Trên thực địa, xung đột tiếp tục leo thang. Phía Armenia khẳng định đã bắn hạ 4 máy bay trực thăng, 15 máy bay không người lái, phá hủy 10 xe tăng, thiết giáp bộ binh của Azerbaijan.
Armenia cùng ngày đã ban bố thiết quân luật và tổng động viên sau đụng độ với Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh gây thương vong cho cả hai bên. Trên tài khoản mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã xác nhận thông tin trên sau khi kêu gọi người dân chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ vùng đất mà họ sinh sống.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP (Pháp), tại một phiên họp khẩn của cơ quan lập pháp vùng Karabkh ở thành phố Stepanakert, người đứng đầu vùng ly khai này, ông Araik Harutyunyan, đã ban bố thiết quân luật và tổng động viên mọi người dân trong khu vực trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự và những người từ 18 tuổi trở lên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Về phần mình, trong một bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định quân đội nước này đang chiến đấu trên vùng lãnh thổ của đất nước. Trong khi đó, quân đội Azerbaijan nói rằng không cần thiết tiến hành tổng động viên.
Bộ Quốc phòng nước này cho biết đã giải phóng được nhiều điểm cao chiến lược và 6 khu làng ở Nagorno-Karabakh vốn trước đó nằm dưới quyền của Armenia.
Nga, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức lên tiếng về xung đột tại Nagorno-Karabakh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov đã có cuộc điện đàm với ông Mnatsakanyan, thảo luận về xung đột tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh có tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.
Ông Lavrov bày tỏ quan ngại sâu sắc trước xung đột quy mô lớn tại Nagorno-Karabakh và nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập lệnh ngừng bắn ở khu vực này.
“Nga cùng với các đối tác là Chủ tịch của Nhóm Công tác Minsk trong khuôn khổ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực trung gian hòa giải, nhằm ổn định tình hình tại khu vực”, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu và cho biết thêm Ngoại trưởng Lavrov sẽ sớm có cuộc điện đàm với đồng cấp người Azerbaijan.
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejcinovic-Buric cùng ngày kêu gọi các bên liên quan tới xung đột ở Nagorno-Karabakh chấm dứt ngay tình trạng đối địch tái bùng phát.
“Tôi đặc biệt quan ngại trước thông tin leo thang quân sự trong xung đột ở Nagorno-Karabakh. Tôi kêu gọi Armenia và Azerbaijan thể hiện trách nhiệm, kiềm chế và dừng ngay các hành động thù địch”, ông Marija Pejcinovic-Buric nói.
Tổng thư ký Hội đồng châu Âu cũng hối thúc Azerbaijan và Armenia bảo đảm tính mạng dân thường, hợp tác cùng nhau để giảm căng thẳng. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Nhóm Công tác Minsk thuộc OSCE trong tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Nhóm Công tác Misnk này do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell kêu gọi các bên chấm dứt thù địch và quay trở lại đàm phán. “EU kêu gọi chấm dứt thù địch tức thời, giảm căng thẳng và tiến đến một lệnh ngừng bắn vững chắc. Điều cấp thiết hiện nay là các bên cần quay trở lại đàm phán về giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh trong khuôn khổ của Nhóm Công tác Minsk của OSCE mà không kèm điều kiện tiên quyết”, ông Borrell nêu quan điểm.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Văn phòng Tổng thống Azerbaijan cho biết, trong trao đổi, Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định ủng hộ tuyệt đối Azerbaijan.
Gần như đồng thời, Văn phòng Thủ tướng Armernia kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng mọi công cụ sức ép có thể để ngăn chặn can dự của Thổ Nhĩ Kỳ đối với xung đột Nagorno-Karabakh.