Xem chiến hạm Nga diệt mục tiêu mặt nước bằng... tên lửa phòng không

Nam Đồng |

Tàu hộ vệ tên lửa Soobrazitelnyy (Dự án 2038.1) của Hải quân Nga là phiên bản nâng cấp của lớp Steregushchiy, nó được trang bị hệ thống vũ khí rất mạnh và toàn diện.

Soobrazitelnyy là con tàu thứ hai thuộc lớp Steregushchiy (Dự án 2038.0), đây là thế hệ tàu hộ vệ tên lửa (phân hạng corvette) tiên tiến nhất hiện nay của Hải quân Nga. Soobrazitelnyy được khởi đóng tại Nhà máy Severnaya Verf ở St.Petersburg, hạ thủy ngày 20/5/2003 nhưng phải đến ngày 14/10/2011 nó mới chính thức vào biên chế Hạm đội Baltic.

Thân tàu cấu tạo bằng vật liệu composite trọng lượng nhẹ, thiết kế góc cạnh nhằm giảm diện tích phản xạ radar, lượng giãn nước đầy tải chỉ là 2.100 tấn; chiều dài 104,5 m; chiều rộng 11,1 m; mớn nước 3,7 m; thủy thủ đoàn 100 người.

Hệ thống động lực của Soobrazitelnyy gồm 4 động cơ diesel 16D49 công suất 24.000 mã lực (17,9 MW), cùng với 4 máy phát điện diesel công suất 630 KW. Tốc độ tối đa của tàu đạt 27 hải lý/h (50 km/h), tầm hoạt động 4.000 hải lý (7.400 km) khi chạy ở tốc độ kinh tế 14 hải lý/h (26 km/h); thời gian bám biển liên tục 15 ngày.

Cảm biến chính của Soobrazitelnyy là radar trinh sát đường không Furke-3D, radar trinh sát bề mặt Monument, radar Garpun-B kiểm soát hỏa lực tên lửa chống hạm, radar Ratep 5P-10E Puma điều khiển hỏa lực pháo, thiết bị định vị thủy âm (sonar) Zarya-M. Hệ thống đối kháng điện tử trên tàu gồm TK-25E-5 cùng 4 bệ phóng đạn gây nhiễu PK-10.

Vũ khí của chiếc khinh hạm này gồm có 1 pháo hạm A-190 cỡ 100 mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm cận âm 3M24 Uran, 8 ống phóng ngư lôi săn ngầm 330 mm thuộc tổ hợp Paket-NK, 2 pháo phòng không bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm, 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm. Sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu tiếp nhận được trực thăng săn ngầm Kamov Ka-27.

Xem chiến hạm Nga diệt mục tiêu mặt nước bằng... tên lửa phòng không - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ tên lửa Soobrazitelnyy - Dự án 2038.1

Soobrazitelnyy là tàu đầu tiên của lớp Steregushchiy được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa Redut (thay cho module chiến đấu Kashtan). Tổ hợp này sử dụng đạn tên lửa 9M96E (tầm bắn 40 km) và bản tăng tầm 9M96E2 (tầm bắn lên tới 120 km).

Hai loại đạn đánh chặn trên theo thiết kế tiêu diệt được mục tiêu hàng không ở độ cao từ 5 m cho tới 30 km, hệ dẫn đường radar chủ động cho độ chính xác rất cao.

Ngoài chức năng chính là phòng không, khi cần thiết thì chúng còn triển khai được cho vai trò chống hạm, tốc độ tối đa 1.800 m/s (Mach 5,3) của đạn tên lửa khiến hệ thống phòng không hạm tàu gần như không thể đánh chặn.

Tuy vậy nhược điểm khi chuyển đổi chức năng sang chống hạm đó là đầu đạn của 9M96E và 9M96E2 chỉ nặng 24 kg, trong đó phần lớn lại là mảnh văng, sức công phá kém. Nhưng nếu bắn trúng vào phần thượng tầng thì nó vẫn đủ sức sát thương toàn bộ kíp chỉ huy cũng như phá hủy hệ thống radar, cảm biến của tàu địch.

Dưới đây là đoạn video ghi lại cảnh tên lửa phòng không 9M96 thuộc hệ thống Redut từ tàu hộ vệ Soobrazitelnyy tấn công mục tiêu trên mặt biển trong một cuộc tập trận của Hạm đội Baltic.

Tên lửa phòng không 9M96 thuộc hệ thống Redut từ tàu hộ vệ Soobrazitelnyy tấn công mục tiêu trên mặt biển

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại