Từ khi học hết cấp 2, anh Quyết được gia đình hướng cho học nghề vận hành máy thi công nền. Đi làm được 2 năm, anh bị tai nạn gãy chân, phải nghỉ việc, ở nhà trợ giúp bố mẹ làm ruộng.
Cơ duyên đến với anh trong một dịp về quê ngoại ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vốn nổi tiếng với nghề rắn.
Được họ hàng khuyến khích, truyền kinh nghiệm và trợ giá con giống ban đầu, anh bàn với bố mẹ thế chấp sổ đỏ và vay mượn thêm được trên 50 triệu đồng.
Với số vốn trên, anh Quyết đầu tư chuồng trại, trang thiết bị cần thiết, rồi lên Vĩnh Phúc mua 30 cá thể rắn hổ trâu đầu tiên về nuôi.
Trại rắn của anh Quyết. Ảnh: Kinh tế đô thị
Sau thời gian ngắn, số rắn ban đầu bán được giá, mỗi con rắn thương phẩm cũng được khoảng 1- 2 triệu, anh tiếp tục hồ hởi đầu tư nuôi rắn quy mô lớn.
Thời gian đầu mở rộng mô hình, anh Quyết gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Anh kể trên báo Đảng cộng sản: Năm 2009, rắn thương phẩm được giá, đặc biệt trứng rắn lên tới 290.00 – 300.000/quả nên anh đã nhập 200 con rắn cái về đẻ trứng và nhân giống.
Nhưng vì chưa phân biệt rắn đực cái nên lứa rắn nhập đợt ấy có đến 3/4 là rắn đực, nuôi mãi chỉ thấy rắn to ra chứ không đẻ được trứng.
Không nản chí, anh học hỏi thêm kinh nghiệm từ anh em, bạn bè, đọc sách báo và mày mò trên mạng tìm hiểu cách lựa chọn con giống, nhân giống, kỹ thuật ấp trứng… và cuối cùng đã thành công.
Tiết lộ về lợi nhuận từ nuôi rắn hổ trâu trên báo Kinh tế đô thị, anh Quyết chỉ ngôi nhà ba tầng xây khang trang, rộng đẹp và chiếc ô tô 7 chỗ đậu giữa sân bảo "nhờ con rắn cả đó anh".
Hiện, mỗi năm trại rắn của Quyết cung ứng cho thị trường trên dưới 2 tấn rắn thương phẩm, hàng vạn con rắn giống và trứng rắn. Dù giá cả thị trường thường xuyên biến động, nhưng lãi từ trại rắn hổ trâu của Quyết không năm nào dưới 500 triệu đồng.
Về kỹ thuật gây giống rắn hổ trâu, anh Quyết chia sẻ trên báo Đảng cộng sản: Để có rắn con giống khoẻ mạnh, khâu lựa chọn rắn bố mẹ phải kỹ lưỡng. Chọn rắn đực, rắn cái làm giống phải dựa trên ngoại hình: thân rắn phải tròn trịa, cân đối, da mượt, không đốm mục, các viền đen bên dưới bụng kết dính liền nhau…
Rắn nuôi được 10 tháng là đẻ. Để chuẩn bị cho rắn đẻ, anh nhốt chung mỗi ngăn 1 con rắn đực với 4 - 6 con rắn cái nhằm đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao và hoạt động giao phối của rắn thuận lợi.
Mỗi năm, rắn hổ trâu đẻ 3 lứa trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.
Rắn hổ trâu con mới nở ra được tách khỏi ổ ấp, cho uống nước và để lột xác hai lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày mới bắt đầu chăm rắn bằng các loại mồi thông thường.
Theo anh Quyết, nuôi rắn hổ trâu không tốn diện tích, vốn đầu tư, công chăm sóc. Mỗi ô nuôi rắn có diện tích: 2m x 1m x 1,2m (dài x rộng x cao), thoáng mát, sạch sẽ.
Chuồng lưới khi xây phải tránh ánh nắng trực tiếp, mỗi chuồng có gài vỉ tre để rắn nằm và chuồng bán tự nhiên tốt nhất xây ở khu vực độ ẩm không quá cao và tạo nhánh cây để rắn bò, như sống ngoài tự nhiên.
Ngoài ra, rắn là loài rất nhạy cảm với nhiệt độ. Việc giữ ấm chuồng nuôi rất quan trọng nhằm phòng, tránh bệnh cho rắn, nhất là bệnh viêm phổi.
Bên cạnh đó, sử dụng thuốc phòng định kỳ cũng giúp đàn rắn tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Tổng hợp