Xuất hiện đơn tố cáo ca sĩ Thủy Tiên: Luật sư nêu những khả năng có thể xảy ra

Hoàng An |

Theo luật sư Cường, trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện, nếu sử dụng trái phép số tiền từ 4 triệu đồng trở lên thì người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 175 BLHS.

Trần Thị Thủy Tiên. Ảnh: FB.

Trần Thị Thủy Tiên. Ảnh: FB.

Ngày 7/10, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM đã chuyển đơn tố cáo ca sĩ Thuỷ Tiên liên quan tới hoạt động quyên góp từ thiện, lên Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01), Công an TP.HCM để xem xét và giải quyết theo quy định.

Cụ thể, khoảng tháng 9/2021, Phòng PC02, Công an TP.HCM tiếp nhận đơn của bà N.T.O.P. (ngụ tại TP.HCM) tố cáo bà Trần Thị Thuỷ Tiên (tức ca sĩ Thuỷ Tiên, SN 1985, trú quận 7, TP.HCM) có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ người dân bão lụt vào tháng 10/2020.

Từ vụ việc trên, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định, nếu cơ quan điều tra thu thập đầy đủ các thông tin tài liệu và có căn cứ xác định người quyên góp từ thiện đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Tiến sĩ Cường nêu, theo quy định của pháp luật, hoạt động kêu gọi người khác góp tiền để thực hiện từ thiện là quan hệ dân sự. Mối quan hệ giữa người có tài sản với người hưởng thụ là quan hệ tặng cho tài sản, việc tặng cho này không trực tiếp mà thông qua người trung gian là người đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền.

"Người trung gian này được xác định là người nhận ủy quyền và thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền bằng miệng, hoặc bằng văn bản điện tử với những người đã góp tiền. Tất cả những người góp tiền cho người kêu gọi là góp để ủng hộ cho đồng bào lũ lụt chứ không phải để cho người đứng ra kêu gọi", luật sư Cường phân tích.

Xuất hiện đơn tố cáo ca sĩ Thủy Tiên: Luật sư nêu những khả năng có thể xảy ra - Ảnh 2.

Nữ ca sĩ đi làm từ thiện. Ảnh: FB.

Chính vì thế, luật sư Cường cho rằng căn cứ vào nội dung kêu gọi từ thiện, phản hồi từ phía các nhà hảo tâm, cơ quan điều tra sẽ xác định những người đứng ra kêu gọi quyên góp không được phép sử dụng số tiền này sai mục đích, không được phép biến số tiền thành tài sản riêng của mình.

Bởi vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện, nếu sử dụng trái phép số tiền này từ 4.000.000 đồng trở lên thì người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 175 Bộ luật Hình sự về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Với vụ việc có người tố cáo Thủy Tiên, ông Cường cho hay, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những vấn liên quan như: Tổng tiền nữ ca sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp nhận được là bao nhiêu, nhận của những ai? Nội dung thỏa thuận về chuyển số tiền này để làm gì, thời gian và phương thức thực hiện hoạt động từ thiện được các bên thỏa thuận như thế nào? Làm rõ số tiền này đã rút ra khỏi tài khoản ngân hàng hay chưa, rút ra khi nào, những chứng cứ cho thấy số tiền này đã được sử dụng vào hoạt động từ thiện đúng như cam kết ban đầu hay không?".

Một vấn đề quan trọng để chứng minh có hành vi chiếm đoạt hay không là làm rõ những số tiền trong tài khoản có bị chuyển đi nơi khác, có tiếp nhận bằng những tài khoản khác không. Làm rõ những chứng cứ tài liệu mà người đứng ra kêu gọi từ thiện đã công khai trước công chúng liệu có giả mạo?

Mặt khác, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường cho hay, nếu người đứng ra tố cáo Thủy Tiên tố sai hoặc vô căn cứ thì phải chịu các chế tài xử phạt theo đúng quy định về hành vi "vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm và bôi nhọ người khác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại