Xử phạt đội mũ bảo hiểm giả: Cảnh sát giao thông than khó!?

Theo Laodong |

Từ 15.4, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) giả. Vậy đâu là mũ giả, xử phạt ra sao. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có cuộc trả lời báo giới.

Căn cứ nào để kiến nghị xử phạt người đội MBH giả từ ngày 15.4, thưa ông?

Từ năm 2007, quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy chính thức có hiệu lực. Và sự chấp hành của người dân rất tốt. Đơn cử, năm 2008, TNGT đã giảm cao nhất đến thời điểm đấy là gần 5% số người chết.

 Đến nay, đã có trên 90% người dân đội MBH. Tuy nhiên, câu chuyện hiện nay không phải là đội mũ hay không đội mũ nữa, mà là câu chuyện đội mũ không đảm bảo chất lượng, không đúng quy cách.

Đặc biệt là tình trạng đội mũ bảo hiểm giả, mũ thời trang tràn lan. Theo thống kê của Uỷ ban ATGT QG thì tỉ lệ đội MBH giả xấp xỉ 70%... Một con số đáng chú ý nữa là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2013, trong số các ca tai nạn liên quan đến chấn thương sọ não nhập viện tại Bệnh viện Việt-Đức, thì có khoảng 50% là liên quan đến việc không đội MBH hoặc đội mũ không đảm bảo chất lượng.

Để xử lý vấn đề này, Uỷ ban ATGT đã xác định, năm ATGT 2013 là năm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, và ý thức tự giác của người thực thi công vụ. Bắt đầu từ ngày 15.3 đến 15.4, Ủy ban ATGT QG sẽ tổ chức một chiến dịch truyền thông. 

Cảnh sát giao thông giải thích cho người dân về việc đổi mũ bảo hiểm. Ảnh: TTO

Trong chiến dịch này, thông điệp đưa ra là đội MBH chuẩn là bảo vệ chính bạn. Đồng thời, sẽ đưa ra các cách giúp người dân phân biệt đâu là mũ thật, đâu là mũ giả.

Trong một tháng này, lực lượng QLTT cũng sẽ ra quân đồng loạt trong cả nước, để kiểm tra, xử phạt mạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh bày bán MBH giả, để làm sạch thị trường. Thí điểm một tuần tại Hà Nội, trong hai ngày ra quân, kiểm tra 3.000 MBH thì phát hiện tới 2.000 mũ giả. Tỉ lệ này quá lớn. Do đó, trong một tháng sắp tới, chúng tôi sẽ kiên quyết phối hợp ngăn chặn tình trạng này. Liên ngành sẽ phối hợp làm liên tục, từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ vận động những cửa hàng bán MBH ký cam kết bán mũ chuẩn, không bán MBH giả, và treo biển điểm bán mũ chuẩn có treo logo của UB ATGT để người dân biết. Sau một tháng tuyên truyền, Ủy ban ATGTQG sẽ đề nghị lực lượng CSGT xử phạt những trường hợp vẫn cố tình đội MBH giả.

Thưa ông, việc xử phạt tiến hành thế nào và mức xử phạt cụ thể?

Mục tiêu lớn nhất là kêu gọi người dân đội MBH đúng chất lượng. Uỷ ban ATGT QG mong muốn kêu gọi người dân chấp hành, bảo vệ chính tính mạng của mình. Tuy nhiên, nếu người dân cố tình vi phạm thì bắt buộc phải xử phạt. Bởi đội MBH giả đương nhiên coi là không đội MBH. MBH giả là mũ lưỡi trai, mũ nhựa, mũ thời trang. Bản thân nhiều người bán hàng, họ cũng đề là bán mũ thời trang để qua mắt lực lượng chức năng. Theo nghị định mới nhất, thì hành vi đội MBH không đảm bảo chất lượng, hay đội MBH không đúng quy cách sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH, tức là sẽ bị phạt từ 100.000-200.000đ.

Quản lý không tốt mới dẫn đến tình trạng người tham gia giao thông đội mũ chống chế. Ông nghĩ sao?

Tôi cũng thừa nhận chuyện quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng mũ dởm, mũ kém chất lượng. Và đương nhiên, họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Mũ giả, mũ đạt chất lượng căn cứ thế nào, thưa ông?

Uỷ ban ATGT QG sẽ mở chiến dịch giúp người dân nhận biết đâu là thật, đâu là giả. Mũ chất lượng là mũ ít nhất có 3 lớp gồm, nhựa, xốp và lớp bảo vệ trong cùng. Đồng thời, khi dùng một thời gian, cũng nên thay mũ mới.

Xin cám ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại