Dù cấp bằng rồi vẫn có thể bị thu
Liên quan đến trường hợp một thí sinh dính nghi án thi hộ cho ông Đặng Bá Sướng – Chủ tịch xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh bị phát giác vào ngày 20/6 vừa qua, chiều ngày 7/7, chúng tôi đã có buổi làm việc với TS. Trương Tiến Tùng, Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội.
Ông Tùng cho biết, biên bản sự việc đã được lập vào thời điểm sau khi sự việc bị "phát lộ". Lúc này, Điểm trưởng đã rời khỏi địa điểm thi trên.
Biên bản làm việc tại hội đồng thi không có sự có mặt của đại diện Viện Đại học Mở (Điểm trưởng)
Theo TS. Tùng, đây là kỳ thi do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức có sự phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh.
Điểm trưởng là người của Viện, có nhiệm vụ giám sát quy trình thi và phải thực hiện đúng quy chế. Cũng theo TS. Tùng, hiện tại Viện đã yêu cầu Điểm trưởng phải giải trình về vấn đề nêu trên.
Được biết, trong suốt 4 năm học, trong khoảng 20 bài thi của ông Sướng thì các chữ kí cũng khác nhau.
Về vấn đề này, TS. Tùng chia sẻ, theo quy chế, dù thí sinh, học viên là ai nhưng có sự gian lận một khi bị phát hiện thì đều bị thu hồi bằng cấp.
“Dù ông Chủ tịch xã cầm bằng ĐH rồi cũng bị tịch thu, nếu sai phạm bị phát hiện”, TS. Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc này cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác.
TS. Tùng cũng cảnh báo và khuyên ông Sướng nên nhìn nhận một cách đúng đắn về con đường học hành của mình.
"Việc học hộ hay thi hộ đã phần nào làm nhụt ý chí của những người khác. Còn trường hợp chỉ để “hợp thức hóa” bằng cấp thì không thể chấp nhận được", TS. Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, TS. Tùng cũng cho rằng, nếu sự thật là có vụ việc thi hộ cho ông Sướng thì đây cũng chỉ là hành vi nhất thời, nhà trường sẽ luôn tạo điều kiện để mọi sinh viên, học viên cũng như ông Sướng "vươn lên":
“Tôi cho rằng cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, nếu ông Sướng nhận thức được con đường học để vươn lên thì nhà trường vẫn tạo điều kiện vì Viện còn có hội đồng khảo thí....”, TS. Tùng chia sẻ.
Nhiều chữ ký khác nhau không vi phạm
Nói về việc xuất hiện nhiều chữ ký khác nhau trong các bài kiểm tra, bài thi của ông Sướng trong những năm học tại Viện Đại học mở, Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng:
Tuy ông Sướng là Chủ tịch xã, nhưng pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định buộc cán bộ, công chức phải dùng một chữ ký trong tất cả mọi văn bản và giao dịch cần có chữ ký của mình.
Đối với trường hợp của ông Sướng, việc thi cử ở đây là của cá nhân ông Sướng chứ không phải ký trong văn bản thay mặt cho Ủy ban nhân dân xã Uy Nỗ.
Do đó, ông Sướng ký nhiều loại chữ ký khác nhau là không vi phạm quy định của pháp luật và cũng không vi phạm nội quy của cơ quan.
Tuy nhiên, Luật sư Hồng cho rằng, cần khẩn trương tiến hành giám định toàn bộ chữ ký trong 20 bài thi nói trên.
Bởi điều này sẽ giúp xác định rõ sự thật trong vụ việc này, tránh những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và tránh những tiêu cực có thể phát sinh trong thi cử, học tập.
“Chỉ khi có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền khẳng định trong các chữ ký tại 20 bản danh sách có chữ ký không phải của ông Sướng thì mới có thể khẳng định ông Sướng không phải là người trực tiếp thi môn thi đó”, luật sư Hồng nhấn mạnh.