Xử bầu Kiên: “Ông Kiên là người có quyền lực vô hình”

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của bầu Kiên tại Ngân hàng ACB, bị cáo Trịnh Kim Quang nói: “Ông Kiên là người có quyền lực vô hình”.

Chiều nay, 22/5 phiên xét xử bầu Kiên cùng các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về việc ủy thác tiền gửi ở các ngân hàng khác tại Ngân hàng ACB. Ở phần này, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tiếp tục bị cách li trước khi các bị cáo khác trả lời thẩm vấn.

Bị cáo Lý Xuân Hải khai: “Chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền là khoảng tháng 3/2010. Khi đó, HĐQT ACB gồm 11 người trong đó ông Trần Xuân Giá là chủ tịch HĐQT. Ngày 22/3/2010 cuộc họp HĐQT bàn về cách ứng xử của ACB trong điều kiện thị trường đang cực kỳ rối loạn: làm sao để vượt qua giai đoạn này mà không mất khả năng chi trả".

Theo bị cáo này, các vấn đề chính của cuộc họp này là: Thứ nhất, đảm bảo khả năng chi trả (thanh khoản) là ưu tiên số 1; Thứ hai, không được để tốc độ tăng trưởng huy động quá nhanh, nếu không sẽ mất khả năng chi trả. Tức là duy trì sức cạnh tranh về huy động ở mức yếu, không chạy đua. Các thành viên HĐQT trong đó có ông Trần Mộng Hùng đều nhất trí với vấn đề này; Thứ ba là ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền ở các ngân hàng”.

Bị cáo Lý Xuân Hải - cựu TGĐ Ngân hàng  ACB trước vành móng ngựa (Ảnh: Tuấn Nam)
Bị cáo Lý Xuân Hải - cựu TGĐ Ngân hàng ACB trước vành móng ngựa (Ảnh: Tuấn Nam)

Bị cáo Lý Xuân Hải khai thêm: “Việc điều hành các nhân viên đem tiền đi gửi được giao cho anh Nguyễn Văn Hoàng – kế toán trưởng của ACB, tôi không chỉ đạo trực tiếp”.

“Việc ủy thác tiền gửi này theo tôi không vi phạm luật pháp vì Thông tư 02 ra ngày 3/3/2011 quy định về trần lãi suất huy động nhưng không có quy định về việc người gửi tiền có quyền nhận các khoản thưởng, hoa hồng khuyến mại từ ngân hàng. Ngân hàng ACB cũng không hạch toán các khoản này như tiền lãi. Tòa có thể kiểm tra. Anh Hoàng báo cáo lại với tôi, khi gửi tiền tại Vietinbank, lãi suất là theo quy định, còn phần thưởng cho người đi gửi tiền được hạch toán vào khoản khác”, bị cáo Lý Xuân Hải khẳng định.

Trước câu hỏi của chủ tọa rằng tại sao ACB không chờ có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về Luật các Tổ chức tín dụng rồi mới thực hiện các hoạt động ủy thác, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng: “Nếu chúng tôi chờ các cơ quan quản lý có hướng dẫn thực hiện thì hệ thống ngân hàng đã nguy kịch rồi. Từ trước đến nay, có nhiều vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chúng tôi là khi chưa có văn bản mới hướng dẫn thì vẫn làm theo văn bản cũ.”

Trước vành móng ngựa, bị cáo Trịnh Kim Quang khai: “Ông Kiên và ông Hùng là hai người có quyền lực nhất tại ngân hàng bởi hai người này nằm trong hội đồng sáng lập (nắm khoảng 40% tổng số cổ phiếu của ngân hàng). Ông Kiên là người có quyền lực vô hình”. Bị cáo này cũng khẳng định mình không biết việc gửi tiền vào ViettinBank.

Bị cáo Trịnh Kim Quang trước vành móng ngựa chiều 22/5 (Ảnh: Tuấn Nam)
Bị cáo Trịnh Kim Quang trước vành móng ngựa chiều 22/5 (Ảnh: Tuấn Nam)

Bị cáo này cũng cho rằng, việc gửi tiền vượt trần (trên 14% thời điểm đó) không phải lỗi của Ngân hàng ACB mà lỗi của bên huy động.

Trước đó, đứng trước vành móng ngựa, khi được hỏi về việc ủy thác tiền gửi vào các ngân hàng khác là đúng hay sai, bị cáo Lê Vũ Kỳ khẳng định: "Chủ trương ủy thác tiền gửi vào thời điểm ký là không sai. Tuy nhiên việc chủ trương này có được tiếp tục thực hiện hay không là do ban điều hành".

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại