Căng thẳng Nga - Ukraine: Ai "ngư ông đắc lợi"?

Quốc Vinh |

Trong lúc những tranh luận đúng sai trong vụ căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine vẫn chưa ngã ngũ, một câu hỏi khác được đặt ra: Ai "ngư ông đắc lợi"?

Đã có nhiều phân tích chỉ ra nguyên nhân xảy ra vụ va chạm căng thẳng giữa Nga và Ukraine xảy ra ở eo biển Kerch, lối vào biển Azov, hôm 25/11.

Trong đó, một số nhà quan sát cho rằng Ukraine đang cố tình gây hấn với Nga để đạt được các mục tiêu chính trị trong nước, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp có mục đích.

Ngoài ra, Kiev có thể muốn kêu gọi các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự vì lo ngại sự quyết đoán ngày càng lớn đến từ phía Moscow.

Một số quan điểm phương Tây khác thì lên tiếng chỉ trích Nga mới là nước cố tình thổi bùng xung đột để bắt đầu phong tỏa lối vào biển Azov, cô lập tuyến đường thương mại quan trọng của Ukraine để trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Trong các tuyên bố chính thức về vụ việc, Moscow gọi hành động của 3 tàu hải quân Ukraine khi tiến vào eo biển Kerch bất chấp yêu cầu dừng lại là sự "xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp" và cố tình khiêu khích.

Về phần mình, Kiev khẳng định hành trình của tàu hải quân "không sai trái", cáo buộc ngược lại Nga có "mưu đồ" xâm chiếm hai thành phố Mariupol và Berdyansk của nước này.

Cuộc khẩu chiến giữa hai quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và lập luận đúng sai của cả hai vẫn chưa ngã ngũ.

Tuy nhiên trong một quan điểm mới của nhà phân tích quân sự Arkady Savitsky, xung đột mới nhất của Nga và Ukraine hoàn toàn không phải lỗi của một trong hai quốc gia này. Đằng sau đó là một cường quốc khác đang cố tình thúc đẩy căng thẳng lên cao.

Phải chăng các nước phương Tây muốn thúc đẩy tình hình thêm căng thẳng?

Theo Savitsky, có một nguyên nhân khiến cho vụ việc mới nhất đang thực sự rất nghiêm trọng. Ukraine đang bị đẩy vào nguy cơ chiến tranh mà bản thân chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko không phải là bên chủ động "châm ngòi".

Điều này được khuyến khích bởi chính người Mỹ - quốc gia muốn Kiev tham gia vào trò chơi nguy hiểm để theo đuổi mục đích chính trị.

Washington không muốn trừng phạt, cảnh báo hay ra tuyên bố quan ngại nào đó mà muốn kích động hai nước càng trở nên căng thẳng hơn, Savitsky nhận định.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối có một cuộc họp riêng với Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina viện dẫn sự cố eo biển Kerch là một lý do không hẳn chính xác.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Ai ngư ông đắc lợi? - Ảnh 1.

Mỹ có thực sự đứng sau "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine?

Rõ ràng, Washington quan tâm đến việc làm nghiêm trọng thêm tình hình quan hệ Nga-Ukraine. Giải thích cho quan điểm này, nhà phân tích Savitsky dẫn ra các minh chứng sau:

Việc ban hành tình trạng khẩn cấp tại các vùng lãnh thổ giáp biên giới Nga; sự tập trung của quân đội Ukraine trong khu vực Donbas và sự triển khai quân dự bị của Tổng thống Ukraine - tất cả đều là những động thái khi một quốc gia chuẩn bị cho chiến tranh. Nhưng điều khó hiểu là cả Washington lẫn Brussels đều không kêu gọi Kiev kiềm chế. Điều này đã đặt ra một dấu hỏi về suy tính của phương Tây.

Ukraine gần đây đã công bố quyết định không cho phép đàn ông Nga độ tuổi từ 16-60 nhập cảnh vào đất nước này. Chính sách này của Kiev hoàn toàn trái ngược với những gì Moscow làm.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định không trả đũa. Thậm chí là hoàn toàn ngược lại - ông ra lệnh đơn giản hóa các thủ tục cho người Ukraine yêu cầu nhập quốc tịch Nga. Động thái này được đánh giá là nhằm mục đích thể hiện ý tốt của Moscow.

Những động thái gây nghi ngờ của người Mỹ

Gần đây, các máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk và P-8A Poseidon của Mỹ đã thực hiện các hoạt động trên Biển Đen và phía đông Ukraine. Bên cạnh đó, các quan chức Ukraine đã xác nhận rằng các nhân viên tình báo của Cơ quan An ninh Ucraina (SBU) có mặt trên các tàu hải quân nước này bị Nga bắt giữ ở eo biển Kerch.

Theo nhà phân tích Savitsky, đó là một minh chứng cho thấy SBU đang hợp tác với tình báo của Mỹ. CIA từng nhiều lần bị cáo buộc là có lịch sử can thiệp lâu dài ở Ukraine...

Vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cho biết, một cuộc phong tỏa hải quân chống lại Nga đang là một lựa chọn trên bàn làm việc. Theo ông, "Mỹ có khả năng làm điều đó với lực lượng hải quân của mình để đảm bảo các tuyến đường biển được mở tự do và nếu cần thiết sẽ khiến cho nguồn cung năng lượng của họ không thể đi được vào thị trường".

Trên thực tế, một sự phong tỏa như vậy sẽ là một cú đánh cho nền kinh tế của Nga. Nhưng ý tưởng này cần một sự hỗ trợ quốc tế và Mỹ đang tìm cách để có được điều đó.

Khiến Ukraine "đổ thêm dầu vào lửa" chính là để phục vụ mục đích trên, nhà phân tích quân sự Arkady Savitsky suy đoán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại