Tham nhũng có tổ chức , cấu kết tinh vi
Thông tin về nội dung cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quý I/2022 tăng rất nhiều.
Trong đó, có 125 vụ án với 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành, xem xét xử lý 14 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, còn tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 40 người bị xem xét.
Một điểm đáng chú ý được ông Học nêu ra là thời gian gần đây, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, không còn ở cơ sở, không còn là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh. Hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, liên quan đến tài sản rất lớn.
“Những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước và bên ngoài. Đây là vấn đề phải quan tâm”, ông Học cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Học, hoạt động của các cơ quan chức năng thời gian qua có sự phối hợp, kiểm soát lẫn nhau chặt chẽ, hiệu quả, đến mức “cơ quan nào trong các cơ quan phòng chống tham nhũng không muốn làm cũng không được”.
Ông Học dẫn chứng, việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa thi hành kỷ luật Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến quá trình thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo. “Thanh tra, kiểm toán làm không hết trách nhiệm, xử lý không nghiêm thì bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật”, ông Học thông tin.
Cảnh sát khám xét trụ sở Tập đoàn FLC sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Lê Dương
Đưa vụ FLC, Tân Hoàng Minh vào diện theo dõi, chỉ đạo
Sáng 27/4, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Cty cổ phần tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP. Hồ Chí Minh; Các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.
Trả lời câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trong vụ Việt Á như kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, Ban Chỉ đạo không làm thay cơ quan chuyên môn.
Theo ông Yên, các cơ quan có trách nhiệm làm việc này theo thẩm quyền. Có những vụ việc diện xử lý trong thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì đã xử lý và thông báo. Còn việc xử lý nào không thuộc thẩm quyền thì cấp cao hơn như Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ xử lý theo thẩm quyền.
Không có chuyện “bắt chuột mà vỡ bình”
Liên quan đến những vi phạm trong hoạt động kinh tế của một số doanh nghiệp thời gian qua như Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, ông Yên cho biết, việc giải quyết vụ án lớn, liên quan đến các tập đoàn, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã tính toán rất kỹ. Nếu như hoạt động kinh tế nói chung, tài chính, tín dụng ngân hàng, chứng khoán mà thực hiện đúng quy định của pháp luật; được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng sẽ là nguồn lực, niềm tin để tất cả các chủ thể sẵn sàng tham gia, đầu tư.
Cho nên, việc xử lý, theo ông Yên là cần thiết, đã chín muồi và hoàn toàn có lợi. “Khi xử lý không thể tránh được tác động nào đó nhưng chúng ta đã có chủ trương, biện pháp, giải pháp để các doanh nghiệp trong các vụ án vẫn hoạt động bình thường và những hậu quả có thể xảy ra đã được lường trước và có giải pháp”, ông Yên thông tin.
"Những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước và bên ngoài. Đây là vấn đề phải quan tâm".
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban nội chính T.Ư
Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư khẳng định, “không có chuyện bắt chuột mà vỡ bình”. Sai đến đâu sẽ xử đến đó. Sự việc có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, mà đã khởi tố thì phải điều tra, mà đã điều tra thì phải truy tố và xét xử. “Chúng ta đã nhất quán nguyên tắc chỉ đạo là: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và hoàn toàn không chịu sự tác động không đúng của bất cứ cơ quan, tổ chức lực lượng có thẩm quyền nào”, ông Yên nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học khẳng định, việc xử lý nhằm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu.
“Trong phiên họp sáng nay, nhiều thành viên trong Thường trực Ban Chỉ đạo cũng khẳng định, việc xử lý các vi phạm là đúng quy định của pháp luật; xử lý là để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu, vì vừa qua có yếu tố ảo, không phải giá trị thực”, ông Học nói, đồng thời cho biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ của các doanh nghiệp vẫn đảm bảo.
Vi phạm phải xử lý hình sự hay không. Khi họp liên quan đến nội dung này, Thủ tướng đã phát biểu rồi, đó là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, nhưng không phải là không xử lý”, ông Học nói thêm.