Mới đây, mạng xã hội liên tục chia sẻ đoạn clip cuộc tranh luận nảy lửa giữa sinh viên một trường đại học tại TP.HCM và giảng viên dạy môn tiếng Anh ngay trên bục giảng. Theo đó, nam sinh này khăng khăng cho rằng nữ giáo viên dạy chưa đúng kiến thức. Đáp lại, nữ giảng viên cũng liên tục dùng lời lẽ đanh thép để bảo vệ quan điểm của mình và cô giáo cũng chỉ ra nam sinh đang có kiến thức chưa "chuẩn".
Thậm chí, khi cô giáo đưa ra bất kỳ ví dụ nào chứng minh cho kiến thức của mình, nam sinh đều phản pháo và nằng nặc nói rằng: "Như thế là không đúng". Nhưng khi được hỏi tại sao lại không đúng thì nam sinh này lại chẳng thể chứng minh được, sự ngang ngạnh của cậu khiến cô phải thốt lên rằng: "Bạn không có hiểu ý của tôi"; "Bạn không hiểu bài hả?".
Tuy nhiên, điều khiến netizen chú ý hơn cả chính là thái độ của cả giảng viên lẫn sinh viên. Sau một hồi trao đổi, mọi thứ dường như không còn chỉ dừng lại ở việc tranh luận dựa trên kiến thức để giải quyết vấn đề khúc mắc nữa, mà gần như đã trở thành một cuộc tranh cãi qua lại.
Video tranh luận nảy lửa giữa sinh viên và giảng viên tiếng Anh
Ngay sau khi được đăng tải, clip đã nhận về vô số ý kiến từ netizen. Phân nửa cho rằng nam sinh đang có thái độ không chuẩn mực với giáo viên, đã thế kiến thức sinh viên áp dụng vào thực tế còn khá cứng nhắc, đôi chỗ chưa đúng. Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến bênh vực nam sinh, cho rằng tranh luận mới là cách tốt để tìm ra giải pháp của vấn đề và cách thức này nên được nhiều trường đại học áp dụng.
"Tiên học lễ, hậu học văn", hành động của nam sinh như vậy là quá vô lễ!
Nhiều netizen cho rằng thái độ của nam sinh trong đoạn video là không thể chấp nhận được. Tranh luận khác với "cãi khơi khơi", cô nói 1 câu trò đáp 10 câu, như vậy là vô lễ với giáo viên. Đó là chưa kể đến việc những lý lẽ nam sinh đưa ra để biện minh cho ý kiến của mình cũng bị máy móc, chưa thực sự chính xác.
- Nhiều năm trước mình thường xuyên trao đổi với giáo viên dạy Toán như vậy nhưng chưa bao giờ lấy tinh thần hơn thua như này cả. Vì dù gì đó cũng là thầy của mình, mình phải biết tôn trọng.
- Cảm giác bạn sinh viên hơi kiểu ngựa non háu đá, đã thế kiến thức của bạn quá cứng nhắc. Điều cô nói là hoàn toàn không sai nhé, một sinh viên sư phạm tiếng Anh cho hay.
- Nên nhớ "Tiên học lễ, hậu học văn". Biết lễ phép với thầy cô của mình trước đã, rồi sau đó muốn làm gì thì làm. Nếu muốn tranh luận thì hoàn toàn có thể hẹn riêng mà, như thế vừa mở rộng kiến thức vừa không mất lòng ai cả.
- Tuổi trẻ háo thắng. Tranh luận để tìm ra câu trả lời hợp lý, một trong hai bên bảo thủ thì không nên tranh luận nữa. Bởi trong buổi tranh luận, ai không giữ được cảm xúc của mình thì người đấy thua cuộc. Đó còn chưa kể đến một số kiến thức nam sinh nêu trong video còn không đúng nữa, nên học cách tôn trọng ý kiến người khác.
- Cứ coi như tranh luận là cách tốt để học đi nhưng mình không thích thái độ của bạn nam một chút xíu nào, mắt thì trợn trừng lên, gần như đôi co chứ tranh luận gì nữa. Tranh luận không phải như thế nhé. Với cả dù gì đây cũng là giảng viên lớn tuổi mà, bạn phải tôn trọng họ chứ.
Nhiều netizens cho rằng bạn nam sinh đang vô lễ với giáo viên
Tranh biện là cách tốt để tiếp thu kiến thức
Song song với đó, nhiều người đồng tình với cách tranh luận để hiểu sâu vấn đề của nam sinh. Việc đứng lên để bảo vệ quan điểm của mình không phải là điều dễ dàng, điều đó đã cho thấy nam sinh vô cùng tự tin, bản lĩnh.
- Mình không biết ai đúng ai sai nhưng rất nể bạn học sinh nhé, không dễ dàng mạnh dạn để nói lên ý kiến bản thân như thế đâu!
- Theo mình học là phải biết cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và từ đó đi đến giải pháp, cách cô trò trong clip thực hiện cũng khá ổn mà nhỉ. Biết đâu sau khi tranh luận xong, mỗi người lại rút ra bài học cho bản thân. Chúng ta nên nhìn mọi thứ tích cực lên chứ đừng chỉ chăm chăm vào dăm ba lời qua tiếng lại của cô trò.
- Hồi đi học mình rất thích tranh luận kiểu này luôn ý, kiểu cảm giác sẽ hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề, mình nghĩ các trường đại học nên phát huy.
- Mình nghĩ không nên quá lên án vấn đề này mà hãy ủng hộ ý, vì ít ra cũng có thể thấy bạn sinh viên rất tự tin vào bản thân mới có thể đứng lên bảo vệ quan điểm của mình như vậy.
Kết
Tranh biện (debate) là một kỹ năng cực kì quan trọng trong chương trình giáo dục. Nó làm sáng tỏ những thắc mắc của người học, từ đó tìm ra ngọn nguồn của vấn đề và giúp người học hiểu sâu kiến thức. Tuy nhiên, "tranh biện" và "tranh cãi" là hai lằn ranh mong manh, nếu không "tranh biện" "tranh luận" khéo léo thì nó rất dễ biến thành "tranh cãi", đặc biệt là khi debate với giáo viên. Chúng ta phải luôn giữ một thái độ tôn trọng, cầu thị, ôn hòa mà không đè nặng cái tôi để áp đặt lên quan điểm của người khác. Như thế thì tranh biện mới phát huy được hết tác dụng của nó trong việc học.
Tổng hợp