Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.913 xe, giảm 5% so với tháng 5/2018 tăng 10% so với tháng 6/2017.
Trong số gần 22.000 chiếc xe bán ra thị trường Việt Nam có 15.185 chiếc xe du lịch, giảm nhẹ so với trước đó. Cũng trong tháng 6 Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 19.194 xe, giảm 1% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 2.719 xe, giảm 24% so với tháng trước.
Như vậy, nửa đầu năm 2018 đã trôi qua, thị trường ô tô Việt Nam nói chung vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tính đến hết tháng 6, tổng doanh số bán ra của thị trường Việt Nam đạt 125.717 giảm 6% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng mảng xe du lịch đạt con số bán ra 83.803 xe tăng 6%.
Thị trường ô tô nhập khẩu đã trải qua những thay đổi lớn và khó khăn trong nửa đầu nâm 2018.
Những thay đổi đáng kể trong chính sách đã tác động không nhỏ đến thị trường ô tô nhập khẩu khi doanh số bán ra sụt giảm rất mạnh. Tính đến hết tháng 6, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 106.678 tăng 10% trong khi xe nhập khẩu là 19.039 xe, giảm tới 49% so với cùng kì năm ngoái.
Cuối tháng 6, lượng xe nhập khẩu về thị trường Việt Nam đạt hơn 3.300 xe. Thông tin về một loạt xe nhập khẩu mới chuẩn bị ra mắt thị trường Việt Nam như loạt xe Toyota Fortuner, Hilux, Honda HR-V hay các mẫu xe của Mitsubishi khiến nhiều người kì vọng về cơ hội mua xe nhập khẩu mới.
Thế nhưng, mức giá mới công bố của các mẫu xe này cũng khiến không ít khách hàng đang chờ đợi mua xe phải thất vọng. Dù được hưởng mức thuế 0% nhưng hầu hết giá bán công bố của các thương hiệu này đều cao hơn so với giá bán cũ.
Thêm đó, việc khan hiếm về nguồn cung khi lượng xe nhập khẩu về ít và phải chờ đợi thời gian để ra thị trường cũng là một nguyên nhân khiến giá đến tay người tiêu dùng không rẻ khi tình trạng bán chênh giá hoặc yêu cầu khách hàng mua kèm phụ kiện xuất hiện tại nhiều đại lý xe.