Sài Gòn những ngày cuối tháng 7, trong dòng người hối hả trên phố, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một bà cụ đi chân trần, tay bó bột, ngồi thu mình ở góc đường, cẩn thận xếp đặt từng quả xoài, quả măng cụt lên mẹt, lâu lâu ngó nghiêng xung quanh rồi cất tiếng rao run rẩy "anh/chị mua hoa quả đi".
Nghe người ta kể, bà đã 86 tuổi, lưng còng, chân run, mắt mờ, cộng thêm bệnh tật tuổi già đã lấy đi gần hết sức nhưng hàng ngày vẫn lặn lội từ Tiền Giang lên TP HCM bán hoa quả, nuôi người con bệnh tật.
Câu chuyện về bà cụ 86 tuổi mưu sinh trên góc phố khiến nhiều người xúc động
Xúc động trước câu chuyện của bà, chúng tôi ngỏ ý phụ giúp bà dọn hàng. Nét mặt khắc khổ, đầu óc lúc nhớ lúc quên vì tuổi già sức yếu, bà từ từ kể lại từng mảng cuộc đời bất hạnh của mình cho chúng tôi nghe.
Bà tên Bảy, năm nay 86 tuổi, quê ở Tiền Giang, lấy chồng sinh được 9 người con, gồm 8 trai 1 gái. Nhưng bất hạnh, 2 người con của bà bị nhiễm chất độc màu da cam. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, con cái bệnh tật lại càng khiến bà vất vả thêm bội phần.
Rồi các con lần lượt lớn lên, 7 người đã lập gia đình, còn 2 người bị chất độc màu da cam ở với bà (hiện tại 1 người đã qua đời). Nói đến đây, giọng bà run run lên vì xúc động. Mười mấy năm qua bà vẫn lăn lộn ngoài đường, mưu sinh nuôi mình, nuôi con bệnh tật.
Bà Bảy có 9 người con, trong đó có 2 người con bị nhiễm chất độc màu da cam
Thế nhưng ở tuổi xế chiều, bà vẫn bươn chải mưu sinh.
Chúng tôi cũng chẳng rõ bà bán hoa quả ở đây chính xác bao nhiêu năm, vì bà chỉ đáp ngắn gọn "mười mấy năm". Với bà, chẳng thiết tha gì để nhớ mình bán bao lâu rồi, bởi cái quan trọng vẫn là kiếm được tiền lo cho cuộc sống nghèo túng.
Có lẽ hàng hoa quả của bà đã quá quen thuộc với những ai đi qua phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM. Bởi vừa trò chuyện với chúng tôi, bà lại vừa hỏi thăm những người đi đường khác với giọng nói run rẩy đầy trìu mến.
Bà lặn lội từ Tiền Giang lên TP HCM bán hoa quả
Xếp lại mẹt hoa quả cho ngay ngắn, bà lại tiếp tục tâm tình về cuộc đời mình. "Lịch làm việc" của bà diễn ra đều đặn: 10 giờ đêm lên xe đò - 4 giờ sáng tới TP HCM – 6 giờ sáng dọn hàng ra – 2 giờ chiều thu dọn rồi trở về Tiền Giang. Mười mấy năm qua đều như vậy.
Khi chúng tôi thắc mắc thời gian nào dành cho nghỉ ngơi, bà cười xòa rồi cho biết, sau khi đưa hoa quả cùng hàng hóa lên xe đò, bà tranh thủ ngủ lấy sức.
Hành trình 6 tiếng lênh đênh trên xe từ Tiền Giang lên TP HCM cũng là khoảng thời gian mà bà được chợp mắt trước khi bắt đầu một ngày mới với nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Mỗi ngày, bà đều tranh thủ nghỉ ngơi khi đi xe đò luôn
"Mỗi ngày bà nhập khoảng 150 - 200kg hoa quả, mà lấy hàng cũng đâu có tiền đâu con, ghi nợ rồi trả sau. Người ta cũng cho nợ, không làm khó mình. Sau đó thì đóng hàng rồi đưa lên xe đò.
Đến bến xe thì thuê người chở đến phường An Lạc A, hàng hóa ít thì họ lấy 50.000đ – 60.000đ, hàng hóa nhiều thì 70.000đ – 80.000đ. Lần trước đang dọn hàng, bà bị ngã gãy tay, đến giờ vẫn bó bột đây này".
Nói đến đây, bà chỉ vào chỗ băng bó vẫn chưa tháo bột. Điều đó đồng nghĩa với việc, nửa tháng qua, bà tự mình làm mọi thứ với một tay khỏe – một tay đau. Mà thực ra tay khỏe cũng đâu có đúng nghĩa "khỏe".
Bà bị ngã gãy tay, nhưng vẫn cố gắng đi bán để kiếm tiền nuôi mình, nuôi con bệnh tật
Lưng đã còng, bước đi nặng nhọc, mắt đã kém, tai cũng không còn nghe rõ nữa, rồi lúc nhớ lúc quên… ở tuổi 86 nhưng bà không được hưởng một tuổi già an nhàn, đầm ấm bên con cháu mà ngày ngày vẫn bươn chải kiếm tiền.
Như hiểu được hoàn cảnh của bà, nhiều người đi đường vẫn thường xuyên ghé lại mua ủng hộ. Có người thành khách quen, đi ngang qua vẫn cố dừng xe mua cho bà vài cân đu đủ, dăm ba cân đào. Có người từ chối nhận tiền thừa, cụ vui vẻ nói "cảm ơn", khuôn mặt ánh lên niềm cảm kích.
Nhiều người ghé qua mua ủng hộ bà.
Câu chuyện của bà, khiến nhiều người cảm thấy xót xa
Chúng tôi không có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về bà, cũng một phần bởi sức khỏe bà đã yếu, không chia sẻ được nhiều hơn. Nhưng chỉ với quãng thời gian ngắn ngủi, chúng tôi hiểu được sự cố gắng của bà khi vượt khó, vượt khổ để tự kiếm tiền nuôi mình, nuôi con.