Theo báo cáo của Hindustan Times ngày 28/6, Ấn Độ đã triển khai các hệ thống vũ khí phòng không ở khu vực phía đông của khu vực Ladakh. Hoạt động này là một phần của sự chuẩn bị quân sự của Ấn Độ nhằm ngăn chặn mọi động thái cực đoan của Quân đội Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết: "Trong tình trạng cảnh giác cao độ này, tất cả các bộ phận đã thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho tất cả các tình huống có thể xảy ra", một quan chức chỉ huy lực lượng Ấn Độ ở khu vực biên giới nói.
Hệ thống tên lửa tầm trung Akash của Ấn Độ. Nguồn: huanqiu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hệ thống phòng không mà Ấn Độ triển khai trong cuộc đụng độ với Trung Quốc ở Ladakh có thể là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash được sản xuất trong nước, hoặc hệ thống tên lửa phòng không SPYDER được nhập khẩu từ Israel hay hệ thống OSA-AK Antey do Nga sản xuất.
Các hệ thống này đều có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay không người lái.
Cùng với việc triển khai các hệ thống phòng không thì không quân Ấn Độ cũng được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Ngoài Su-30, MiG-29 thì Không quân Ấn Độ cũng điều động đến khu vực biên giới trực thăng tấn công Apache AH-64E, trực thăng vận tải hạng nặng CH-47FI.
Lục quân Ấn Độ đã triển khai lựu pháo 155mm M777 do Mỹ sản xuất, có thể hỗ trợ hỏa lực chính xác ở vùng núi phía đông Ladakh. Loại pháo này được nâng lên bằng trực thăng và nhanh chóng triển khai đến các khu vực núi cao. Tháng 11/2016, Ấn Độ đã đặt mua 145 khẩu pháo này từ Hoa Kỳ với tổng giá trị 750 triệu USD. Tầm bắn của loại pháo này là 24-30 km.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã triển khai nhiều khí tài hạng nặng tới khu vực tranh chấp với Ấn Độ để sẵn sàng “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”. Quân đội Trung Quốc được cho là đã triển khai xe tăng Type 15, trực thăng Z-20, máy bay tấn công không người lái GJ-2 và lựu pháo tiên tiến PCL-181 đến cao nguyên Tây Tạng.
Ngoài ra, theo báo cáo của South China Morning Post (SCMP), Không quân Trung Quốc đã tăng cường thêm số lượng máy bay chiến đấu J-16, J-11 tới Ngari Gunsa thuộc Khu tự trị Tây Tạng, cách Ladakh khoảng 200 km, để sẵn sàng đối phó với máy bay chiến đấu Su-30 MKI của Ấn Độ.
Chuyên gia quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc duy trì quân số khoảng 70.000 dọc biên giới dài 3.488 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong khi quân số của Ấn Độ lên tới 400.000 quân.
Tuy nhiên, nhà phân tích Rajeswari Rajagopalan thuộc Tổ chức nghiên cứu giám sát ở New Delhi cho rằng Ấn Độ có chưa tới 225.000 binh sĩ đóng dọc biên giới. Ngoài ra, theo ước tính gần nhất từ các chuyên gia thuộc MIT (Viện nghiên cứu Massachusetts), Trung Quốc có 230.000-250.000 binh sĩ ở Chiến khu miền Tây, bao gồm cả Tây Tạng.
Còn theo Lương Quốc Lượng, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong, Bắc Kinh đã triển khai ít nhất 9 lữ đoàn vũ trang kết hợp với các đơn vị bộ binh sơn cước, pháo binh, phòng không, phòng hóa và chiến tranh điện tử đến quân khu Tây Tạng, khu vực đang tranh chấp với Ấn Độ.
Đáng chú ý, một số sĩ quan cấp cao đã về hưu của quân đội Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh triển khai vũ khí công nghệ cao không sát thương dọc biên giới để chuẩn bị cho kịch bản xung đột quân sự leo thang. Những vũ khí này sẽ cho phép binh lính Trung Quốc ở tiền tuyến tăng cường sức mạnh phản ứng nhanh trong trường hợp lực lượng Ấn Độ có hành động “xâm phạm”.
Ông Kiều Lương, nguyên Thiếu tướng Không quân, Giáo sư tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết, dù khả năng hai bên xảy ra chiến tranh toàn lực là rất thấp nhưng Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự leo thang.
Do vậy, các loại vũ khí công nghệ cao phản ứng nhanh sẽ là “át chủ bài” để Quân đội Trung Quốc có thể hành động nhanh, kiềm chế cuộc chiến trong quy mô nhỏ và tầm trung, đủ để gây tổn thương cho địch và giành được sự tôn trọng qua các cuộc chiến nhỏ.