"Xác ướp ướt" Trung Quốc được cho là vượt qua kỹ thuật ướp xác Ai Cập

Minh Hoa (t/h) |

Các nhà khảo cổ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện thi thể hơn 2.000 năm tuổi nhưng tóc vẫn còn, đường chỉ tay rõ ràng, da mềm mại và các khớp tay chân cử động được.

Bảo tàng tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) được thành lập vào đầu những năm 1950. Đây là nơi lưu giữ hơn 180.000 hiện vật quý được tìm thấy ở tỉnh Hồ Nam. Hằng năm, tại đây thường diễn ra các cuộc triển lãm đồ gốm đất nung cổ, tranh thư pháp nhà Minh, nhà Thanh, di tích trong lăng mộ thời Hán...

Xác ướp ướt Trung Quốc được cho là vượt qua kỹ thuật ướp xác Ai Cập - Ảnh 1.

Các cổ vật được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

Tuy nhiên một trong những hiện vật nổi tiếng nhất bảo tàng phải kể đến xác ướp Tân Truy phu nhân. Cuộc khai quật xác ướp này được coi là sự kỳ diệu trong lịch sử khảo cổ học ở tỉnh Hồ Nam.

Theo đó vào năm 1971, những công nhân xây dựng tại Hồ Nam tình cờ tìm thấy ngôi mộ của một phụ nữ cùng chồng và con trai. Ngôi mộ lớn đến nỗi quá trình khai quật phải kéo dài gần 1 năm với hơn 1.500 tình nguyện viên địa phương. Công việc khám nghiệm xác ướp được thực hiện vào tháng 12/1972, qua đó cho thấy người phụ nữ qua đời vào năm 50 tuổi.

Xác ướp ướt Trung Quốc được cho là vượt qua kỹ thuật ướp xác Ai Cập - Ảnh 2.

Quan tài sơn mài của Tân Truy phu nhân trong bảo tàng Hồ Nam. Ảnh: Cat's Diary/wikipedia

Danh tính của xác ướp được xác định là Tân Truy phu nhân hay Đại phu nhân, vợ của một hầu tước từng cai quản vùng đất này khoảng 2.200 năm trước, dưới thời nhà Hán.

Ngoài xác ướp, tại ngôi mộ người ta còn tìm thấy hơn 1.000 cổ vật quý giá như tượng vàng bạc, một bộ sưu tập váy áo lụa, mỹ phẩm, nhạc cụ, đồ sơn mài và đồ gia dụng được chế tác tinh xảo. Điều này cho thấy lúc sinh thời Tân Truy phu nhân có một cuộc sống nhàn nhã, xa hoa và mong muốn mọi thứ không thay đổi khi sang thế giới bên kia.

Xác ướp ướt Trung Quốc được cho là vượt qua kỹ thuật ướp xác Ai Cập - Ảnh 3.

Bức tượng của Tân Truy phu nhân với kích cỡ người thật.

Được biết tại viện bảo tàng có trưng bày bức tượng của Tân Truy phu nhân kích cỡ người thật với dung mạo xinh đẹp nhưng quá trình khám nghiệm đã phát hiện ra một sự thật rất khác. Những nếp gấp trên da cho thấy Tân Truy phu nhân có vóc dáng khá đẫy đà. Có vẻ như bà có niềm đam mê với ẩm thực.

Các nhà khoa học đã dựng lại chi tiết chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt cũng như phương thức săn bắn, sản xuất và chế biến thực phẩm từ hơn 2.000 năm trước. Kết quả cho thấy khi còn sống, phu nhân thường xuyên thưởng thức những món ăn dành riêng cho giới quý tộc như thịt nai, cừu và trái cây.

Vì vậy, Tân Truy bị mắc chứng béo phì, chỉ có thể đi lại nhờ gậy chống. Thói quen ít vận động cũng gây ra xơ cứng động mạch, tiểu đường và một số chứng bệnh khác ở cột sống. Dạ dày còn sót lại hạt dưa, chứng minh bà ăn loại quả này khoảng 2 giờ đồng hồ trước khi mất.

Xác ướp ướt Trung Quốc được cho là vượt qua kỹ thuật ướp xác Ai Cập - Ảnh 5.

Thi hài Tân Truy phu nhân dù trải qua hàng nghìn năm nhưng vẫn không phân hủy, thậm chí da vẫn mịn màng, đàn hồi và máu vẫn còn trong huyết quản.

Tuy nhiên điều khiến mọi người ngạc nhiên nhất là thi thể này trải qua hơn 2000 năm nhưng vẫn không bị phân hủy. Mặc dù gương mặt đã biến dạng nhưng làn da mềm mịn và đàn hồi, tóc vẫn còn, đường chỉ tay rõ ràng.

Thậm chí, tay và chân vẫn có thể gập, duỗi, không có dấu hiệu của sự co cứng cơ bắp. Phần não teo còn một nửa nhưng cấu trúc bộ não vẫn nguyên vẹn. Nhóm nghiên cứu còn xác định được xác ướp có nhóm máu A qua những gì còn lại trong thanh quản và các cơ quan nội tạng đều nguyên vẹn.

Thông thường khi nói đến xác ướp người ta thường nghĩ đến những xác ướp khô được bọc trong vải dày. Xác ướp ở Ai Cập chính là tiêu chuẩn. Trước khi ướp xác, người Ai Cập cổ thường loại bỏ hết nội tạng.

Có thể nói người Trung Quốc tiến bộ hơn so với thành tựu của người Ai Cập về lĩnh vực này khi có xác ướp mà các nhà khảo cổ Trung Quốc gọi là “xác ướp ướt”. Kỹ thuật ướp xác của người Trung Quốc xưa quả thật quá công phu, cho dù bây giờ có công nghệ tiên tiến cũng khó có thể đạt được trình độ này.

Bên cạnh đó một số lý do đã được đưa ra để giải thích cho việc tại sao thi thể Tân Truy phu nhân lại được bảo quản tốt đến vậy.

- Chôn sâu dưới lòng đất: Chúng ta đều biết tử thi sẽ bị thối rữa nếu tiếp xúc với không khí. Trong khi đó, Tân Truy phu nhân được chôn ở lăng mộ lớn có dạng như kim tự tháp chìm dưới đất, sâu 12m, hoàn toàn tách biệt với không khí. Nhiệt độ phía dưới ngôi mộ khá thấp, tựa như một chiếc tủ lạnh tự nhiên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho xác ướp hàng nghìn năm tuổi không bị phân hủy.

- Đất đặc biệt: Trong những lăng mộ cổ xưa ở Trung Quốc, cổ nhân thường dùng một loại đất đặc biệt để xây dựng. Độ cứng của nó giống như xi măng, có thể bịt kín các lỗ hổng, ngăn không cho không khí lọt vào trong lăng mộ.

-Thi thể được bọc trong hàng chục lớp lụa và vải lanh, 4 lớp quan tài: Xác của Tân Truy phu nhân được bọc trong 18 lớp lụa và vải lanh, sau đó được đặt trong 4 chiếc quan tài lồng chặt khít vào nhau, mỗi quan tài được niêm phong bằng một lớp sơn mài thô. Các biện pháp này có tác dụng ức chế vi khuẩn trong cơ thể người chết

-Than củi, đất sét: Để tránh không khí và nước lọt vào, ngôi mộ được phủ bằng 5 tấn than củi và phần đỉnh được bịt kín bằng lớp đất sét ẩm dày 1m. Không gian kín như vậy có tác dụng ngăn chặn các loại vi khuẩn và bảo quản xác ướp.

-Chất lỏng trong quan tài: Các nhà khoa học tìm thấy chất lỏng màu đỏ bên trong quan tài. Chất lỏng này chứa chu sa, một loại khoáng vật có thành phần thủy ngân. Chu sa có khả năng tiêu diệt vi khuẩn bên trong cơ thể.

Tuy vậy việc cơ thể của Tân Truy phu nhân có thể chống lại sự phân hủy cho đến nay vẫn là một bí mật. Bởi những xác ướp được chôn trong môi trường kín gió, nước tương tự như tướng quân và con trai của bà lại không thể bảo tồn ở trạng thái tốt như thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại