Cũng giống như các thương hiệu khác, Xiaomi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19 gây ra. Các cửa hàng Mi Store và Mi Home trên toàn cầu phải sớm đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, mẫu đầu bảng mới nhất của hãng này là Mi 10 đã phải ra mắt trực tuyến thay vì tại sự kiện riêng. Trong quý 2, lượng smartphone xuất xưởng cũng giảm 3 triệu máy, còn 28 triệu đơn vị.
Nhưng đứng trước nghịch cảnh này, Xiaomi vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh vô cùng tươi sáng cho 6 tháng đầu năm. Cổ phiếu của Tiểu Mễ cũng liên tục lên giá, thể hiện lòng tin ngày một vững chắc của các nhà đầu tư. Vậy, giữa muôn trùng khó khăn - thậm chí lượng điện thoại bán ra cũng giảm, đâu là chìa khóa thành công của "Apple Trung Quốc"?
Điện thoại Xiaomi ngày một đắt đỏ
Với giá khởi điểm tăng lên mức 600 - 800 USD, dòng sản phẩm chủ lực của Xiaomi đã từ bỏ vai trò "phá giá cấu hình" trong quá khứ.
Trong bản báo cáo tài chính vừa qua của Xiaomi có một thông tin khá đặc biệt: ASP (giá trung bình mà người dùng bỏ ra để mua điện thoại Xiaomi) đã tăng thêm 11,8%. Con số này có nghĩa rằng, từ chỗ là một thương hiệu phá giá, Xiaomi đang dần hướng tới định vị của Samsung và Apple: bán điện thoại đắt hơn để tối ưu lợi nhuận.
Mức giá của chiếc Mi 10 mới ra mắt là minh chứng rõ rệt nhất cho tham vọng này của Xiaomi. Ngay cả tại Trung Quốc - vốn là thị trường có giá rẻ hơn các thị trường nước ngoài, Mi 10 bản thường cũng đã khởi điểm ở mức 600 USD. Mức giá này cho phép Mi 10 trở thành chiếc Mi đầu tiên được phát hành ở phân khúc cao cấp, thay vì phân khúc trung cấp như mọi khi.
Phiên bản đặc biệt của Mi 10 mới ra mắt gần đây là Mi 10 Ultra thậm chí còn được đặt giá gần 800 USD, tức là đắt hơn cả iPhone 11. Rõ ràng, Xiaomi đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm mới nổi trên thị trường quốc tế - những chiếc Mi 3 hay Mi 4 đều khởi điểm ở mức chỉ khoảng trên 300 USD mà thôi.
Smartphone tầm trung và cao cấp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong doanh số Xiaomi.
Tăng giá chính là điều các nhà đầu tư đã kêu gọi Xiaomi từ 2 năm trước, khi hãng này thực hiện IPO tại sàn chứng khoán Hong Kong. Trong quá khứ, Xiaomi đã luôn tuyên bố sẽ chỉ thu lợi nhuận dưới 5% từ phần cứng điện thoại. Không rõ lời hứa này có còn được thực hiện hay không (không được đề cập trong báo cáo tài chính mới nhất), nhưng rõ ràng quyết định NGỪNG phá giá cấu hình đã giúp Xiaomi tăng gấp 2 lần lãi ròng trong quý 2 vừa qua! Lợi nhuận tăng, triển vọng lâu dài được cải thiện - hiển nhiên sự ủng hộ từ các nhà đầu tư cũng càng rõ rệt.
Sự trợ giúp bất ngờ từ... Donald Trump
Thực chất, thành công bất ngờ của Xiaomi có phần đóng góp không nhỏ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Khi Huawei đang là tâm điểm duy nhất của cuộc chiến này, Xiaomi đã trở thành kẻ thế chỗ cho "đồng hương" tại các thị trường quốc tế.
Số liệu của công ty cho biết cho biết lượng smartphone Xiaomi xuất xưởng tại châu Âu đã tăng 65% so với cùng kỳ 2019. Trước đó, số liệu của Canalys cũng cho thấy Xiaomi đã thay thế Huawei để chiếm lấy vị trí số 3 tại "Lục Địa Già", chỉ đứng sau Samsung và Apple. Như vậy, những thành công từng được Huawei tạo lập với dòng Mate hay dòng P trong quá khứ đang dần bị xóa sổ. Người dùng đi tìm smartphone Trung Quốc đang chuyển sang châu Xiaomi. Xét tới việc châu Âu là một nền kinh tế phát triển, người dân có năng lực chi trả cao hơn Trung Quốc hay Ấn Độ, việc Xiaomi gia tăng được giá bán trung bình (và kéo theo là lợi nhuận) cũng là hoàn toàn dễ hiểu.
Vị trí số 3 tại châu Âu nay đã thuộc về Huawei.
Báo cáo cũng khẳng định Xiaomi đã tăng trưởng tại tất cả các thị trường ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay cả hiện tượng giảm doanh số tại Ấn Độ cũng là hoàn toàn dễ hiểu, bởi các nhà máy tại đây đang phải oằn mình chống chọi với Covid-19, khiến sản lượng giảm sút. Mức giảm 48% của Xiaomi cũng trùng khớp với mức suy giảm chung của thị trường này. Còn tại Trung Quốc, Xiaomi - cũng như các tên tuổi khác là Vivo và Oppo - đều đang phải oằn mình chống chọi với cơn sốt Huawei do chiến tranh thương mại tạo ra .
Nhưng Trung Quốc từ lâu đã không còn là thị trường trọng yếu của Xiaomi nữa rồi. Đánh đổi thị phần tại Trung Quốc để đổi lấy chỗ đứng tại các thị trường đang tăng trưởng nóng như Ấn Độ hoặc các thị trường có thiên hướng cao cấp như châu Âu hoàn toàn là một phép đánh đổi hợp lý. Chưa kể, phía trước Xiaomi (và các nhà sản xuất khác) là cuộc cách mạng 5G, hứa hẹn những nguồn doanh thu dồi dào khi người dùng nâng cấp điện thoại để tận hưởng tốc độ kết nối mới.
Không còn phá giá, Xiaomi đang chờ đợi một tương lai tươi sáng hơn phía trước.
Trong những ngày cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu của Xiaomi đã vượt mốc 21.45 HKD. Sau 2 năm vật lộn, đây là lần đầu tiên "Apple của Trung Quốc" có thể vượt mốc trị giá cổ phiếu khi IPO. Sự kiện này cho thấy góc nhìn của nhà đầu tư đối với Xiaomi đã khác. Triển vọng của Hạt Gạo Nhỏ nay cũng đã rất khác: từ một cỗ máy "đốt tiền", Xiaomi đang dần trở thành một công ty có lãi.