Mạng xã hội đã và đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng, không biết từ bao giờ đã trở thành nơi cung cấp thông tin nhanh nhất.
Có thể nói mỗi người dân đều là một người đưa tin và họ có thể đưa những quan điểm, suy nghĩ của mình ở mỗi bài viết.
Từ nguồn thông tin này, nếu là những thông tin nóng sẽ lan truyền rất nhanh và hậu quả của nó sẽ rất nặng nề khi đó là những thông tin sai sự thật.
Ở một góc nhìn khác, không thể phủ nhận, nhờ có thông tin trên mạng xã hội, những bức xúc của người dân với chính quyền cơ sở đã được biết đến; những việc làm tắc trách của cán bộ công chức bị phanh phui. Khi ấy, mạng xã hội là một kênh giám sát hữu hiệu.
Trước cơn bão thông tin như hiện nay, người đọc cần làm gì để lựa chọn, tự mình bảo vệ mình và người xung quanh một cách tốt nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Thái Hà Book trao đổi về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng bão thông tin hiện nay, phải chăng là sự phát triển tất yếu của xã hội?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi rất mừng vì có mạng xã hội. Ở châu Âu, mạng xã hội được đánh giá như là quyền lực thứ 5 (quyền lực số 1 là tam quyền gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp; quyền lực số 2 là về tâm linh (cha đạo, mục sư, linh mục, nhà sư); quyền lực số 3 là tiền; quyền lực số 4 là truyền thông, báo chí). Quyền lực số 5 này vô cùng quan trọng và đang thể hiện đúng vai trò quan trọng của nó.
PV: Những thông tin từ cộng đồng mạng đã góp phần phanh phui không ít những vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ công chức hay những hành vi vi phạm pháp luật. Ông đánh giá thế nào về những luồng thông tin dạng này, phải chăng ý thức người dân đã được nâng lên?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ngày xưa chúng ta hoàn toàn dựa vào nguồn thông tin từ báo chính thống. Nhưng bây giờ nhiều vụ việc được lôi ra là nhờ mạng xã hội, như mới đây vụ việc của Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch phường Văn Miếu và nhiều những vụ tiêu cực lớn như ở Yên Bái… cũng từ thông tin trên mạng xã hội. Có thể nói, mạng xã hội có vai trò rất lớn, giúp Đảng, Nhà nước tìm được những “con sâu” phá hoại đất nước.
PV: Bên cạnh những thông tin tích cực thì cũng có những thông tin tiêu cực, mang tính mục đích, mưu đồ cá nhân, nhằm bôi nhọ, hạ bệ ai đó, ném đá một ai đó mà mình có thù hằn. Những thông tin kiểu này đang ngày một nhiều trên các trang mạng xã hội?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Thực ra cái gì cũng có hai mặt, bất cứ việc gì mà làm quá lên cũng đều không tốt, giống như một món ăn bổ, nhưng ăn nhiều quá chưa chắc đã tốt.
Đối với mạng xã hội, bất kể người nào cũng có thể trở thành một “phóng viên”, như vậy chúng ta phải chấp nhận việc toàn dân làm báo thì sẽ có tin tốt, tin xấu, tin bịa đặt, vì thế cần có cơ chế để xử lý.
Chứ không vì những bài viết xấu, bôi nhọ mà chúng ta bỏ đi một phương tiện có giá trị là mạng xã hội.
PV: Vụ việc bé trai ở Quảng Bình mất tích, việc dư luận chia sẻ thông tin dồn dập trên mạng xã hội, các chuyên gia cho rằng những thông tin đó sẽ gây bất lợi cho việc tìm kiếm bé trai?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Khi đã đăng thông tin lên mạng xã hội, người viết không còn là một cá nhân, mà là một người đưa tin, một “phóng viên”, phải hiểu rằng tin đó có thể lan truyền và gây ảnh hưởng rất lớn, do vậy phải đảm bảo và chắc chắn về độ chính xác, không làm ảnh hưởng đến ai. Để làm điều đó, mỗi cá nhân cần phải giao tiếp bằng trái tim.
Mỗi người dân có một thái độ tốt, viết từng câu, từng chữ bằng trái tim sẽ mang lại hiệu ứng xã hội tốt. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn người để kết bạn trên mạng xã hội.
PV: Nhiều trường hợp đăng tin thất thiệt chỉ bị xử phạt nhẹ, vì vậy cần phải có cơ chế thể các biện pháp xử lý mang lại hiệu quả. Liệu có cần thêm chế tài để xử phạt hành vi tung tin thất thiệt không?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Xã hội đã có luật pháp. Những cơ quan công quyền có trách nhiệm điều tra đánh giá mức độ nguy hại của hành vi để kết tội.
Chúng ta tin tưởng vào các cơ quan thực thi pháp luật đang làm đúng. Mức độ ảnh hưởng nhỏ có thể bị cảnh cáo, phạt hành chính. Chúng ta chấp nhận pháp luật hiện nay như vậy.
Quan trọng vẫn là ý thức của người dân, chúng ta cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bằng cách tuyên truyền và tổ chức nhiều chương trình nói về hậu quả của việc đưa một thông tin không đúng lên mạng xã hội nó ảnh hưởng ra sao, để mỗi người dân tự giác ngộ được, xác định được vị trí và vai trò, trách nhiệm của mình trong mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi clip đăng lên mạng. Như vậy chúng ta có thể ngăn chặn được nhiều cái xấu.
Lời xin lỗi của mẹ cháu bé trên Facebook cá nhân |
PV: Câu chuyện mẹ cháu bé chơi đàn ở Bờ Hồ sau khi đăng tải những thông tin không chính xác lên Facebook cá nhân đã lập tức đăng lời xin lỗi công khai. Trong bối cảnh nhiều người đăng tin thất thiệt lên mạng xã hội rồi dửng dưng, vô trách nhiệm với những thông tin ấy, ông nghĩ gì về việc làm của người mẹ này? |
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Người mẹ đó là người có trách nhiệm. Chúng ta thấy làm việc gì đó chưa đúng, không đúng, nó khiến cho lương tâm áy náy thì chúng ta cần phải suy nghĩ trước khi làm, nếu làm sai thì phải xin lỗi.
Mỗi người đều suy nghĩ kỹ trước khi đưa thông tin, hoặc nếu thấy thông tin mình đưa lên không có tác dụng tốt thì phải dừng lại.
Dư luận sẽ trân trọng mình hơn, đó là cách ứng xử thông minh trong thời đại công nghệ hiện nay.
PV: Theo ông có cách nào để "kiểm duyệt" thông tin trước khi đăng tải lên mạng xã hội không?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ở các nước phát triển, đấy không phải là vấn đề nghiêm trọng bởi dân trí của họ cao, họ phân biệt được tin thật, tin giả, tin tốt, tin xấu.
Ở ta, dân trí chưa cao, người viết cũng chưa viết có trách nhiệm, người đọc đôi khi bị cảm xúc chi phối, lại bị ảnh hưởng bởi đám đông. Vấn đề này cần phải có một bộ lọc, đây cũng là mục đích và nội dung đề án do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, mang tên “Mạng tri thức Việt số hóa”.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là mỗi bạn đọc, mỗi người sử dụng Facebook phải biết chắt lọc thông tin, phải có cảm nhận đâu là thông tin đúng, thông tin sai.
PV: Xin cảm ơn ông./.