bỏ. Ở nông thôn thường có nhiều cỗ bàn, lần nào cũng uống rượu, khi về nhà thì đã say và lại gây bạo lực với vợ con. Nhưng sau buổi sinh hoạt về chủ đề “Rượu và vợ” các anh rút ra kết luận rằng đa phần nguyên nhân gây bạo lực là do rượu, không làm chủ được hành vi, vì thế khi uống rượu phải có văn hóa, phải điều chỉnh hành vi, không được hành hạ vợ con. Rất nhiều nội dung khác được đưa ra thảo luận trong buổi sinh hoạt CLB và các anh rất lắng nghe, nhận thức rõ về sự sai lầm trong hành động của mình trước đây.

Ông Bùi Văn Thiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc cho biết: “Sau khi thấy được lợi ích của CLB, chúng tôi tuyên truyền cho nhiều nam giới tham gia. Chúng tôi tổ chức các cuộc thi, hỏi câu hỏi lý thuyết buộc các anh phải đọc tài liệu, sâu khấu hóa các tình huống bạo lực vẫn xảy ra. Thành viên ban đầu của CLB là những trưởng thôn, công an viên... những người này về cơ sở lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, xóm và khuyến khích nam giới tham gia nên CLB đến nay đã phát triển sâu rộng và thu nạp được nhiều thành viên”.

Ngoài ra, CSAGA cũng tổ chức CLB Làm cha cho những người lần đầu tiên làm cha tại Bệnh viện Phụ sản TƯ và Phụ sản Hà Nội, tổ chức nhiều buổi giao lưu, diễn đàn cho sinh viên tại các trường ĐH về bạo lực giới, ứng phó với mâu thuẫn mà không dùng bạo lực...

Không phải ngẫu nhiên mà đối tượng nam giới được chọn để tuyên truyền chống BLGĐ, bởi như các em học sinh trường Tô Hiệu nhận xét, khi về nhà tuyên truyền cho nam giới bậc chú bác thì bị gạt đi và cho rằng không bao giờ có chuyện không được đánh vợ con; bậc anh thì được lắng nghe nhưng không thể hiện thái độ; chỉ có các mẹ và các chị là đồng tình ủng hộ. Như vậy, tâm lý gia trưởng, cho là mình có quyền đã ăn sâu vào một bộ phận lớn nam giới và mang đặc tính thế hệ. Vì thế, để ngăn ngừa những hành động bạo lực cho phụ nữ thì phải tuyên truyền từ nam giới ở các thế hệ như nguyện vọng của cô giáo Nguyễn Thị Vinh là cần tổ chức CLB cho đối tượng thầy giáo nam để các thầy có thể giảng dạy cho các thế hệ sau này.

Theo Báo Văn hóa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại