Theo đó, Bộ GTVT, cho biết dự án cầu đường quận 9 (TPHCM) sang Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai III TPHCM.
Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 34,28km được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn một bao gồm hai dự án thành phần (DATP 1A & DATP 1B) với tổng chiều dài 17,71 km, được phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 2/2016.
Trong đó, DATP 1A (từ TL25B đến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) dài 8,75km được đầu tư từ nguồn vốn ODA của EDCF (quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) và DATP 1B (từ cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên Xa lộ Hà Nội) dài 8,96km đầu tư theo hình thức BOT.
Giai đoạn hai, bao gồm DATP 2A (từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Tỉnh lộ 25B) với chiều dài khoảng 5,0km và DATP 2B (từ nút giao Lê Văn Việt đến điểm nối vào đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương) với chiều dài khoảng 11,57 km, hiện đang tìm kiếm, huy động nguồn vốn để đầu tư.
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai giai đoạn một của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Theo đó, đối với DATP 1A (được thông qua Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV). Bộ Tài chính đang chủ trì làm việc với EDCF về dự thảo Hiệp định vay để tiến tới ký kết hiệp định vay vốn. Dự kiến khởi công xây dựng vào quý 1/2020.
"Đối với DATP 1B, Bộ GTVT đang thẩm định để phê duyệt kết quả sơ tuyển Nhà đầu tư. Dự kiến sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong quý IV/2019…", Bộ GTVT thông tin.
Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai gửi kiến nghị của cử tri tỉnh này về dự án cầu đường quận 9 (TPHCM) sang Nhơn Trạch , tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, cử tri cho rằng dự án được Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư từ năm 2011, đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng kết nối giữa các vùng. Tuy nhiên đến nay, dự án triển khai rất chậm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, nhiều năm qua đơn vị này đã công bố rộng rãi các tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư, đồng thời đề nghị các nhà đầu tư cân nhắc về năng lực tài chính, kinh nghiệm và tổ chức bộ máy để có thể đáp ứng các tiêu chí quy định.
Hiện đang có 7 nhà đầu tư xin tham gia dự án này gồm các đơn vị: DIC, Tín Nghĩa, Vina Capital, Kumho Industrial, cầu đường Quảng Tây, Tài chính công nghiệp tàu thủy, Việt Nghĩa.
UBND tỉnh trước đó cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) về xúc tiến đầu tư dự án cầu đường quận 9. Tập đoàn Hyosung cho biết họ có ý định đầu tư vào dự án, nên muốn tìm hiểu kỹ hơn các thông tin về thiết kế, hình thức đầu tư, dự toán kinh phí... của dự án này.
Được biết, đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng mà Chính phủ giao cho tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Công trình có tổng chiều dài gần 18km, bao gồm cầu vượt sông Đồng Nai và chạy dài qua 2 địa phương TPHCM và Đồng Nai với tổng dự toán kinh phí thực hiện vào khoảng 14,8 ngàn tỷ đồng.