Sự thật về video 'Chiến hạm Nga nã tên lửa vào Israel'
Hãng tin Reuters cho hay, trên mạng xã hội TikTok đang lan truyền một đoạn video với nội dung: Nga tấn công Israel tháng 10/2023.
Trong đoạn video, một tên lửa hành trình được phóng thẳng lên bầu trời trước khi lao về phía xa, để lại một đám khói phía sau.
Đoạn video đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem với phần chú thích có nội dung như sau: "Hôm nay, Nga đã tấn công Israel để giúp đỡ người Palestine. 25/10/2023".
Theo xác minh của Reuters, đây thực chất là đoạn video ghi hình vụ phóng tên lửa do Hải quân Ấn Độ tiến hành vào năm 2017, tuy nhiên, nó đã được một số người sử dụng để tuyên truyền thông tin sai sự thật về cuộc xung đột ở Gaza hiện nay.
Trên TikTok lan truyền video sai sự thật về việc Nga tấn công Israel.
Reuters đã truy nguồn video và tìm ra trên X (trước đây là Twitter) thông tin do tài khoản chính thức của Hải quân Ấn Độ đăng tải về vụ phóng này vào ngày 22/4/2017, trong đó viết: "Đây là lần phóng thành công đầu tiên của BrahMos Supersonic LACM (tên lửa hành trình siêu thanh tấn công mặt đất BrahMos) từ tàu INS Teg".
Nhiều tờ báo lớn cũng đưa tin về cuộc thử nghiệm tên lửa của Hải quân Ấn Độ vào thời điểm đó, như The Diplomat và Indian Express.
Tiếp tục truy vết trên Facebook, Reuters cho biết vào cùng ngày 22/4/2017, Hải quân Ấn Độ đã đăng trên tài khoản Facebook chính thức của họ thông tin và hình ảnh về cuộc thử nghiệm phóng thành công tên lửa hành trình BrahMos từ tàu INS Teg.
Hình ảnh về logo và khẩu hiệu của tàu INS Teg đăng trên Facebook chính thức của Hải quân Ấn Độ. Nguồn: Reuters
Hình ảnh về tàu INS Teg trong bài đăng của Hải quân Ấn Độ trùng khớp với con tàu xuất hiện trong video đang lan truyền trên TikTok. Điều này thể hiện rõ qua 2 chi tiết là logo (hình ảnh biểu tượng trên tàu) và khẩu hiệu của tàu.
Cụ thể, logo xuất hiện trên "con tàu Nga" ở đầu đoạn video trên TikTok trùng khớp với logo của tàu INS Teg đăng trên website chính thức của Hải quân Ấn Độ.
Bên cạnh đó, trong hình ảnh đăng trên Facebook của Hải quân Ấn Độ, khẩu hiệu của tàu INS Teg (treo phía trên logo của tàu) là "Towards Eternal Glory" (Tạm dịch: Hướng tới vinh quang bất diệt).
Người xem có thể nhìn thấy một phần khẩu hiệu này ở phía trên logo của con tàu trong video lan truyền trên TikTok.
Với kết quả xác minh trên, Reuters đi đến kết luận rằng, con tàu xuất hiện trong đoạn video trên TikTok chính xác là tàu Ấn Độ, và đây là cuộc thử nghiệm tên lửa của Hải quân quốc gia Nam Á. Không có chuyện tàu Nga nã tên lửa vào Israel.
Nga khẳng định vẫn duy trì liên lạc với Israel
Trong diễn tiến mới nhất liên quan tới xung đột Gaza, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/10 cho biết, Nga vẫn duy trì liên lạc với Israel và đang gửi tín hiệu về sự cần thiết phải tìm ra giải pháp hòa bình ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo quốc gia Do Thái không nên theo đuổi "chiến lược tiêu thổ".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga vẫn duy trì liên lạc với Israel. Ảnh: AFP
"Chúng tôi đang gửi tín hiệu tới người Israel, chúng tôi duy trì liên lạc đầy đủ với họ, Đại sứ của chúng tôi thường xuyên liên lạc với họ, chúng tôi đang gửi tín hiệu về sự cần thiết phải tìm ra giải pháp hòa bình và không nên hoàn tất chiến lược tiêu thổ (phá sạch) đã công bố từ trước ở Dải Gaza" - Ông Lavrov cho hay.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho rằng khó có thể loại bỏ nhóm vũ trang Hamas mà không khiến phần lớn dân thường ở Dải Gaza thiệt mạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các chương trình nhân đạo ở Gaza để giải cứu người dân đang cần nhu yếu phẩm như điện, nước, thực phẩm.
Trước đó, theo hãng tin Reuters, trong cuộc gặp tại Điện Kremlin với các nhà lãnh đạo tôn giáo Nga hôm 25/10, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi chấm dứt xung đột Israel - Hamas.
Tổng thống Putin cho biết ông cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó ông nhấn mạnh nguy cơ cuộc xung đột này lan rộng.
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo: "Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là ngăn chặn đổ máu và bạo lực. Nếu không, sự leo thang thêm nữa của cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cực kỳ nguy hiểm và tàn khốc. Không chỉ đối với khu vực Trung Đông, cuộc xung đột này có thể lan rộng ra ngoài biên giới Trung Đông".