Thông tin từ Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy trong tháng 1/2020, có một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở lĩnh vực "Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm" với vốn đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bí ẩn này được đăng ký thành lập vào ngày 17/1/2020, có trụ sở chính tại Hà Nội.
Nếu góp đủ vốn như đăng ký, thì đây sẽ là doanh nghiệp thứ 6 sau PetroVietnam, EVN và Viettel cùng 2 doanh nghiệp FDI là Formosa Hà Tĩnh và Vietnam Beverage có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng. Thậm chí, con số 144.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp này vượt cả Viettel, Vietnam Beverage, chỉ đứng sau PVN và EVN về vốn điều lệ.
Doanh nghiệp bí ẩn này nằm trong số 264 doanh nghiệp thành lập ngày 17/1/2020.
Trong Top 5 doanh nghiệp có vốn "khủng" nhất Việt Nam trước đó (đều có vốn trên 100.000 tỷ đồng), Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty mẹ sở hữu hơn 53% vốn của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thực hiện tăng vốn gấp 164 lần, từ 682 tỷ đồng lên 111.890 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp có số vốn tương đương gần 5 tỷ USD còn cách khá xa những vị trí xếp trên trong danh sách này.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN là doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ và cả tổng tài sản lớn nhất. Tới cuối năm 2017, tổng tài sản hợp nhất của PVN là 784.604 tỷ đồng, vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng.
Tiếp theo là tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN với 191.113 tỷ đồng và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel với 121. 520 tỷ đồng (năm 2018).
Ngay cả Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, sau khi tiến hành tăng vốn từ 105.830 tỷ đồng lên 117.175 tỷ đồng, 100% vốn nước ngoài với vốn điều lệ 117.175 tỷ đồng (tháng 4/2018) cũng vẫn xếp sau doanh nghiệp bí ẩn này về vốn điều lệ.
Top 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục kinh doanh, trong tháng 1/2020, cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267.178 tỷ đồng, giảm 17,9% về số doanh nghiệp, tăng 76,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy.
Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có sự gia tăng đột biến về số vốn đăng ký (tăng 914,0%) nhưng giảm về số lượng doanh nghiệp (giảm 15,7%). Sự đột biến của số vốn đăng ký của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đến từ sự xuất hiện của doanh nghiệp bí ẩn nói trên.