Xung đột Nga - Ukraine năm 2024 sẽ kéo dài hay có “tia sáng” đàm phán?

Mai Trang |

Khi cuộc phản công mùa hè của Ukraine không đạt được kỳ vọng như mong đợi, Kiev vẫn đang tính toán về chiến lược trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột. Trong khi các quan chức Ukraine muốn tiếp tục chiến đấu để giành lại lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, giới chức Mỹ cho rằng cách tiếp cận này không thức tế.

Thế trận chiến trường trong năm 2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hy vọng rằng, vào năm 2024, Mỹ và châu Âu sẽ “mất kiên nhẫn” trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.

“Ông Putin đang trông chờ vào việc Mỹ không thực hiện được điều gì cho Ukraine. Chúng ta phải chứng minh ông ấy sai”, Tổng thống Joe Biden nói trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12/12.

Xung đột Nga - Ukraine năm 2024 sẽ kéo dài hay có “tia sáng” đàm phán? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12/12. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Biden, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng dù Mỹ viện trợ cho Ukraine nhưng không có thành công đáng kể nào trên chiến trường.

Theo New York Times, nếu Nga chiếm ưu thế trên chiến trường trong khoảng thời gian tới, đây sẽ là áp lực nặng nề đối với Ukraine và là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột đã bước sang giai đoạn mới. Các quan chức Ukraine và các đồng minh hy vọng có thể ngăn chặn những bước tiến tiếp theo của Nga.

Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, đến nay, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên chiến trường. Hiện tại, Nga giành quyền kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.

Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch phản công của Ukraine là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea chưa thực hiện được. Lực lượng Ukraine đã không thể chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga ở phía Đông và phía Nam, một phần do Moscow thường xuyên sử dụng máy bay không người lái để theo dõi các cuộc tấn công của Ukraine và đưa ra phản ứng nhanh chóng.

Tuy nhiên, Ukraine cũng đã đạt được một số kết quả trên chiến trường trong những tháng gần đây. Tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh cung cấp cho Ukraine đã gây thiệt hại đáng kể cho các mục tiêu của Nga ở Crimea. Ngày 22/9, một loạt tên lửa Storm Shadow đã tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Vài ngày sau, Nga rút dần các tàu của hạm đội ra khỏi căn cứ chính ở Crimea.

Điều này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ Odessa và giữ cho một số tuyến đường vận chuyển thông suốt. Các nhà quan sát đánh giá đây là một kết quả quan trọng, nhưng nó không thay đổi nhiều diễn biến chính trên chiến trường và không giúp Ukraine giành lại phần lãnh thổ nào.

Các quan chức quân sự Ukraine mong đợi Kiev sẽ tiếp tục chiến dịch giành lại lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát vào năm 2024. Các quan chức Mỹ nhận định rằng mục tiêu thực tế hơn đối với Ukraine trong năm tới là ngăn chặn Nga đạt được thêm bước tiến, đồng thời củng cố lực lượng và tiến hành thêm các cuộc tấn công như ở Crimea. Các mục tiêu tấn công trong giai đoạn tới có thể bao gồm các nhà máy sản xuất vũ khí, kho vũ khí và các tuyến đường để vận chuyển đạn dược của Nga.

“Mục tiêu của Ukraine là tạo ra mối đe dọa đủ lớn để Nga có thể cân nhắc việc ngồi vào bàn đàm phán vào cuối năm 2024 hoặc vào năm 2025”, các tác giả của New York Times viết.

Yếu tố ảnh hưởng tới xung đột Nga – Ukraine trong năm 2024

Ngày 12/12, Tổng thống Zelensky đã tới Mỹ gặp Tổng thống Biden và các thành viên Quốc hội Mỹ, với hy vọng thuyết phục Washington tiếp tục gửi vũ khí, phương tiện quân sự, đạn dược và các thiết bị khác cho Kiev. Nếu không có thêm viện trợ quân sự từ Mỹ, Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí vào năm tới.

Tổng thống Biden và hầu hết thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội đều ủng hộ khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine. Trong khi đó, một số thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ gần đây phản đối việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Thậm chí, một số quan chức cấp cao của Mỹ còn bày tỏ lo ngại nếu cuộc chiến rơi vào bế tắc kéo dài vào năm tới, Nga sẽ giành được lợi thế.

Giới quan sát đánh giá rằng, việc Tổng thống Zelensky tới Mỹ cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine lo ngại rằng sự hỗ trợ của Washington trong năm tới sẽ giảm đi. Cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng nếu ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông có thể cắt viện trợ và gây áp lực buộc Ukraine phải đàm phán với Nga. Tổng thống Putin dường như đang mong muốn một kết quả như vậy.

Sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine trong năm tới cũng không bền vững. Hungary chỉ trích cách tiếp cận của EU với cuộc khủng hoảng Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố sẽ phủ quyết gói viện trợ của EU cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 14/12. Chính phủ Đức cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện cam kết viện trợ cho Ukraine.

“Một số quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu thừa nhận rằng vũ khí và đạn dược mà châu Âu gửi đến chiến trường ở Ukraine không thể so sánh được với tốc độ sử dụng của Kiev. Điều đó có nghĩa là Ukraine có thể cạn kiệt một số vũ khí vào đầu năm tới nếu Mỹ không phê duyệt khoản viện trợ bổ sung”, cây bút Lara Jakes của New York Times cho hay.

Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu, bao gồm cả những người ủng hộ Ukraine, tin rằng một đề xuất hòa bình là kết quả hợp lý cho cuộc xung đột Nga – Ukraine vào năm tới.

Gần đây, xuất hiện những đồn đoán rằng các đồng minh, đối tác phương Tây đang hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga trong bối cảnh chiến dịch phản công của Kiev không có đột phá nào.

Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga chưa bao giờ từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine. Trong khi trên thực tế, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Putin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại