Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, cộng dồn 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ Thái Lan đã đạt 15.930 chiếc về lượng và hơn 287 triệu USD về giá trị.
Cùng với Thái Lan, kim ngạch nhập khẩu ôtô (CBU) từ Indonesia trong giai đoạn này cũng đạt con số rất ấn tượng. Cụ thể là 8.683 chiếc về lượng và hơn 150 triệu USD về giá trị.
Nếu xét xuất xứ theo từng quốc gia và cùng lãnh thổ riêng lẻ, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Thái Lan đứng đầu bảng và cao gấp ít nhất 3 lần so với các xuất xứ khác, ngoại trừ Indonesia.
Đứng thứ hai, đến lúc này đã có thể xem như việc “tất nhiên”, là ôtô CBU xuất xứ Indonesia. Trên bản đồ công nghiệp ôtô thế giới, nếu như Thái Lan đã bắt đầu được thừa nhận, ít nhất là ở khu vực châu Á, thì Indonesia chưa được nhắc đến tên.
Vấn đề là với thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam thời điểm này, ôtô Indonesia thậm chí đã vượt xa các tên tuổi lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay kể cả một “hiện tượng” lớn khác xuất hiện trước cả Indonesia là Ấn Độ.
Quay trở lại thời điểm này của 3 năm về trước, ôtô CBU có xuất xứ từ Thái Lan dù đã bắt đầu tăng trưởng đáng kể song vẫn còn khoảng cách khá xa so với các thị trường truyền thống. Thậm chí với Indonesia, việc thống kê kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU theo xuất xứ khi đó cũng chỉ coi như mới bắt đầu.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu mặt hàng ôtô CBU từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó những cái tên lừng danh có thể kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Đức.
Đây đều là những cường quốc công nghiệp ôtô của thế giới với những tập đoàn ôtô hàng đầu, những thương hiệu nổi tiếng từ hạng phổ thông đến hạng sang và siêu sang.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ cần cộng Thái Lan và Indonesia vào nhau, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ 2 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á này đã áp đảo hoàn toàn phần còn lại.
Cụ thể, tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ 2 quốc gia này trong 5 tháng năm 2017 đạt 24.613, vượt xa so với con số 16.622 chiếc được nhập khẩu từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại. Về giá trị kim ngạch, ôtô nhập khẩu Thái Lan và Indonesia cũng áp đảo khi đạt gần 438 triệu USD, vượt xa mức 397 triệu USD của phần còn lại.
Lý do để ghép đôi Thái Lan và Indonesia với nhau chính là việc cả 2 quốc gia này đều thuộc cộng đồng ASEAN chung với Việt Nam. Và theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối trong năm 2017 đã giảm về 30%, thấp hơn đáng kể so với ôtô CBU mang các xuất xứ khác.
Đây chính là một nguyên nhân giúp kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Thái Lan và Indonesia tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua.
Thậm chí, người tiêu dùng hiện cũng còn đang trông chờ và kỳ vọng vào một thay đổi mang tính chất đột phá khác. Đó là kể từ năm 2018, cũng theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước thuộc khối ASEAN sẽ giảm về mức 0%.
Tuy nhiên, thực tế của năm 2018 có thể sẽ không giống như kỳ vọng bởi kèm theo mức thuế suất 0% còn nhiều ràng buộc khác để giá ôtô nhập khẩu sẽ không thể điều chỉnh theo phép tính cơ bản kiểu “1 + 1 = 2”.
Dẫu sao thì đó cũng vẫn chỉ là chuyện chưa xảy đến của năm 2018. Còn lúc này, người tiêu dùng vẫn đang ít nhiều hưởng lợi từ chính sách thuế theo ATIGA với các loại ôtô xuất xứ Đông Nam Á.