Cái chết của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh làm thay đổi cục diện bên trong của cuộc chiến tranh ở Yemen và làm quyết liệt thêm mối bất hoà giữa Ả rập Xê út và Iran. Một thế trận mới đã hình thành ở nơi này.
Từ sau khi bị lật đổ năm 2012, ông Saleh tuy mất hết quyền lực nhưng không hẳn hoàn toàn thất thế ở Yemen, đặc biệt kể từ thời điểm ông cùng với lực lượng vũ trang trung thành liên quân với lực lượng quân đội của người Houthi tấn công đánh bật được phe cánh của người kế nhiệm mình là Abrabbu Mansur Hadi ra khỏi thủ đô Sanaa vao năm 2015.
Lý do ở chỗ khi ấy Ả rập Xê út thành lập hẳn liên quân đa quốc gia hậu thuẫn phe cánh của ông Hadi để tiến hành chiến tranh với liên quân của người Houthi và lực lượng xung quanh ông Saleh.
Khoét sâu khủng hoảng
Ông Ali Abdullah Saleh trong dinh tổng thống hồi năm 2008. Ảnh: NYT
Cuộc chiến tranh ở đây phức tạp và nhạy cảm ở chỗ vừa là cuộc huynh đệ tương tàn giữa các phe phái ở trong nội bộ với nhau, vừa có sự tham chiến trực tiếp của Ả rập Xê út và đồng minh trong liên quân, lại vừa có vai trò gián tiếp của Iran bởi Iran hậu thuẫn người Houthi về mọi phương diện, trong đó đương nhiên không thể thiếu về quân sự.
Yemen trở thành nơi Ả rập Xê út và Iran tiến hành trực tiếp cuộc tranh giành ảnh hưởng qua tay kẻ khác.
Hơn ba thập kỷ đứng đầu Yemen, ông Saleh đã 6 lần truy sát lực lượng vũ trang của người Houthi. Vì thế liên quân của phe ông Saleh với người Houthi không khác một "cuộc hôn nhân" của lý trí. Không dựa vào người Houthi, ông Saleh và phe cánh không thể giành lại được quyền lực từ phe ông Hadi được Ả rập Xê út và đồng minh hậu thuẫn.
Ông Saleh thừa hiểu rằng Ả rập Xê út và đồng minh can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Yemen không phải nhằm để bảo vệ quyền lực cho ông Hadi bằng mọi giá mà để ngăn cản Yemen rơi hoàn toàn vào phạm vi ảnh hưởng của Iran. Hai nước này đối địch nhau và đất nước Yemen phải trả giá, nhưng những cá nhân như ông Saleh hay ông Hadi thì lại được lợi.
Sau mấy năm chiến tranh và nội chiến, tình hình vẫn bất phân thắng bại ở Yemen trong khi thảm hoạ đối với dân thường càng ngày càng trầm trọng. Ông Saleh chắc cho rằng thời cơ đã đến và thời điểm đã chín muồi cho việc trở lại chính trường. Vì thế nên ông mới lên truyền hình ngỏ ý ly khai liên quân với người Houthi và tìm cách liên kết với Ả rập Xê út.
Ông chắc đã suy tính rằng vì không bên nào đánh bại được bên kia bằng quân sự và không thể có chuyện Iran và Ả rập Xê út thoả hiệp với nhau về giải pháp chính trị hoà bình cho Yemen và phe người Houthi không còn được dân chúng ủng hộ nữa nên việc thay phe đổi phái của mình sẽ làm thay đổi cục diện và nhờ đấy mình lại có được vai trò chính trị then chốt.
Kết cục của việc suy tính sai và hành động quá vội là cái chết của chính mình. Sự ủng hộ nhanh chóng của Ả rập Xê út không giúp ích được gì cho ông.
Cái chết của ông Saleh làm cho cuộc nội chiến ở Yemen từ giữa hai phe trở thành giữa ba phe. Không còn ông Saleh, phe cánh này mất ngọn cờ chính trị và vì thế sẽ dần mất đi luôn cả vai trò quân sự.
Chiến sự ở nơi đây rồi sẽ còn khốc liệt hơn trước. Phe cánh này rồi sẽ dần tan rã. Từ đó có thể thấy ảnh hưởng của Iran sẽ còn tăng lên ở Yemen và vai trò của người Houthi tăng thêm lên đôi với tương lai của đất nước này nói chung và đối với diễn biến của cuộc chiến trong thời gian tới nói riêng.
Nhưng cũng vì thế mà Ả rập Xê út cùng đồng minh sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch quân sự tấn công lực lượng của người Houthi. Biến cố mới này ở Yemen rồi sẽ khoét sâu thêm mối bất hoà giữa Ả rập Xê út và Iran trong bối cảnh Ả rập Xê út đã mở thêm vài mặt trận mới ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh để đối phó Iran.
Thế trận mới này ở Yemen tác động mạnh mẽ tới những diễn biến tình hình khác ở khu vực, làm gia tăng bất an và bất ổn, khuấy động thêm bạo lực khủng bố cực đoan và làm cho bất hoà giữa phía dòng Sunni và dòng Shiite trong thế giới Hồi giáo càng thêm khó được khắc phục.
Lực lượng Houthi tuần tra Sanaa sau cái chết của ông Ali Abdullah Saleh