“Xoay vần” giữa Nga, NATO, Ba Lan tăng tốc chuẩn bị cho điều tệ nhất

Minh Đức |

Ba Lan không ngừng đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nhằm ứng phó với tình huống xấu nhất từ phía Nga?

Nằm kẹp giữa các cường quốc lớn ở châu Âu, Ba Lan luôn phải đối mặt với các mối đe dọa chiến lược địa chính trị. Trong thế chiến thứ Hai, địa hình bằng phẳng và mở của Ba Lan khiến nó trở nên đặc biệt dễ tổn thương trước cả hai thế lực tham chiến. Ngày nay, mặc dù không còn quá quan trọng như trước, nhưng vị trí của Ba Lan vẫn mang đậm tính chiến lược.

Các biên giới phía Tây và Nam của nước này giáp ranh với các nước NATO, trong khi biên giới phía Đông nằm cạnh một đồn cứ quân sự trọng yếu của Nga là Kaliningrad cùng với Belarus (một đồng minh thân cận của Moscow) và Ukraine (một quốc gia được Nga coi là đối thủ).

Thách thức quân sự mới từ Nga

Theo Felix Chang, học giả cấp cao chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, thập kỷ qua đã chứng kiến sự trỗi dậy ngày một mạnh hơn của quân đội Nga, bất chấp những lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Hầu hết sức mạnh mới của Nga đều xuất phát từ cuộc cải cách quân sự dài hơi mang tên “New Look” (cái nhìn mới). Những nỗ lực cải cách đã giúp tinh giảm các đơn vị chiến đấu của Nga, trang bị cho họ các thiết bị quân sự mới và quan trọng hơn, gia tăng huấn luyện và củng cố tính sẵn sàng chiến đấu.

“New Look” đã biến quân đội Nga thành một thế lực vũ trang mới, không chỉ đủ sức chiếm ưu thế trong các cuộc chiến tranh thông thường, mà còn tận dụng tối đã các công nghệ của các cuộc chiến tranh “lai ghép” (hybrid warfare). Nhiều đơn vị không quân và các binh đoàn “New Look” có thể bắt đầu hành động chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nhận lệnh.

Nga đã chứng tỏ được năng lực của mình vào năm 2014 khi họ triển khai các lực lượng đặc biệt, không lực, hải quân đến Crimea – một cách cực kỳ thần tốc và hiệu quả. Không lâu sau đó, Nga cũng đã gửi 40.000 đến 100.000 quân lính đến biên giới với Ukraine.

Ba Lan sẵn sàng đương đầu thách thức

Những thành công quân sự của Nga đã khiến Warsaw nhận thấy sự cần thiết phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ở mọi lực lượng. May mắn là, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt của Ba Lan đã hỗ trợ được cho những sự trù bị này. Trong vòng 3 năm trở lại đây, lực lượng vũ trang thường trực của Ba Lan đã tăng từ 100.000 người lên 130.000 người và dự tính là 200.000 người vào năm 2025. Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng lên kế hoạch mở rộng cơ cấu quân đội từ ba thành bốn lực lượng.

Năm 2017, cơ quan này đã thành lập một đơn vị mới có tên gọi Lực lượng bảo vệ lãnh thổ (WOT). Tách biệt với quân đội thông thường, vai trò của WOT trong thời kỳ chiến tranh đó là chống lại không lực và lực lượng xung kích đặc biệt của Nga phía sau tiền tuyến.

Ba Lan cũng đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân sự khi không ngừng mua vũ khí và nâng cấp các thiết bị hiện tại của mình. Sau khi mua 105 xe tăng Leopard 2A5 đã qua sử dụng của Đức vào năm 2015, một năm sau đó, quân đội nước này cũng nâng cấp 142 xe tăng 2A4 của mình với vỏ ngoài và hệ thống chiến đấu đã được cải thiện… Ba Lan cũng đã lên kế hoạch trang bị các tên lửa hành trình chống tăng tầm ngắn – trung và xa cho quân đội thường trực và lực lượng WOT.

“Xoay vần” giữa Nga, NATO, Ba Lan tăng tốc chuẩn bị cho điều tệ nhất - Ảnh 1.

Ba Lan đang đẩy mạnh mở rộng và hiện đại hoá quân đội

Đáng chú ý, để trực tiếp đối phó với việc Nga triển khai tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander và các phi cơ chiến dấu Su-35 tại Kaliningrad, Ba Lan đã quyết định mua hệ thống phòng thủ trên không MIM-104 Patriot của Mỹ và gần 50 chiếc máy bay chiến đấu đa chức năng mới.

Tuy nhiên, ông Felix Chang nhận định, tín hiệu rõ ràng nhất cho sự chuẩn bị sẵn sàng của Ba Lan chính là việc tái sắp xếp các lực lượng chiến đấu của mình. Warwaw đã đưa các lực lượng thiết giáp tốt nhất của mình về phía đông. Năm ngoái, Ba Lan chuyển các xe tăng PL-91 của Lữ đoàn thiếp giáp thứ nhất tại rìa đông Warsaw đến Giżycko, gần biên giới giữa Ba Lan và Kaliningrad và khu vực chiến lược có tên Suwalki Gap – kết nối Ba Lan với Lithuania.

Cam kết ngăn chặn để bảo vệ hòa bình?

Theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, trong những năm tới, tổng ngân sách quốc phòng của Ba Lan gần như chắc chắn sẽ vượt mức 2% GDP – nhiều hơn đáng kể so với những gì mà các thành viên khác của NATO đang bỏ ra. Cho dù vậy, công cuộc hiện đại hóa quân đội của Ba Lan vẫn sẽ có những khoảng trống. Một trong số này là đội trực thăng tấn công còn lại từ thời Liên Xô cũ. Mặc dù Ba Lan đã nâng cấp các máy bay tấn công Mi-24 của mình với tên lửa cảm biến và hành trình mới, quân đội nước này sẽ vẫn cần đội trực thăng thế hệ mới và còn nhiều hơn thế nữa.

Một cuộc diễn tập gần đây cho thấy, ngay cả với 120 trực thăng tấn công, Ba Lan vẫn khó có thể cầm chân được Nga cho đến khi lực lượng phản ứng nhanh của NATO kịp đến ứng cứu.

Hơn tất cả, điều đáng chú ý nhất về quá trình chuẩn bị quân sự của Ba Lan không phải là việc nó sẽ hoàn thiện như thế nào, mà là ở chỗ, quy mô và tốc độ nó đang được tiến hành hoàn toàn khác thường đối với một quốc gia châu Âu. Trong khi các nước NATO khác đang tìm cớ để trì hoãn việc mở rộng hoặc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, Ba Lan lại tiến hành cả hai và cùng một lúc. Chắc chắn, hòa bình là điều mà ai cũng hy vọng; tuy nhiên, không vì thế mà Ba Lan từ chối lời cam kết xây dựng một nền quân sự vững mạnh hơn để bảo vệ nền hòa bình đó./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại