Tại khu vực khai quật có nhiều mảnh gốm, sành và cả những mảnh ngói. Đặc biệt là phát hiện được dấu tích của một lò nung cổ.
Theo các nhà khảo cổ học, dấu tích lò nung cổ có chiều dài 5 m, rộng 5 m, sâu 1 m, là loại lò nhỏ để nung các sản phẩm như đồ sành, đồ gốm và ngói để trực tiếp xây dựng chùa Đào Kiều.
Tại khu vực khai quật thứ 2, các nhà khảo cổ phát lộ hiện vật là ngói được sản xuất để xây dựng chùa, sau khi xây dựng chùa xong ngói bị thừa và được xếp gọn gàng ngay cạnh chùa.
Tại hố khai quật còn lại, phát lộ hàng đá được xếp thẳng hàng chạy dọc theo chiều Bắc - Nam, có 6 viên, mặt nhẵn được xếp ra phía ngoài. Đây là hàng đá bó vỉa nền kiến trúc chính của di tích.
Ngoài ra, tại đợt khai quật này còn thu thập được hơn 30 mảnh, chủ yếu là mảnh bát, đĩa có chất liệu, màu men và hoa văn đặc trưng thời Lê – Mạc (thế kỷ 16-17). Trên 40 mảnh sành, chủ yếu là mảnh miệng của những chiếc lon sành, đồ nung và vật liệu bằng sắt dùng để gia cố các cấu kiện gỗ.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 mảnh của một cấu kiện (dạng lư hương) có hình chim thần Garuda, một dấu ấn của văn hóa Chăm-pa.
Thông qua khảo sát, khai quật, nghiên cứu di tích, phế tích khảo cổ học Đào Kiều nhằm thu thập những dữ liệu khoa học. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích trên địa bàn tỉnh.