Xảy ra gian lận thi cử, lãnh đạo địa phương cũng bị xử lý

Đặng Chung |

Đối với những thí sinh gian lận điểm thi, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là sai đến đâu xử lý đến đó, kể cả xử lý hình sự. Đặc biệt, khi gian lận xảy ra, có cả trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi các tỉnh và lãnh đạo địa phương.

Có thể xử lý hình sự thí sinh gian lận

Hơn một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019 . Bộ GDĐT đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật, siết chặt các khâu coi thi, chấm thi để ngăn chặn gian lận thi cử.

Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, cách tốt nhất để răn đe và ngăn chặn gian lận là Bộ GDĐT xử lý nghiêm, kiên quyết hủy bài thi đối với tất cả các thí sinh liên quan đến vụ gian lận điểm thi năm 2018.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng, khi nào còn thi cử thì còn gian lận, điều này không loại trừ bất kỳ một quốc gia nào. Vì thế, cách tốt nhất là tìm cách và chủ động hạn chế thấp nhất gian lận có thể xảy ra.

Về việc xử lý sai phạm, ông Mai Văn Trinh cho biết, Điều 48 và 49 quy chế thi đã quy định rõ về xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và thí sinh vi phạm quy chế thi.

Khẳng định mọi sai phạm đều phải xử lý nghiêm dựa trên chứng cứ cụ thể, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: “Khi kết quả điều tra rõ ràng, cán bộ, phụ huynh liên quan đến đâu sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với thí sinh, kể cả 51 em đang được cho phép tiếp tục học, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Thậm chí các em sẽ bị xử lý hình sự nếu có sai phạm".

Ông Mai Văn Trinh cũng nhấn mạnh, hiện nay dư luận đang rất bức xúc, cá nhân ông cũng bức xúc trước vụ gian lận điểm thi. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm phải dựa trên chứng cứ thuyết phục về mặt pháp luật, tránh cực đoan và tránh bị lợi dụng để làm mất an toàn xã hội.

Để xảy ra gian lận, lãnh đạo địa phương cũng bị xử lý

Khi xảy ra vụ gian lận, nâng điểm thi ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, lãnh đạo của những địa phương này đều nói sẽ xử lý nghiêm những người có liên quan. Tuy nhiên, không thấy ai đứng lên nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.

Về trách nhiệm người đứng đầu sau hàng loạt vụ gian lận điểm thi, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An, có trách nhiệm của Bộ GDĐT và các địa phương.

Trách nhiệm này đã được chỉ rõ trong công văn số 7864 của Văn phòng Chính phủ ngày 20.8.2018, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Xảy ra gian lận thi cử, lãnh đạo địa phương cũng bị xử lý - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An. Ảnh: Huyên Nguyễn

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi và giải pháp khắc phục; có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi điểm thi.

Thứ trưởng Lê Hải An cho biết, đến thời điểm này, về cơ bản Bộ GDĐT đã làm đúng trách nhiệm của mình theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

“Về trách nhiệm của địa phương, trong công văn số 7864 có nêu, Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định”- Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh.

Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm!

"Hiện nay, địa phương được giao quyền chủ động tổ chức thì phải gắn với trách nhiệm giải trình. Tôi kiến nghị cần gắn trách nhiệm cao nhất vào địa phương, trước hết là chủ tịch tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cũng là trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của các tỉnh. Nếu gắn trách nhiệm cụ thể, tự khắc lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo công tác tổ chức thi một cách quyết liệt, nghiêm túc từ trên xuống dưới. Nếu không, bài ca rút kinh nghiệm sẽ còn kéo dài” – TS Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT) kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại