Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh mất quyền điều hành bay

LÊ NAM - Q.KHẢI - M.TRƯỜNG - DUY THANH |

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh đánh giá đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử ngành hàng không VN.

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh đánh giá đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử ngành hàng không VN.

* Đình chỉ kíp trưởng và nhân viên kỹ thuật

Từ 11g05-12g19 trưa 20-11 đã xảy ra sự cố mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh.

Chiều 20-11, ông Lại Xuân Thanh đã tức tốc bay vào TP.HCM để họp với các bên liên quan giải quyết sự cố. Vụ việc xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM) làm đơn vị này mất điều hành bay trong thời gian khoảng 1 giờ 15 phút. Ngay khi xảy ra sự cố, phương án ứng phó không lưu đã được kích hoạt, đồng thời áp dụng khắc phục từng phần hệ thống tại đây.

Đến 12g19, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định và công tác điều hành bay đã trở lại bình thường.

Theo Cục Hàng không, khi xảy ra sự cố mất điều hành ở ACC HCM, Công ty Quản lý bay miền Nam đã áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu.

Các chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh đều được theo dõi tại trung tâm ứng phó của Tổng công ty Quản lý bay VN tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội. Các hoạt động bay đều được bảo đảm an toàn.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ lúc 19g20 cùng ngày, ông Lại Xuân Thanh cho biết trước mắt cục đã đình chỉ nhân viên kỹ thuật trực tiếp, kíp trưởng của kíp trực để điều tra. Trong ngày 21-11, cục ra quyết định điều ra vụ việc này.

Chưa thể thống kê số chuyến bay bị ảnh hưởng

* Có bao nhiêu chuyến bay bị ảnh hưởng bởi sự cố này, thưa ông?

- Chúng tôi chưa thống kê chi tiết tổng số các chuyến bay trên mặt đất bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Vào thời điểm mất quyền điều hành, hệ thống ACC HCM đã đếm được trên màn hình rađa có 54 chuyến bay trong vùng FIR do ACC HCM phụ trách.

* ACC HCM không có hệ thống hỗ trợ, cung cấp điện kịp thời khi xảy ra sự cố mất điện?

- Đúng là sự cố mất điện nhưng không chỉ đơn thuần là mất điện nguồn (điện lưới, điện máy nổ) mà mất nguồn cung cấp điện từ các thiết bị cung cấp điện dự phòng (UPS) cho hệ thống thiết bị điều hành bay của trung tâm để điều hành bay.

Điện nguồn vẫn còn nhưng không có điện cung cấp trực tiếp cho hệ thống thiết bị điều hành bay.

* Đã bao giờ xảy ra sự cố này chưa?

- Chưa bao giờ. Sau sự cố này cục bắt buộc Tổng công ty Quản lý bay VN phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cấp điện cho hệ thống thiết bị điện điều hành bay cũng như các hệ thống khác.

Đây là sự cố an toàn kỹ thuật nghiêm trọng.

* Ngoài số máy bay đang bay trên trời, còn bao nhiêu chuyến bay nữa không thể hoạt động đúng lịch trình?

- Chúng tôi chưa có số liệu chính xác. Điều chắc chắn là không thể có chuyến bay nào từ Tân Sơn Nhất cất cánh được, cũng như không có chuyến bay nào cất cánh từ các sân bay khác để đếTân Sơn Nhất sau thời điểm xảy ra sự cố.

* 54 chuyến bay đang bay trên vùng trời trong thời điểm mất liên lạc được xử lý thế nào?

- Điều may mắn là tuy bị ảnh hưởng nhưng không có chuyến bay nào bị uy hiếp an toàn bay, không có máy bay nào vi phạm giãn cách an toàn...

Trong số các chuyến bay này có chuyến phải hạ cánh sân bay dự bị, có chuyến chuyển hướng bay, một số chuyến điều hành bằng phương pháp cổ điển không có rađa để hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Các nhân viên trực đã ứng phó đúng quy trình, bài bản và cuối cùng là giải tỏa được hết tất cả các máy bay đang bay trong vùng này mà không bị uy hiếp an toàn bay.

Sân bay nhốn nháo vì hàng loạt chuyến bay hạ cánh trễ

Sự cố hi hữu cần làm rõ để tránh tái lặp

Ông Nguyễn Tiến Sâm - nguyên thứ trưởng Bộ GTVT kiêm cục trưởng Cục Hàng không - đánh giá đây là sự cố hi hữu và là một khuyết điểm cần làm rõ để tránh lặp lại.

Theo ông Sâm, mỗi ACC được thiết kế có ba nguồn cung cấp điện gồm nguồn cung cấp điện lưới, máy phát điện và các UPS (bộ tích điện dự phòng). Khi nguồn cung cấp điện này gặp sự cố thì sẽ có nguồn cung cấp khác thay thế trong vòng vài giây, trong đó UPS là hệ thống cung cấp điện cuối cùng.

Điều ngạc nhiên trong sự cố mất điện trưa 20-11 là không có hệ thống điện dự phòng nào hoạt động. “Đây là khuyết điểm cần kiểm điểm, làm rõ để khắc phục, tránh lặp lại” - ông Sâm cho biết.

TUẤN PHÙNG

Đến khoảng 14g30 ngày 20-11, tại khu vực cửa đón khu vực nhà ga quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vẫn còn hàng trăm người nhốn nháo chờ đón người thân vì sự cố không lưu.

Trong đám đông chen chúc, nhiều người phải giơ cao bảng hiệu tên người quen hoặc căng mắt nhìn khi có người từ cửa đón bước ra. Nhiều người mệt mỏi khi hết lượt khách này đến lượt khách khác nhưng không thấy người thân của mình.

Dáng vẻ mệt mỏi, anh Minh cho biết anh được công ty giao đón một hành khách của công ty bay từ Đà Nẵng về TP.HCM. Dự kiến chuyến bay sẽ hạ cánh lúc 11g35 nhưng anh chờ đến 14g45 mới được nghe thông báo máy bay vừa hạ cánh.

Anh Minh nói: “Trước đó không hề nghe thông báo gì về việc chậm, trễ hạ cánh. Chờ lâu quá tôi có chạy đến hai màn hình nhỏ đặt ở hai góc khu chờ kiểm tra thông tin nhưng không có. Tôi phải gọi về công ty báo cáo tình hình mới được biết máy bay phải bay hạ cánh ở một sân bay khác vì sự cố không lưu”.

Tương tự, người nhà của một hành khách khác cho biết theo lịch bay, máy bay chở người nhà của anh cất cánh từ sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ đáp xuống Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13g50.

“Nhưng tôi phải đứng đợi đến 14g50 mới nghe được thông báo máy bay vừa hạ cánh”. Anh Hùng - một hành khách trên chuyến bay VN 1373 - cho biết máy bay cất cánh từ Huế, dự kiến đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 12g30.

“Tuy nhiên khi chuyến bay gần đến nơi, chúng tôi mới được thông báo sự cố đài không lưu nên không thể hạ cánh được. Nhiều người trên chuyến bay cũng cảm thấy lo lắng khi chuyến bay phải quay ra đáp xuống sân bay Đà Nẵng, chờ hơn một giờ mới tiếp tục hành trình”.

Mãi đến hơn 15g, anh Hùng và gia đình mới ra khỏi khu vực ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, tại khu vực nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất lúc 14g cùng ngày, một nhân viên của một khách sạn lớn tại TP.HCM cho biết đáng lẽ đã đón khách hàng từ khoảng một giờ trước nhưng đến thời điểm trên vẫn chưa thấy tin tức gì.

Anh Hùng, người dân từ Đồng Nai đến sân bay Tân Sơn Nhất đón người nhà từ Malaysia về, cho biết chuyến bay đã trễ hơn 40 phút so với kế hoạch và hiện vẫn chưa nhận được thông tin gì.

Gần 15g ngày 20-11, khu vực nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn đông thân nhân và nhân viên dịch vụ du lịch chờ đón những hành khách bị trễ giờ đáp máy bay - Ảnh: Quang Khải
Gần 15g ngày 20-11, khu vực nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn đông thân nhân và nhân viên dịch vụ du lịch chờ đón những hành khách bị trễ giờ đáp máy bay - Ảnh: Quang Khải

Máy bay đi Nga quay lại Cam Ranh sau hơn ba giờ bay

Chiều 20-11, ông Phan Lê Hoan - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết sự cố mất điện ở

ACC HCM đã làm ảnh hưởng đến bốn chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh tại Cam Ranh. Trong đó, chuyến bay thuê bao của Hãng hàng không UTAir chở du khách Nga về Ufa (Nga) cất cánh tại sân bay Cam Ranh lúc 10g53 phải quay lại sân bay này lúc 16g14.

Máy bay đỗ ở sân bay Cam Ranh và đến 2g sáng 21-11 mới cất cánh lại về Nga. Theo đại diện Công ty lữ hành Anex Tour (trụ sở tại Nha Trang, là doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour cho khách Nga đi trên chuyến bay này), ngay sau khi máy bay quay ngược lại Cam Ranh, công ty đã đưa 235 hành khách về Nha Trang lo nơi ăn nghỉ.

“Công ty chúng tôi bị thiệt hại đáng kể, trong khi nhiều du khách bày tỏ sự mệt mỏi và bất an khi máy bay đã bay gần nửa chặng đường mà phải quay lại nơi xuất phát” - đại diện Anex Tour cho hay.

Hơn 5 giờ chờ đợi mệt mỏi

Chuyến bay của Hãng VietJet Air số hiệu VJ 186 từ TP.HCM - Hà Nội của tôi có thời gian cất cánh lúc 7g45 ngày 20-11, nên tôi phải tranh thủ có mặt ở sân bay sớm hơn một giờ. Sau khi làm thủ tục, chúng tôi mới được thông báo thời gian cất cánh bị kéo dài đến 10g30.

Khi nhiều hành khách tập trung ở cửa số 16 tầng trệt chuẩn bị ra máy bay thì đại diện hãng tiếp tục thông báo chúng tôi phải di chuyển đến cửa số 11, tầng trên để ra máy bay.

Chỉ một quãng đường ngắn giữa hai cửa nhưng phải mất đến 45 phút, chúng tôi mới lên được máy bay. Cất hành lý, yên vị trên ghế ngồi ai cũng lộ vẻ mệt mỏi nhưng nghĩ máy bay sắp cất cánh cũng đỡ đi phần nào.

Nhưng 15 phút, 30 phút rồi 45 phút trôi qua, máy bay vẫn chưa chịu cất cánh.

Lúc này nhiều hành khách, trong đó có những du khách người nước ngoài, phản ứng gay gắt, yêu cầu máy bay cất cánh nếu không sẽ hủy vé, đổi vé... Đáp lại, nhân viên chuyến bay chỉ nói do sự cố kỹ thuật rồi mở cửa mời hành khách trở lại nhà ga tiếp tục chờ đợi.

Hành khách rất bức xúc nhưng cũng không biết phải làm gì đành khệ nệ ôm hành lý quay ngược lại nhà ga. Đến hơn 13g, chuyến bay của chúng tôi mới cất cánh.

Tính từ thời gian dự kiến bay ban đầu đến lúc máy bay cất cánh mất hơn năm giờ, người nào cũng đói rã rời nhưng vào khu vực chờ không được phục vụ thức ăn, đến chai nước uống cũng không có.

Ông DƯ HẢI (Hành khách trên chuyến bay VJ 186)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại