Cụ thể, đưa Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1973, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng đồng phạm ra xét xử phúc thẩm về tội “Giết người”, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng thay đổi tội danh đối với 1 bị cáo trong vụ án.
Trước đó, tháng 8-2016, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Ngọc Bảo tù chung thân về tội danh trên.
Cùng tội “Giết người”, Bùi Văn Thắng (SN 1987, ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) cũng bị xử phạt 18 năm tù.
Liên quan, Nguyễn Ánh Hồ (SN 1969, ở phố Lê Ngọc Hân, quận Hà Bà Trưng) cùng người vợ không hôn thú là Phạm Thị Hồng Minh (SN 1988, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) lần lượt bị kết án 30 tháng tù và 20 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”.
Quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, HĐXX phúc thẩm xác định lời khai của một nhân chứng quan trọng (anh Trương Tùng Bách) trong vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Trong khi ấy, bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo kêu oan nhưng lại chưa được đối chất đối với nhân chứng này.
Mặt khác, một đối tượng liên quan vẫn bỏ trốn nên chưa đủ cơ sở vững chắc xác định hung thủ thực sự của vụ án, trong khi vụ án có tới 2 người chết và 1 người bị thương.
Đặc biệt, Nguyễn Ánh Hồ có dấu hiệu đồng phạm về tội “Giết người” nên cần phải điều tra bổ sung và xác định lại tội danh.
Nội dung vụ án qua 2 cấp tòa cho thấy, trưa 19-11-2012, anh Trần Hữu Tuấn Tú (SN 1978), Đặng Quang Minh (SN 1979) và Nguyễn Anh Hoa (SN 1964) đều ở quận Hai Bà Trưng rủ nhau tới quán bún đậu của chị Nguyễn Thị Minh Thu (ở phố Lê Ngọc Hân) ăn trưa.
Tới quán bún đậu, anh Minh cùng nhóm bạn định ngồi ở sân nhưng do hết chỗ nên cả 3 phải đi vào trong nhà.
Cùng thời điểm, vợ chồng Nguyễn Ánh Hồ cũng vừa ngồi ăn bún đậu tại sân ở quán của Thu. Tuy nhiên, đúng lúc nhóm anh Minh vào quán thì vợ chồng Hồ đi ra ngoài.
Trở lại bàn ăn, Hồ thấy nhóm anh Minh đang muốn ngồi chỗ của vợ chồng đối tượng nên xích mích xảy ra. Sau đó, giữa lúc nhóm anh Minh đang ăn trưa thì Trương Tùng Bách (SN 1982, ở quận Hai Bà Trưng) cũng chở vợ tới đây ăn bún đậu.
Kéo vợ chồng anh Bách nhập mâm, anh Minh nói lại chuyện vừa xích mích với Hồ vì chỗ ngồi ăn bún. Nhận ra người quen, Bách liền đi sang chỗ Hồ nói chuyện nhằm hóa giải mâu thuẫn trước đó.
Nhưng thay vì “nể mặt” người quen, Hồ bảo Bách: “Mày cứ vào đi. Chuyện đó là chuyện của anh”.
Thấy Bách giảng hòa có vẻ khó khăn, anh Minh sang kéo bạn về bàn ăn nhưng không được. Cùng thời điểm, Bùi Văn Thắng và Trần Tuấn Dũng (SN 1991, hiện bỏ trốn) cũng chở nhau trên xe máy tới quán bún đậu. Kế đến, Nguyễn Ngọc Bảo cũng xuất hiện tại bàn ăn của Hồ.
Chứng kiến anh Minh liên tục kéo Bách trở lại bàn ăn, Bảo gằn giọng quát tháo: “Mày vào đi, không lằng nhằng đấy”.
Biết đụng phải “giang hồ”, anh Minh hạ giọng: “Toàn anh em quen biết, tôi là anh của Bách”. Thế nhưng vừa dứt lời, anh Minh liền bị Bảo túm cổ áo và rút dao ra đe dọa.
Thấy bạn rơi vào thế yếu, ngồi trong nhà, anh Tú vội cầm ghế nhựa xông ra và bị Bảo dùng dao đâm 1 nhát thấu ngực, dẫn đến tử vong sau đó không lâu. Đồng bọn “động thủ”, Thắng và Dũng cũng xông lên đánh, đấm anh Minh.
Và rồi sau trận “mưa” cốc chén, vỏ chai bia, Dũng lấy chiếc kéo ở quán ăn đâm, rạch nhiều nhát lên đầu, mặt và khắp cơ thể anh Minh. Vụ “hỗn chiến” tại quán bún đậu ở phố Lê Ngọc Hân chỉ dừng lại khi mọi người phát hiện anh Tú nằm bất động trên vũng máu ở quán ăn trưa.
Gây án xong, Bảo cùng đồng bọn nhanh chóng rời khỏi hiện trường và bỏ trốn. Về phía anh Minh dù được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không bảo toàn được mạng sống. Ngoài ra, cuộc hỗn chiến còn khiến một người trong nhóm anh Minh bị trọng thương.
Ngày 30-11-2012, Nguyễn Ngọc Bảo bị bắt giữ theo lệnh truy nã. Cùng ngày, Phạm Thị Hồng Minh tìm tới cơ quan công an đầu thú. Đầu năm 2014, Bùi Văn Thắng cùng Nguyễn Ánh Hồ cũng lần lượt bị bắt giữ theo lệnh truy nã và đầu thú.
Quá trình giải quyết vụ án, gia đình các bị hại cho rằng không thể có chuyện Bảo chỉ tình cờ ghé vào quán bún đậu, rồi ra tay giết người. Gia đình các bị hại đặt nghi vấn Hồ đã gọi Bảo đến đánh nhau. Trong khi đó, từ đầu đến cuối, Nguyễn Ánh Hồ không thừa nhận việc này.