Lục quân Mỹ mới đây tuyên bố họ sẽ triển khai một lữ đoàn xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại hóa sâu thuộc biến thể M1A2 SEPv3 Abrams tới khu vực châu Âu sát biên giới Nga.
Lữ đoàn xe tăng M1A2 SEPv3 trên ước tính có số lượng vào khoảng 87 chiếc, chúng vào biên chế với tốc độ nhanh chóng mặt và phá vỡ mọi dự đoán trước kia.
Hành động quyết liệt này của Mỹ được nhận xét là nhằm tạo áp lực lên Nga cũng như trấn an các quốc gia đồng minh khác thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO.
Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự, phiên bản xe tăng M1 Abrams mới nhất của Mỹ có tính năng kỹ chiến thuật vượt xa những biến thể cũ, thậm chí còn nổi trội hơn cả T-90M Proryv-3 của Nga.
Đơn vị chiến xa M1A2 SEPv3 Abrams cực mạnh này được kỳ vọng sẽ bẻ gãy đợt tấn công bằng chiến thuật "dòng thác xe tăng" mà lục quân Nga vẫn thường sử dụng.
Việc Mỹ sớm triển khai phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 tới châu Âu thậm chí còn có ý nghĩa hơn khi đối thủ của nó là chiếc T-90M Proryv-3 vẫn "bặt vô âm tín".
Hồi đầu tháng 2, chuyên gia quân sự Alexey Khlopotov thông báo rằng lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M đầu tiên sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga vào cuối năm 2019 và sẵn sàng bước vào trực chiến từ năm 2020.
Nhưng phải tới gần đây thì Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tướng Sergei Shoigu mới chính thức cho biết: "Trong năm nay, hơn 400 xe thiết giáp chế tạo mới và được nâng cấp sẽ được bàn giao cho quân đội".
"Chúng bao gồm xe tăng T-72B3M với hệ thống kính ngắm và kính quan sát trong nước sản xuất, xe tăng T-90M Proryv-3, T-80BVM và xe chiến đấu bộ binh BMP-1AM".
Như vậy là cuối cùng sau rất nhiều chờ đợi, thời hạn để lục quân Nga chính thức tiếp nhận những cỗ chiến xa cực kỳ hiện đại này đã được chốt.
Các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv-3 cùng với M1A2 SEPv3 Abrams dự kiến sẽ tạo ra những màn so kè cực kỳ hấp dẫn đáng chú ý, không thể bỏ qua.
T-90M Proryv-3 là bản nâng cấp sâu từ chiếc T-90MS Proryv-2 (được chế tạo cho mục đích xuất khẩu), nó được áp dụng nhiều công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất hiện nay của nên công nghiệp quốc phòng Nga.
Chiếc MBT này sử dụng pháo nòng trơn cỡ 125 mm thế hệ mới có nòng dài hơn, mang lại khả năng tác xạ chính xác khi ngắm bắn các mục tiêu từ cự ly xa.
Bên cạnh đó xe còn được bổ sung các lớp giáp phản ứng nổ thế hệ 3 mang tên Relikt phủ kín thân xe và tháp pháo kết hợp cùng giáp lồng, đảm bảo an toàn cho kíp lái trước vũ khí chống tăng của đối phương.
Hệ thống điện tử, máy tính điều khiển hỏa lực và các cảm biến trang bị cho T-90M Proryv-3 theo đánh giá có năng lực vượt trội loại dùng trên T-90A và T-90S đời cũ.
Dự kiến trong tương lai các xe tăng T-90M Proryv-3 còn được tích hợp pháo chính nòng trơn 2A82 cỡ 125 mm, đây là loại mà T-14 Armata đang sử dụng.
Khi đặt T-90M Proryv-3 với M1A2 SEPv3 lên bàn cân thì xe tăng Mỹ được đánh giá cao hơn ở thiết bị điện tử, điều khiển hỏa lực cũng như hệ thống phòng vệ chủ động Trophy rất tin cậy.
Mặc dù vậy kết quả so sánh về lý thuyết trên giấy chỉ có ý nghĩa tham khảo mà thôi, thực tế chiến trường mới là yếu tố quyết định xem chiếc chiến xa nào thực sự ưu việt hơn.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-xe-tang-t90m-proryv3-va-m1a2-sepv3-chuan-bi-co-cuoc-doi-dau-lich-su/813027.antd