Xung quanh việc giải thể đảng đối lập chính tại Campuchia

An Bình (tổng hợp) |

Chiều 16/11, Tòa án Tối cao Campuchia đã ra phán quyết giải thể đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP), đảng đối lập lớn nhất của nước này.

"Tòa án Tối cao Campuchia đã quyết định giải thể Đảng CNRP và cấm hoạt động chính trị trong 5 năm đối với 118 thành viên cấp cao của đảng này" - Thẩm phán Dith Munty đọc thông báo về quyết định của tòa sau 1 ngày xét xử.

Không có dấu hiệu bạo động hay phản đối nào được ghi nhận bên ngoài tòa án ngay sau phán quyết được đưa ra trong khi cảnh sát chống bạo động phong tỏa nhiều tuyến đường xung quanh tòa án tại thủ đô Phnom Penh từ sáng 16/11, theo AFP.

Chính phủ Campuchia lẫn CNRP chưa đưa ra phản ứng nào và chưa rõ phán quyết sẽ được thi hành ra sao.

Theo luật pháp Campuchia, phán quyết của Tòa án Tối cao là phán quyết cuối cùng và bị đơn không có quyền kháng cáo.

Hồi đầu tháng 10, Chính phủ Campuchia nộp đơn kiện, đề nghị giải tán đảng đối lập với cáo buộc thông đồng với người nước ngoài để lật đổ chính phủ. Trong đơn kiện, các luật sư viện dẫn đoạn video năm 2013, trong đó Kem Sokha, lãnh đạo đảng CNRP, nói chuyện về kế hoạch chiếm quyền lực.

Động thái nhằm giải thể CNRP diễn ra sau khi ông Sokha bị cáo buộc phản quốc và bị bắt hôm 3/9. Hơn 20 nghị sĩ đảng này, trong đó có Phó Chủ tịch Mu Sochua, trong một tháng qua đã tháo chạy khỏi Campuchia, sau khi Thủ tướng Hun Sen cảnh báo tống giam nhiều thành viên phe đối lập vì âm mưu lật đổ chính phủ.

Ông Hun Sen ngày 22/10 nói những quan chức được bầu, chuyển từ CNRP sang đảng cầm quyền CPP, sẽ vẫn giữ nguyên chức vụ của họ khi CNRP bị giải tán.

Việc CNRP bị giải thể xuất phát từ phần sửa đổi của Luật về các đảng chính trị được thông qua vào tháng 2 và tháng 7, theo tờ The Phnom Penh Post. Phần sửa đổi cấm những người bị kết tội hình sự giữ vai trò lãnh đạo trong đảng và cấm các đảng câu kết với tội phạm hoặc làm tổn hại an ninh quốc gia.

Hồi tháng 2, CNRP đã tiến hành bầu ông Kem Sokha (64 tuổi) làm chủ tịch mới sau khi ông Sam Rainsy bất ngờ từ chức. Ông Sam Rainsy hiện sống lưu vong ở Pháp để tránh bị xét xử về tội phỉ báng Thủ tướng Hun Sen. 

Tháng 6/2016, ông Kem Sokha đã trốn trong trụ sở CNRP suốt 7 ngày để tránh bị bắt vì nhiều cáo buộc, bao gồm quan hệ bất chính với một phụ nữ và môi giới mại dâm. Lúc đó, ông tuyên bố bị vu khống, nhưng không xác nhận hay bác bỏ mối quan hệ với người phụ nữ này, theo Reuters.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại