Xôn xao hoảng sợ vụ thanh niên bị đâm chết sau va quẹt

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN |

Va quẹt xe ngoài đường rồi bị đánh hội đồng đến ngất xỉu hay thanh niên bị đâm chết, nhiều chuyện như đùa mà có thật. Cư dân mạng hoảng sợ xôn xao, nhắc nhau ứng phó...

Dư luận không còn xa lạ với những sự việc đau lòng xảy ra chỉ vì va quẹt xe. Cách đây 3 tháng đã có một vụ Việt kiều đâm người đến thủng tim chỉ vì va quẹt xe.

Ở Bến Tre có vụ chém chết người, ở Đồng Nai có vụ bị đánh hội đồng cũng chỉ vì va quẹt xe.

Ra đường cứ nín nhịn cho lành, cãi chỉ thiệt thân?

Bạn đọc Võ Quỳnh kể với TTO với sự bức xúc không thể kiềm chế về một tình huống va quẹt trên đường mà bản thân chị không có lỗi nhưng vẫn phải nín nhịn vì hai người tông xe vào chị trông quá dữ tợn, hung hãn.

“Hai người đàn ông từ trong hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chạy ra, đi ngược chiều về hướng Ngã tư Hàng Xanh với tốc độ rất cao, tông vào mẹ con tôi đang đi thuận chiều về hướng ngã năm Đài Liệt Sĩ.

Hai mẹ con loạng choạng té. Tôi quay lại chưa nói dứt câu “Sao anh chạy ngược chiều kỳ vậy?” thì họ đã sừng sỏ lao vào chửi bới: "Tao thích chạy như vậy đó. ...C.c. Mày muốn gì?".

Họ gầm lên với thái độ như muốn đánh mẹ con tôi. Bé con tôi mới 7 tuổi, hoảng sợ quá, khóc thét lên nói: "Đi đi mẹ ơi”- chị Quỳnh kể lại.

Cùng bức xúc này, anh Hữu Trí (Q.10, TP.HCM) kể có lần mình suýt bị đánh vì dám phản ứng khi người ngồi trên ôtô mở cửa sổ quăng rác trúng mặt anh.

“Rõ ràng họ thấy rác đập vô mặt mình, vậy mà không một lời xin lỗi. Tới đèn đỏ mình mới dừng xe, gõ cửa yêu cầu họ nói chuyện đàng hoàng. Ai ngờ tài xế bặm trợn vừa bước xuống vừa cầm cây côn rồi hỏi: Mày muốn gì?

Mình nói tôi không muốn gì, chỉ muốn một lời xin lỗi đàng hoàng. Người này liền phun nước bọt xuống đường rồi chửi thề: Xin lỗi c.m mày”, anh Trí nói về câu chuyện của mình.

Hàng loạt câu chuyện bức xúc khác của nhiều bạn đọc khiến cho dư luận bất bình trước tình trạng ra ngõ gặp côn đồ.

Chẳng lẽ cứ mãi im hết cho lành?


Hiện trường một vụ va quẹt xe rồi bị đâm chết ở Bến Tre

Hiện trường một vụ va quẹt xe rồi bị đâm chết ở Bến Tre

Từ những câu chuyện tương tự, nhiều người rỉ tai nhau: ra đường thì đúng sai gì cũng im hết đi cho lành. Và câu hỏi được đặt ra là: Chẳng lẽ phải sống chung với sự bất an, với chuyện "đúng mà cũng phải nhịn" như thế này?

Tổng kết lại những câu chuyện “tưởng như đùa” từng xảy ra như một cái nhìn cho là đểu, một cái cười bị cho là khinh, một cái ngoái nhìn cho là láo, một tiếng pô xe vang lên cho là thiếu lễ độ, v.v... đều có thể dẫn đến việc sẵn sàng tước mạng sống một người - một bạn đọc chua chát viết - mạng người rẻ quá, bản án tù cũng nhẹ nhàng quá.

Nhiều bạn đọc nói báo động. Báo động tính nhân văn trong xã hội hiện đại.

“Va chạm giao thông giờ không biết phải trái đúng sai, chỉ biết im lặng đền bù để bảo toàn tính mạng”, anh Anh Khoa viết.

Độc giả Khainguyen thì cho rằng “vừa ra khỏi ngõ là đụng côn đồ” thì lỡ có va quẹt trên đường, cách tốt nhất để giữ mạng sống là cười trừ với đối phương, dù bản thân mình đúng đi chăng nữa.

Ở một góc nhìn khác, nhiều người đề nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh lực lượng cơ động và truy xét bất ngờ để tránh tình trạng người dân mang vũ khí nóng ra đường, sẵn sàng ra tay khi có mâu thuẫn.

Đành phải nhún nhường vì không biết cầu cứu ai?


Hiện trường xảy vụ án mạng đâm chết người sau khi va quẹt xe tại khu vực vòng xoay Dân Chủ ngày 24-10 - Ảnh: Đ.Thanh

Hiện trường xảy vụ án mạng đâm chết người sau khi va quẹt xe tại khu vực vòng xoay Dân Chủ ngày 24-10 - Ảnh: Đ.Thanh

Tiến sĩ (TS), nhà văn hóa học Nguyễn Nhã cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

“Thứ nhất là do hoàn cảnh xã hội ở VN, thứ hai là ở việc giáo dục đạo đức ở gia đình và nhà trường, cuối cùng là đôi chỗ còn chưa nghiêm của luật pháp”, TS. Nguyễn Nhã nhận định.

Về nguyên nhân sâu xa, TS. Lý Tùng Hiếu lý giải: Nước ta đang trong quá trình đô thị hóa, hình thành lối sống vùng đô thị tập trung nhiều thành phần dân cư. Đâu đó, đạo đức bị đẩy lùi xuống hạng thứ yếu.

Hành vi của con người phải được điều chỉnh bằng luật pháp, trong đó thượng tôn giá trị cộng đồng. Tuy vậy, luật pháp ở VN mọi nơi là như nhau, không có luật riêng xử phạt các hành vi xâm phạm đến lợi ích của người khác và của cộng đồng nơi đô thị.

ThS. Lê Thị Loan, nguyên trưởng khoa Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục (Hà Nội) cảm thấy bất bình vì “nạn nhân không chết vì tai nạn mà lại chết vì mâu thuẫn xung khắc. Phải xem đó là một vấn nạn nhức nhối".

“Rõ ràng là đã có một sự đảo lộn về giá trị. Trong xã hội hiện nay, ý thức tập thể không được coi trọng, dư luận xã hội là không đủ để phản ứng với những hành vi xấu”, ThS. Lê Thị Loan nhận định.

Bà Loan cho rằng hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở tầng lớp thanh niên thiếu sự giáo dục đúng đắn.

Xã hội hiện nay ít quan tâm tới giáo dục con người mà chỉ tập trung vào các giá trị vật chất nên khi xảy ra va chạm và bất lợi về quyền hạn thì người ta lại dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Phương pháp giáo dục đạo đức lại chỉ mang tính chất giáo điều, răn dạy, không đưa ra được những tình huống cụ thể.

Môn đạo đức vẫn được coi là môn phụ, chưa được đầu tư thỏa đáng, dẫn đến tình trạng thanh niên thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Nên có phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả hơn.

TS Lý Tùng Hiếu, khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM nêu nhận xét khi người dân ra đường thấy hành vi bất bình lại không thể hành xử theo cách họ cho là đúng đắn được nên phải nhịn, ngay trong cả trường hợp bị làm phiền, bị xâm phạm quyền lợi cũng phải nhịn.

“Vì họ sợ những thiệt hại lớn hơn. Vậy thì chúng ta phải cầu cứu ai bây giờ? Luật pháp không thể giải quyết hết những bất an trên đường phố. Không biết dựa vào ai, người dân đành phải nhún nhường”, TS. Lý Tùng Hiếu bất bình.

Anh Quỳnh - người bị đánh hội đồng đến ngất xỉu sau một vụ va quẹt xe
Anh Quỳnh - người bị đánh hội đồng đến ngất xỉu sau một vụ va quẹt xe

Lực lượng trị an phải mạnh tay

Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp cho rằng tình hình an ninh xã hội VN hiện nay đang có nhiều vấn đề cần phải bàn.

“Ý thức pháp luật của một bộ phận người trẻ bây giờ không tốt. Để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật đòi hỏi khung pháp lý phải chặt chẽ, có tính răn đe.

Muốn vậy thì phải ra quân quyết liệt, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ, án treo một cách tùy tiện. Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị trừng trị thì lúc đó ý thức pháp luật mới được nâng cao”, LS Hiệp nêu ý kiến.

Theo TS. Lý Tùng Hiếu, xã hội không nên quá chú trọng những nguyên nhân sâu xa mà hãy nghĩ đến những cách giải quyết thiết thực.

“Ở các đô thị phải có lực lượng trị an hữu hiệu và mạnh tay. Khi người dân thấy những hành vi đúng đắn được các lực lượng hợp pháo bảo vệ thì họ sẽ cùng đồng lòng hợp sức với luật pháp để chấn chỉnh những hành vi xấu”, ông Hiếu nhận định.

LS Huỳnh Phước Hiệp cũng cho rằng cơ quan chức trách phải làm tốt công tác ngăn chặn những hành vi xấu thay vì để nó xảy ra rồi mới trừng phạt.

“Muốn phát hiện được những hành vi như vậy thì cơ quan cảnh sát phải tăng cường tuần tra chứ không chỉ ngồi chờ thông tin của người dân.

Những biện pháp tuyên truyền như mở xét xử lưu động cũng giúp nâng cao ý thức pháp luật của người dân”, ông Hiệp nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại