Lãnh đạo Đồng Tháp: Du học sinh làm cho tư nhân cũng là cống hiến

Mai Quốc Ấn |

Du học sinh Đồng Tháp được chọn “làm cho tư nhân nếu những kiến thức các em học chưa có điều kiện áp dụng trong các cơ quan của tỉnh”, và được khuyến khích làm thêm tăng thu nhập.

Cũng như Cần Thơ và các tỉnh trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp có 50 du học sinh đi du học theo đề án Mekong 1000.

Các du học sinh trở về địa phương, đã được tỉnh này có những cách đãi ngộ để cả đôi bên đều cảm thấy vui vẻ.

Nhiều người cho rằng Đồng Tháp đã “xé rào”. Nhưng Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Trần Thị Thái cho rằng, đó là việc sử dụng người căn cứ trên tình hình thực tế.


Phó CT UBND Đồng Tháp Trần Thị Thái

Phó CT UBND Đồng Tháp Trần Thị Thái

Làm tư nhân cũng là đóng góp cho quê hương

PV: Thưa bà, có thể xem Đồng Tháp đã "xé rào" cơ chế không khi có những du học sinh sau khi về tỉnh đã về làm tại các doanh nghiệp tư nhân?

Bà Trần Thị Thái: Tỉnh chúng tôi có 50 em học sinh  đủ điều kiện đi học nước ngoài theo Quy chế đào tạo trên đại học ở nước ngoài của tỉnh.

Khi các em về, chúng tôi bố trí làm việc theo nguyện vọng của các em (đương nhiên là nguyện vọng đó phù hợp với thực tế: cơ quan đơn vị đó còn biên chế, hoặc doanh nghiệp có nhu cầu nhận người và điều kiện các em đó đáp ứng được).

Đó là chủ trương của tỉnh. Chúng tôi không gọi đấy là "xé rào" vì tỉnh đã xây dựng quy chế đào tạo và được sự đồng ý của Ban thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. UBND vận hành theo quy chế.

PV: Cụ thể hơn về việc “căn cứ trên thực tế”, là những gì, thưa bà?

Bà Trần Thị Thái: Khi các em về chúng tôi giao Sở Nội vụ lấy nguyện vọng của các em, đồng thời căn cứ vào ngành nghề đào tạo sẽ thông báo cho các Sở, ngành, các đơn vị liên quan để các đơn vị có yêu cầu đăng ký tiếp nhận.

Sau đó bố trí các em cho phù hợp. Chúng tôi muốn nguồn lực được sử dụng hiệu quả

Thường trực ủy ban cũng đã tổ chức gặp mặt các em sau một hai năm xem có vấn đề gì không, để điều chỉnh tiếp.

Chuyên môn nào được bố trí việc nấy. Với vấn đề cán bộ trẻ, việc "chín người mười ý" sẽ dẫn đến việc bố trí sai chuyên môn, khác nguyện vọng có thể gây lãng phí nguồn lực.

Dù cử các em đi bằng ngân sách, nhưng khi các em trở về, chúng tôi lắng nghe mong muốn của các em là gì.

Nếu em nào có khả năng học cao hơn ở nước ngoài, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các em tiếp tục học tập, nghiên cứu.

Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các em đã về tiếp tục bằng việc tổ chức chương trình cho các em dạy thêm ngoại ngữ, tham gia các đề án nghiên cứu khoa học, tham gia vào Ban quản lý các dự án để các em tiếp tục học tập, nghiên cứu.

Những em nào về tỉnh thì dù làm trong cơ quan Nhà nước hay làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.

Còn những em muốn ở nước ngoài làm việc hay về nước, nhưng làm ở tỉnh khác thì chúng tôi sẽ nhận lại tiền mà ngân sách đã hỗ trợ các em đi học.

PV: Có vẻ sự khác biệt nằm ở việc lắng nghe nguyện vọng và giả sử có "chia tay" thì cũng vui vẻ phải không, thưa bà?

Bà Trần Thị Thái: Thực sự thì đa số các em ý thức rất cao mình đã được tỉnh ưu ái đưa đi đào tạo bằng một số tiền lớn từ ngân sách, lại được tuyển dụng không qua thi tuyển nên các em cũng không yêu cầu đòi hỏi gì nhiều.

Một vài trường hợp cá biệt thì chúng tôi phân tích thêm cho các em thấy. Đồng Tháp không có nhiều trường hợp tự hủy hợp đồng

Thực tế, lương Nhà nước theo hệ số thì không thể so với lương nước ngoài hay lương doanh nghiệp.

Chúng tôi đồng ý với lựa chọn ra ngoài làm cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của các em là vì việc làm giàu cho doanh nghiệp, cũng là làm giàu cho tỉnh thông qua đóng góp ngân sách bằng thuế.

Vả lại, có những thứ các em học có thể áp dụng ngay tại doanh nghiệp trong khi chưa có điều kiện áp dụng trong các cơ quan của tỉnh, không làm vậy sẽ thui chột các em mất.

Với các trường hợp ở lại nước ngoài hay về nước, nhưng qua địa bàn khác chúng tôi yêu cầu trả lại chi phí đào tạo cho tỉnh, theo quy chế.

Sở dĩ chúng tôi lấy lại đúng số tiền ngân sách đã hỗ trợ là vì ngân sách phải bảo tồn để tiếp tục chính sách này để tạo cơ hội cho những lứa sau.

Đặt hiệu quả lên hàng đầu

PV: Ở Đà Nẵng, một nhóm du học sinh và chính quyền địa phương phải ra tòa vì không đạt được những điểm chung trong hợp đồng.

Tại Cần Thơ, báo chí và mạng xã hội nói về mâu thuẫn trong cơ chế giữa một du học sinh và cơ quan chủ quản.

Bà có đánh giá gì về việc ứng xử và bố trí các du học sinh của các tỉnh khác?

Bà Trần Thị Thái: Mỗi địa phương có đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa khác nhau nên sẽ chọn những cách giải quyết khác nhau.

Chúng tôi không thể nói rằng Đà Nẵng đã làm đúng hay không đúng vì chúng tôi không phải là họ.

Cách chúng tôi làm là đặt hiệu quả lên trên hết và tạo ra một môi trường hợp tác. Hợp tác giữa các cán bộ là du học sinh về nước và các cán bộ được đào tạo trong nước.

Hợp tác giữa cán bộ chuyên trách và cán bộ quản lý. Hợp tác trên tinh thần cống hiến cho quê hương, cho Tổ quốc là tốt.

PV: Khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan (nay là Bí thư Tỉnh ủy) từng thừa nhận thực trạng có 30% cán bộ, công chức có mặt chỉ để lãnh lương, nếu không có họ cũng không ảnh hưởng gì tới công việc cơ quan đó.

Bà cho biết con số ấy bây giờ ra sao?

Bà Trần Thị Thái: Tôi không cầm số liệu trong tay nhưng có thể khẳng định con số ấy đã giảm. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đồng Tháp luôn nằm trong top 5 nhiều năm nay minh chứng cho điều đó.

Để giảm số công chức "sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về" chúng tôi làm mấy việc sau:

Về đầu vào công chức chúng tôi tổ chức thi rất nghiêm túc, kể cả du học sinh về cũng phải thi.

Cán bộ công tác luôn được kiểm tra, đánh giá chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân về bộ máy Nhà nước.

PV: Nhìn rộng ra, việc nhiều du học sinh e dè khi về Việt Nam làm việc cho cơ quan Nhà nước không phải là hiếm. Bà nghĩ gì khi mức lương quy định còn quá thấp và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được và phải khắc phục ra sao?

Bà Trần Thị Thái: Qua kinh nghiệm quản lý, chúng tôi thấy rằng đối với đa phần các du học sinh về nước thì môi trường làm việc là quan trọng nhất, hơn cả mức lương.

Mức lương là vấn đề thuộc về cơ chế, bản thân chúng tôi không thay đổi được.

Nhưng chúng tôi có thể tạo điều kiện cho các em tham gia các dự án nước ngoài thực hiện trên địa bàn hay cho các em đi dạy thêm như đã nói ở trên.

Cách chúng tôi tạo môi trường là dù học trong nước hay ngoài nước đều được ứng xử tốt nhất có thể.

Chúng tôi cũng sẵn sàng nghe góp ý thẳng thắn để tiến bộ. Mà góp ý thì đâu chỉ có cán bộ từ du học sinh mà còn các cán bộ khác, từ doanh nghiệp, từ nhân dân nữa.


Một cán bộ du học đang làm việc tại UBND tỉnh Đồng Tháp

Một cán bộ du học đang làm việc tại UBND tỉnh Đồng Tháp

"Tương lai Đồng Tháp phụ thuộc vào những con người này"

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng những kiến thức, phương pháp nghiên cứu, cách tư duy mà các du học sinh tiếp cận từ môi trường đào tạo ở nước ngoài sẽ giúp cho tỉnh thay đổi những hạn chế trong quản lý, điều hành của mình.

Vì vậy, những ý kiến đóng góp, những ý tưởng, sáng kiến mới từ đội ngũ du học sinh luôn là sự mong mỏi của lãnh đạo tỉnh - những người đã đặt tâm huyết của mình vào việc phát triển nguồn nhân lực Đồng Tháp.

Nguyễn Thị Việt Anh – Thạc sĩ Công nghệ Sinh học và Hoá sinh tại Bỉ chia sẻ, con đường nghiên cứu khoa học mà Việt Anh đang theo đuổi còn khá mới mẻ đối với tỉnh Đồng Tháp, nhưng lại rất cần thiết.

Vì, phát triển nông nghiệp theo công nghệ cao thì mới bền vững và phù hợp với biến đổi khí hậu, phát triển theo chiều sâu, có liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Từ đó nông dân bớt đi vất vả và nhất là góp phần vào việc tái cấu trúc nông nghiệp của tỉnh.

Ông Phạm Phát – Hiệu trưởng trường cho biết trường Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp cho biết, trường có đến 7 giáo viên được đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài.

Hiện trường đã duyệt 4 ý tưởng về xây dựng quy trình nghiên cứu khoa học cho sinh viên và giáo viên; kế hoạch thực hiện trang Wikipedia và Facebook

“Đây là ý tưởng của những giáo viên được đào tạo ở nước ngoài. Tôi đánh giá cao tư duy, sáng tạo ấy” -  vị Hiệu trưởng này nói.


Ông Lê Minh Hoan: Tương lai Đồng Tháp phụ thuộc rất lớn vào những con người ưu tú này

Ông Lê Minh Hoan: "Tương lai Đồng Tháp phụ thuộc rất lớn vào những con người ưu tú này"

Còn Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Tương lai phát triển của Đồng Tháp sẽ phụ thuộc rất lớn vào những con người ưu tú như những du học sinh này.

Sau thế hệ chúng tôi, trách nhiệm gánh vác xã hội là của thế hệ trẻ các bạn.

Do vậy, việc tạo ra môi trường làm việc để có thể đón nhận, sử dụng công sức, chất xám từ các du học sinh một cách hiệu quả cũng nên xuất phát từ chính nguyện vọng từ chính bản thân các bạn”.

(Phần tổng hợp sử dụng nguồn của đồng nghiệp Đồng Tháp Portal)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại