Xót xa chàng trai 19 tuổi liệt tứ chi sau khi nghe tin bố bệnh

Phạm An |

Liệt tứ chi, mỗi ngày trôi đi với anh là một nỗi đau, kèm theo đó là hy vọng có thể phục hồi được đôi tay, để mẹ bớt tảo tần, để không còn là gánh nặng cho xã hội.

Cả làng tự hào

Buổi trưa tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM trở nên vắng lặng, người bệnh lẫn người chăm nuôi mệt mỏi chuẩn bị nghỉ ngơi.

Sau chuỗi ngày điều trị mệt mỏi, ai cũng tranh thủ chợp mắt, tận dụng thời gian này anh Lê Văn Thành (SN 1986, quê Thanh Hóa), nhờ người mở sẵn quyển sách tiếng Anh rồi chăm chú học.

Thấy có khách đến thăm, anh ngọ ngoạy quay người cảm ơn, nhớ lại vài câu chuyện cũ…

10 năm trước, chàng trai thông minh, lanh lẹ nhất xã Hoằng Xuân khiến cả làng tự hào khi thi đỗ vào Đại học Thương Mại Hà Nội.

Nhưng vì nghèo khó, anh bỏ lại giảng đường, cùng bố làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Miền quê nghèo đói, quanh năm mưa bão không giữ được chí trai, anh Thành bắt xe đi Sài Gòn.

Vào Nam, anh làm đủ mọi công việc: gia sư, lao công, chạy bàn, giữ xe,… để kiếm sống, kiếm tiền đi học lại. Làm quần quật hơn một năm, dư chút tiền anh nộp hồ sơ xin học tiếng Hàn.

Ngày học đêm đi làm, còn hôm nào không học thì đi phụ hồ, học được 2 tuần thì nghe tin bố bệnh nặng, vét hết trong túi được vài chục ngàn không về thăm ông được.

Lúc đi phụ hồ, mải nghĩ về ông, tôi ngã từ tầng 3 xuống đất, chấn thương đốt sống cổ, liệt tứ chi”, anh Thành chia sẻ.

19 tuổi, từ một chàng trai cao ráo, lanh lẹ, anh Thành như rơi vào bế tắc khi phải nằm liệt một chỗ, càng xót xa hơn, điều trị một tuần quê nhà nhắn lên bố anh qua đời, anh suy sụp cũng không muốn sống.

Biết anh bị tai nạn, mẹ già hơn 70 tuổi tất tả vào Nam, 2 mẹ con thuê trọ tại Q.9 trong căn nhà vài mét vuông. Xa quê, mẹ già yếu, con bại liệt, có lúc hai người phải đi xin ăn hết nơi này đến nơi khác.

Qua nhiều năm miệt mài với con trai, mẹ anh giờ cứ quên trước, nhớ sau, nhiều hôm bà đi chợ rồi đi lạc đến tận đâu, may mắn người gần đó biết bà rồi dẫn về.

Quá túng quẫn, nhiều đêm anh Thành hết khóc, lại tìm cách kết thúc cuộc đời mình, nhưng với cơ thể chỉ cử động được cái đầu, anh không thể làm gì hơn ngoài… suy nghĩ.


3 năm nay chị Hồ Thị Nga (Quê Quảng Trị) đã tình nguyện ở bên cạnh chăm sóc từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đến hỗ trợ trị liệu.

3 năm nay chị Hồ Thị Nga (Quê Quảng Trị) đã tình nguyện ở bên cạnh chăm sóc từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đến hỗ trợ trị liệu.

10 năm cứ ngỡ bị giam cầm trong lồng

Biết được trường hợp của anh, các mạnh thường quân đã đến động viên chia sẻ. Họ giúp anh được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. Vào bệnh viện, anh hy vọng phục hồi được sức khỏe, đôi tay có thể cầm nắm.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ tại đây, việc này sẽ rất khó khăn vì anh Thành đã không vận động nhiều năm, đôi chân đã liệt hoàn toàn, các cơ tại tay bị teo lại, khó có thể phục hồi.

Để kích thích vận động, anh Thành được các bác sĩ dùng phương pháp châm cứu và trị liệu. Hiện tại, tay anh đã có cảm giác, cánh tay có thể cử động qua lại nhưng bàn tay cứ co quắp, không có sức, chưa thể cầm nắm được.

Anh nằm liệt một chỗ, mọi việc tư ăn uống đến vệ sinh cá nhân anh phải nhờ người khác giúp đỡ.

Nằm một chỗ quá lâu, anh còn mắc thêm chứng nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang mãn tính, vài ngày anh phải uống thuốc xổ một lần để hỗ trợ đi ngoài.

Có lần người nuôi quên cho anh uống, thế là hơn 10 ngày liên tục anh không đi tiêu được khiến bụng trương phình, đau đớn.

Anh lúc lắc đầu: “Số phận trêu đùa, tôi bị liệt tứ chi, nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo, 10 năm trời tôi cứ ngỡ mình bị đang bị giam cầm trong một chiếc lồng trống rỗng, muốn thoát ra nhưng không biết phải làm sao.

Tôi chỉ mơ ước một ngày tay tôi có thể cầm nắm, có sức trở lại để đi bán vé số tự lo cho mẹ và mình, nếu dư chút tiền, tôi sẽ học trở lại, khát khao đến với giảng đường vẫn còn cháy mãi trong tôi”.

Thấy anh hoàn cảnh khó khăn, chị Hồ Thị Nga (quê Quảng Trị) bị phù chân voi, đồng cảm với anh nên tự nguyện đến để chăm sóc anh đã hơn 3 năm nay. Chị Nga chia sẻ:

“Lúc anh ấy chưa vào viện thì tôi và anh đi bán vé số sống qua ngày. Từ khi anh vào viện chữa bệnh tôi phải ở cạnh chăm sóc nên không làm được gì, cả hai cố gắng tiết kiệm hết sức cũng phải tốn ít nhất 150.000 đồng/ngày. Hiện chi phí sắp hết sợ phải đưa anh về”.

Một vài ngàn đồng đối với nhiều người có thể là số tiền nhỏ, nhưng đối với anh Thành đó là cả một sự hy vọng về việc tiếp tục duy trì điều trị. Trích ra một buổi ăn sáng cùng sẻ chia với anh trong lúc này là tiếp thêm cho anh một ngọn lửa phấn đấu.

Phấn đấu để vươn lên, phấn đấu với ước mơ của thoát ra khỏi sự giam cầm trong một thân xác tàn tạ của chàng trai 10 năm bị giam cầm.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại