Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thổ "vuốt râu hùm", Nga phải trừng phạt?

Mạnh Kiên |

Việc Thổ Nhĩ Kỳ dám xâm phạm vào khu vực đặc quyền lợi ích của Nga trong xung đột Armenia-Azerbaijan được coi là lằn ranh đỏ không thể chấp nhận.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thổ vuốt râu hùm, Nga phải trừng phạt? - Ảnh 1.

Nga là thế lực duy nhất giúp căng thẳng ArmeniaAzerbaijan giảm nhiệt.

Lý do Nga nên hành động

Bạo lực đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan tại Karabakh đã trở thành đợt leo thang nghiêm trọng nhất kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994. Tại thời điểm ấy, xung đột đã đóng băng nhờ nỗ lực hòa giải của nhiều quốc gia, trong đó Nga được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất.

Hơn 16 năm sau, Nga vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng buộc Armenia và Azerbaijan phải hạ nhiệt cuộc chiến. Tuy nhiên, trong khi liên tục đưa ra các lời kêu gọi ngừng bắn dưới nhiều hình thức đơn phương và đa phương khác nhau, Nga cho đến nay vẫn chưa có động thái cụ thể nào để buộc các bên phải hạ vũ khí, dù chỉ là tạm thời.

Theo Moscow Times, đã đến lúc Nga sử dụng đòn bẩy đáng gờm của mình để đưa các nhà ngoại giao Azerbaijan và Armenia ngồi vào bàn đàm phán, ngay cả khi lệnh ngừng bắn là thỏa thuận duy nhất mà họ có thể thảo luận, do một giải pháp hòa bình lâu dài về xung đột Karabakh khó có thể đạt được trong tương lai gần.

Điện Kremlin cũng nên sử dụng các nguồn lực sẵn có để gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Azerbaijan với những cáo buộc gần đây cho rằng đã cử cả chiến binh Syria đến hỗ trợ.

Đây được coi là điều không thể chấp nhận đối với khu vực từng là lãnh thổ Liên Xô cũ, nơi mà Nga đã tuyên bố là khu vực đặc quyền lợi ích. Chính vì vậy, Nga nên hành động vì lợi ích quốc gia.

Với việc giao tranh mỗi ngày lại gia tăng, cách tiếp cận đứng ngoài quan sát hiện tại của Điện Kremlin với Armenia và Azerbaijan sẽ không thể duy trì được quá lâu. Nếu xung đột tiếp tục và leo thang, khiến một bên chiếm ưu thế hơn bên kia, Nga sẽ phải lựa chọn phương án để mặc Armenia thua Azerbaijan hoặc ngược lại.

Nhưng trong trường hợp chọn đứng về phía Azerbaijan, Moscow sẽ bị tổn hại danh tiếng, bởi Armenia là đồng minh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Các quốc gia thành viên CTSO sẽ nhận ra rằng, ngay cả khi tham gia vào tất cả các dự án hội nhập do Nga dẫn đầu thì Moscow cũng không giúp gì được nhiều cho họ.

Mỹ-NATO nên ủng hộ sáng kiến của Nga?

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thổ vuốt râu hùm, Nga phải trừng phạt? - Ảnh 2.

Mỹ và các đồng minh nên ủng hộ một sáng kiến ​​có ý nghĩa của Nga.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cử các lực lượng đến chiến đấu hỗ trợ Azerbaijan là lần đầu tiên một cường quốc bên ngoài tham gia quân sự vào một cuộc xung đột ở phần lãnh thổ Liên Xô cũ.

Nếu các nhà lãnh đạo Nga thực sự coi Caucasus là một phần khu vực đặc quyền lợi ích, thì việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào đó không chỉ là vấn đề đáng lo ngại mà còn là lý do để Nga hành động.

Trong khi Armenia cho biết, họ đã sẵn sàng thảo luận về một lệnh ngừng bắn thì Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho đến nay vẫn từ chối nói về một thỏa thuận ngừng giao tranh.

Thậm chí, Tổng thống còn tỏ ra quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự sử dụng đến pháo hạng nặng, xe tăng và máy bay không người lái để giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh cùng bảy lãnh thổ khác do Armenia kiểm soát liền kề với vùng đất này.

Một số nhà phân tích cho rằng Azerbaijan đã được đồng minh của mình là Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích đưa ra lập trường cứng rắn, điều sẽ khiến việc đàm phán đình chiến trở nên khó khăn hơn nhiều.

Sự tham gia của các phần tử thánh chiến vào các cuộc chiến ở sát biên giới Nga nên được coi là sự vượt qua lằn ranh đỏ

Alexander Dynkin, chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Nga, đồng thời là thành viên ban cố vấn của Hội đồng Bảo an Nga cho biết: "Nếu sự tham gia trực tiếp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các chiến binh từ Syria được chứng minh, đó sẽ là ranh giới đỏ".

"Trong khi, như thường lệ, hầu hết các quốc gia đang kêu gọi giảm leo thang và ngừng bắn, lần đầu tiên một cường quốc láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ đang công khai ủng hộ một trong các bên tham gia xung đột, là Azerbaijan", theo Thomas de Waal, nhà phân tích tại trung tâm Carnegie Châu Âu.

"Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như một chiếc phanh đối với Azerbaijan. Những ngày đó đã qua và trạng thái cân bằng địa chính trị tồn tại xung quanh cuộc xung đột đã bị phá vỡ".

Tờ Moscow Times kết luận, nếu Mỹ và các đồng minh ủng hộ một sáng kiến ​​có ý nghĩa của Nga nhằm chấm dứt các hành động đối đầu giữa Armenia-Azerbaijan và khiến Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - rút lại các hành động quân sự thì cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại